Khi ly cà phê đắt hơn cả một suất cơm, bát phở
Minh chứng là doanh thu từ các cửa hàng chuỗi cà phê/quán bar đang đóng góp tỷ trọng lớn nhất toàn ngành F&B Việt Nam, lên đến 44,3% theo báo cáo 'Kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam năm 2022'.
Đây là số liệu được công bố từ báo cáo "Kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam năm 2022" thực hiện bởi iPos.vn, VIRAC và Cộng đồng chuyên trang F&B Việt Nam.
Theo báo cáo này, 58% thực khách sẵn sàng dành từ 40.000 đồng cho mỗi lần sử dụng đồ uống. Trong đó, 44% sẵn sàng chi tiêu từ 41.000 - 70.000 đồng (mức chi ở các thương hiệu đồ uống như Highlands Coffee, Phúc Long, The Coffee House,...).
Và 14% sẵn sàng chi tiêu từ 70.000 đồng (mức chi ở các thương hiệu đồ uống cao cấp như Starbucks, Runam Bistro,...).
Mức chi tiêu cho đồ uống nói trên cao hơn hẳn với mức chi tiêu cho một bữa ăn tại Việt Nam, cũng theo số liệu được iPos.vn công bố.
Cụ thể, trên tổng số 3.940 số người tham gia khảo sát, chi tiêu trung bình cho mỗi bữa ăn trưa bên ngoài đang chiếm tỷ trọng lớn ở mức từ 31.000 - 50.000 đồng/bữa với tỷ lệ là 42,7%. Theo sau là mức chi tiêu từ 20.000 - 30.000 đồng/bữa đối với mức tỷ lệ 35,9%.
Với bữa tối, chi tiêu trung bình cho mỗi bữa ăn bên ngoài đang chiếm tỷ trọng lớn ở mức từ 31.000 - 50.000 đồng/bữa với tỷ lệ là 38,1%. Tuy nhiên, có tới 23.3% đáp viên sẵn sàng chi từ 51.000 cho bữa tối (so với 13,3% đối với bữa trưa).
Điều này đồng nghĩa, chi tiêu của người Việt cho mỗi lần sử dụng đồ uống như cà phê, trà sữa đang cao hơn nhiều so với một bữa ăn thông thường (cơm, phở, bún...).
Minh chứng là doanh thu từ các cửa hàng chuỗi cà phê/quán bar đang đóng góp tỷ trọng lớn nhất toàn ngành F&B Việt Nam, lên đến 44,3% theo báo cáo "Kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam năm 2022".
Số liệu từ báo cáo cũng phù hợp với những diễn biến tại thị trường F&B Việt Nam trong năm 2022. Các thương hiệu lớn đặc biệt là thương hiệu chuỗi, bằng nguồn vốn tích lũy của mình, nhiều bên đang tranh thủ chiếm lĩnh thị phần khi các đối thủ suy yếu.
Các thương hiệu lớn như Highlands Coffee, The Coffee House vẫn bền bỉ mở rộng chuỗi, tuy nhiên cạnh tranh ngày một tăng đến từ các thương hiệu mới, đang tạo nên tiếng vang như Phê La, Katinat...
Trải qua 2 năm đại dịch, ngành F&B đã có nhiều biến động, nhu cầu đối với các sản phẩm này hồi phục mạnh mẽ sau thời kì giãn cách.
Mặc dù kinh tế năm 2023 được dự báo có nhiều khó khăn, tuy nhiên theo Euromonitor, giá trị thị trường năm 2023 dự kiến sẽ tăng 18% so với 2022. Sau khi hồi phục và tăng trưởng mạnh mẽ, ngành F&B sẽ tiếp tục phát triển với tốc độ ổn định và dự kiến sẽ đạt giá trị 938.305 tỷ đồng vào năm 2026.