Khi cho trẻ uống vitamin A, cần lưu ý những gì?

Việc cho trẻ uống vitamin A được thực hiện tại trạm y tế phường, xã hoặc các trường học. Các bậc phụ huynh cần lưu ý những gì?

Theo số liệu của cuộc Tổng điều tra dinh dưỡng năm 2020, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng tại Việt Nam đã được cải thiện đặc biệt trên 2 đối tượng bà mẹ và trẻ em. Cụ thể, thống kê cho thấy, tình trạng thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm từ 14.2% xuống còn 9.5%, vitamin A trong sữa mẹ thấp đã giảm từ 35.5% xuống còn 18.3%. Đây là thành quả tích cực của chiến dịch bổ sung viên nang vitamin A một năm 2 lần cho trẻ em trong độ tuổi được uống. Hàng năm, hàng triệu trẻ dưới 5 tuổi được bổ sung vitamin A liều cao tại các trung tâm y tế xã, phường trên toàn quốc.

Theo đó, vitamin A giúp tăng cường thị lực, bảo vệ chống lại một số bệnh về mắt trong điều kiện thiếu ánh sáng và có vai trò tạo sắc tố võng mạc, giúp mắt có thể quan sát được. Đối với biểu hiện giảm khả năng quan sát lúc ánh sáng yếu, hay còn được gọi là “quáng gà” chính là hiện tượng thiếu vitamin A ở trẻ. Ngoài ra, vitamin A giúp cơ thể trẻ tăng trưởng và hỗ trợ quá trình phát triển xương, phát triển cơ thể ở trẻ. Trẻ sẽ chậm lớn, còi cọc, suy dinh dưỡng và giảm tiết chất nhầy, tăng ức chế sự sừng hóa, khiến mắt trẻ bị khô, da trở nên sần sùi, nứt nẻ nếu thiếu vitamin A.

Vitamin A là chất dinh dưỡng quan trọng cho sức khỏe của trẻ. (Ảnh Internet)

Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, phụ huynh cần lưu ý một số vấn đề sau khi cho trẻ uống vitamin A:

- Khi uống vitamin A, trẻ có thể có biểu hiện buồn nôn, nôn ói hoặc đi ngoài phân lỏng. Các biểu hiện này sẽ tự hết sau vài ngày nên các bậc phụ huynh không phải lo lắng.

- Việc lạm dụng vitamin A có thể gây ra tình trạng dư thừa, khiến trẻ phải đối mặt với các nguy cơ như: Vàng da, da nhạy cảm, thị lực suy giảm, xuất hiện triệu chứng đau đầu, buồn nôn, khó thở. Trẻ bị mệt mỏi, stress, không tăng cân thậm chí là tổn thương gan và mắc nhiều bệnh lý nguy hiểm.

- Không tự ý cho trẻ uống và bổ sung vitamin A liều cao, vượt mức 100.000-200.000IU/ lần. Vì điều này có thể gây ngộ độc do quá liều biểu hiện như: Ngộ độc gan, rối loạn sắc tố da, chán ăn, tiêu chảy, buồn nôn…

- Gây tổn thương gan: Sử dụng vitamin A đơn độc liều cao có thể gây tổn thương gan, do đó không nên kết hợp với các thuốc cũng ảnh hưởng tới gan như acetaminophen, amiodarone, carbamazepine, isoniazid, methotrexate, methyldopa, fluconazole, itraconazole, erythromycin, phenytoin, lovastatin, pravastatin, simvastatin và nhiều thuốc khác.

- Ngoài ra, một số loại thuốc như Neomycin, Cholestyramine có thể gây tăng hoặc giảm nồng độ vitamin A trong cơ thể. Nếu trẻ đang sử dụng những loại thuốc này các bậc phụ huynh nên cho bé uống vitamin A vào 2 giờ sau đó.

- Không dùng vitamin A với các thuốc chứa Retinoid vì chúng có thể dễ gây quá liều.

- Tăng tác dụng của thuốc khác: Vitamin A liều cao có thể làm tăng tác dụng của warfarin, làm tăng nguy cơ chảy máu.

Theo lịch uống vitamin A cho trẻ hàng năm, nhà nước tổ chức 2 đợt uống vitamin A miễn phí cho trẻ. Lịch uống vitamin A liều cao cho trẻ thường được triển khai vào 2 đợt: Đợt 1 từ ngày mùng 1 - 2/6 và đợt 2 từ ngày mùng 1 - 2/12. Các đợt cung cấp vitamin A này được tiến hành tại các trạm y tế cấp xã, phường hoặc tại các địa điểm được chỉ định bởi tổ dân phố. Mỗi lần bổ sung vitamin A cho trẻ chỉ sử dụng một liều duy nhất, uống qua đường miệng.

Lịch trình cung cấp vitamin A có thể thay đổi hàng năm, vì vậy các bậc phụ huynh cần chú ý theo dõi thông báo từ cơ quan địa phương để không bỏ lỡ cơ hội cho con nhận vitamin A liều cao. Ngoài ra, vitamin A có tính tan trong dầu, nên khi dư thừa rất khó để đào thải ra ngoài. Việc bổ sung cho bé cần được tham vấn ý kiến từ bác sĩ chuyên môn.

Ngọc Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/khi-cho-tre-uong-vitamin-a-can-luu-y-nhung-gi-289165.html