Phạm Hoàng Tuấn Anh đam mê nghiên cứu khoa học kỹ thuật
Dự án thiết bị hỗ trợ dạy và học chữ nổi Braille của Phạm Hoàng Tuấn Anh (lớp 11A2, Trường THPT Nguyễn Huệ, TP Tuy Hòa) xuất sắc giành giải nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh lần thứ XII, năm học 2024-2025. Đây là dự án mà Tuấn Anh đã miệt mài nghiên cứu trong 4 tháng và được Sở GD&ĐT chọn tham gia cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia tổ chức tại TP Hồ Chí Minh vào tháng 3/2025.
![Phạm Hoàng Tuấn Anh đang nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm chuẩn bị tham gia cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia tổ chức tại TP Hồ Chí Minh vào tháng 3/2025. Ảnh: TRUNG HIẾU](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_15_445_51483720/2e76ebd1d89f31c1688e.jpg)
Phạm Hoàng Tuấn Anh đang nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm chuẩn bị tham gia cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia tổ chức tại TP Hồ Chí Minh vào tháng 3/2025. Ảnh: TRUNG HIẾU
Hỗ trợ dạy và học cho người khiếm thị
Thiết bị hỗ trợ dạy và học chữ nổi Braille là dự án mà Tuấn Anh ấp ủ từ cuối năm lớp 10. Sau khi tham khảo nhiều tài liệu trên mạng, Tuấn Anh bắt đầu nghiên cứu và mất hơn 4 tháng, sản phẩm mới hoàn thiện, được nhà trường chọn tham gia cuộc thi cấp tỉnh.
Theo Tuấn Anh, Việt Nam hiện có khoảng 2 triệu người khiếm thị và thị lực kém, trong đó nhiều người phải đối mặt với những khó khăn trong việc tiếp cận và học chữ nổi. Tuy nhiên, hiện nay số lượng trung tâm và giáo viên giảng dạy chữ nổi cho người khiếm thị còn rất ít. Hơn nữa, hầu hết người khiếm thị lại có hoàn cảnh khó khăn. Điều đó khiến Tuấn Anh luôn trăn trở, hình thành ý tưởng, tham khảo nhiều tài liệu, nghiên cứu xây dựng dự án này.
Ngoài giờ học trên lớp, Tuấn Anh dành thời gian mua mạch điện chủ, mạch não, mạch bluetooth về tự lập trình, thiết kế. Em tạo ra một thiết bị hỗ trợ học chữ nổi, ghép vần, có thể hiểu và dạy chữ nổi Braille một cách dễ dàng, đồng thời giúp người học làm quen với cách ghép vần trên thiết bị điện tử, tăng cường sự hỗ trợ giữa những người khiếm thị với nhau.
“Thành phần chính là “hộp Braille”, thông qua một áp kết nối bằng bluetooth để hỗ trợ tạo chữ nổi, đồng thời nó có thể phát ra âm thanh tương ứng với chữ nổi đó. Ngoài ra còn có thêm thành phần nữa là “hộp MacroBraille” sẽ kết nối với hộp Braille để tạo chữ nổi, hỗ trợ xuất ký tự lên màn hình máy tính và phát ra âm thanh.
Thông qua thiết bị này, người dạy chỉ cần gửi chữ cái lên bàn phím hoặc sử dụng bằng giọng nói thông qua app Arduino Bluetooth Controller để tạo chữ nổi tương ứng. Ví dụ, mình nói xin chào thì thiết bị sẽ tự động tạo ra chữ xin chào. Thiết bị này sử dụng dễ dàng cho người dạy lẫn người học”, Tuấn Anh nói.
Theo Tuấn Anh, khi sử dụng thiết bị này, phương pháp dạy và học giống như cách thông thường. Sau khi học xong lý thuyết thông qua hộp Braille thì thực hành, với thiết bị MacroBraille sẽ hỗ trợ ghép vần chữ cái. Tất cả ký tự nổi, thiết bị xuất ký tự lên màn hình máy tính để người hướng dẫn dễ theo dõi, đồng thời nó kết nối với hộp Braille và phát ra âm thanh để người khiếm thị vừa học, vừa ghi nhớ dễ dàng. Các chức năng của thiết bị học chữ nổi, ghép vần, đọc các ký tự Braille xuất hiện trên màn hình đều hoạt động tốt. Sản phẩm sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt và có thể ứng dụng rộng rãi vào thực tiễn.
Hiện Tuấn Anh đã hoàn thành nâng cấp dự án, trong đó em nâng cấp hộp tạo chữ nổi để vừa tạo chữ nổi, vừa phát ra âm thanh tương ứng với chữ cái mình tạo, chuẩn bị tham gia cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) cấp quốc gia tại TP Hồ Chí Minh vào tháng 3/2025.
Đam mê khoa học kỹ thuật
Đam mê KHKT từ nhỏ, khi còn học tiểu học, Phạm Hoàng Tuấn Anh đã mua các thiết bị đồ chơi về tự lắp ráp, tạo ra nhiều sản phẩm để chơi. Vào lớp 10, em đăng ký tham gia sinh hoạt CLB KHKT của trường. Từ đó, em có sân chơi nghiên cứu KHKT và phát huy được những ý tưởng sáng tạo của mình. Trong năm lớp 10, Tuấn Anh nghiên cứu Dự án kính tích hợp điện thoại thông minh hỗ trợ di chuyển dành cho người khiếm thị. Dự án này em đạt giải nhì cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học cấp tỉnh lần thứ XI, năm học 2023-2024.
Ngoài đam mê nghiên cứu KHKT, Tuấn Anh còn học rất giỏi. Trong 11 năm qua, em luôn là học sinh giỏi, xuất sắc của trường. Ngoài ra, năm lớp 10, Tuấn Anh đạt giải 3 cuộc thi Tin học trẻ tỉnh. Hiện em là thành viên đội tuyển Tin học của trường ôn tập chuẩn bị tham gia cuộc thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh. “Thời gian tới, em tiếp tục đầu tư nhiều thời gian nghiên cứu để biến những ý tưởng thành những dự án thiết thực hơn nữa tham gia các cuộc thi KHKT cấp tỉnh, quốc gia. Hy vọng những dự án của em sẽ nhanh chóng áp dụng vào thực tiễn ngày càng rộng rãi”, Tuấn Anh cho biết.
Khi hỏi về ước mơ, nam sinh ở khu phố Ninh Tịnh 6 (phường 9, TP Tuy Hòa) cho biết, em sẽ nỗ lực học tập, nghiên cứu để sau này trở thành một sĩ quan kỹ thuật quân sự trong quân đội.
Phạm Hoàng Tuấn Anh là học sinh đam mê nghiên cứu KHKT của trường. Khi dự án của em đạt giải nhất cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học cấp tỉnh lần thứ XII, năm học 2024-2025, nhà trường phân công giáo viên tiếp tục tư vấn, để em nâng cấp, hoàn thiện những điểm còn hạn chế của sản phẩm, chuẩn bị tham gia cuộc thi KHKT cấp quốc gia tổ chức tại TP Hồ Chí Minh vào tháng 3/2025.
Ông Nguyễn Văn Thuyền, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ