Khát vọng vươn tầm cao mới

Chứng kiến nhiều thành tựu nổi bật về kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, nhân dân các dân tộc trong tỉnh tin tưởng vào sự đổi mới phương thức lãnh đạo của Tỉnh ủy. Đổi mới trở thành động lực, khát vọng, bước vào năm 2024, Đảng bộ tỉnh phấn đấu thực hiện lời Bác dạy: 'Bác mong tỉnh Cao Bằng sớm trở thành một trong những tỉnh gương mẫu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc như trước đây Cao Bằng là một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc'.

Đổi mới công tác Đảng tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn

Cũng trên vùng đất phên dậu Tổ quốc đầy gian khó này nhưng mỗi năm, tôi cũng như hàng nghìn người dân đã chứng kiến nhiều đổi thay mang tầm chiến lược như: Khởi công xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng), nối gần Cao Bằng với Thủ đô Hà Nội và cả nước; đường giao thông từ tỉnh đến các huyện ngày càng thuận tiện; nhiều sự kiện văn hóa, du lịch, đối ngoại hợp tác hữu nghị được tổ chức đã thu hút hàng triệu lượt khách trong nước và quốc tế đến với Cao Bằng… Vì thế, tôi tin tưởng Tỉnh ủy đổi mới phong cách lãnh đạo, coi trọng “cán bộ là gốc của mọi công việc” làm nên bứt phá mới cho tỉnh - Bà Hoàng Thị Xuân, tổ 5, phường Hợp Giang (Thành phố) phấn khởi chia sẻ.

Như lời ghi nhận của nhân dân về đổi mới công tác cán bộ của Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Thúy Anh cho biết: Nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra mục tiêu tháo gỡ 3 điểm nghẽn nút thắt và phát huy 3 thế mạnh. Để có đội ngũ cán bộ thực hiện mục tiêu trên, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Tỉnh ủy xác định công tác cán bộ là nhiệm vụ “then chốt”, chủ động xây dựng Chương trình trọng tâm “xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp nhất là cấp chiến lược có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ giai đoạn 2021 - 2025”. Đặc biệt năm 2022, Trung ương Đảng triển khai nhiều chủ trương, nghị quyết, quy định về công tác tổ chức xây dựng Đảng có tính đột phá, tác động tích cực, toàn diện tới cả hệ thống chính trị đối với các địa phương, đơn vị. Theo đó, Tỉnh ủy bám sát các quy định số 41, 50, 57, 80 của Trung ương về quản lý, quy hoạch, luân chuyển cán bộ, miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ đảm bảo đúng chủ trương, nguyên tắc, vừa cụ thể, sát thực tiễn, có tính mới, phù hợp với đặc thù của địa phương.

Bí thư Tỉnh ủy Trần Hồng Minh dự buổi sinh hoạt chi bộ tại tổ dân phố 2, thị trấn Tĩnh Túc (Nguyên Bình) Ảnh: Thanh Thúy

Ban Thường vụ Tỉnh ủy kịp thời điều chỉnh, bổ sung, cụ thể hóa thành các quy định, quy chế một cách chặt chẽ, toàn diện. Trong đó, đưa ra các tiêu chí, quy trình tuyển chọn, bố trí, phân công, đánh giá, quy hoạch... với yêu cầu cao hơn, chặt chẽ hơn, đồng thời tổ chức thực hiện quyết liệt. Điều động, luân chuyển hơn 20 lượt cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý tại một số ngành, địa phương có vấn đề phức tạp, cử cán bộ trẻ, cán bộ có triển vọng phát triển đến công tác, nhằm ổn định tình hình, kết hợp rèn luyện cán bộ; đối với cán bộ khi được bổ nhiệm, điều động đều yêu cầu phải có chương trình hành động rõ ràng, có sản phẩm cụ thể, cuối năm đánh giá kết quả thực hiện...

Bí thư Huyện ủy Bảo Lâm Đoàn Trọng Hùng chia sẻ: Nhận nhiệm vụ Bí thư huyện biên giới đặc biệt khó khăn, tôi luôn trăn trở, quyết tâm “Càng khó khăn càng phải nỗ lực”. Tôi chủ động gắn bó sâu sát với cơ sở, lắng nghe ý kiến cán bộ, bà con phản ánh để xây dựng chương trình hành động mới, lựa chọn cán bộ huyện, xã có năng lực, trình độ vận động nhân dân ủng hộ, đồng lòng với Ban Thường vụ Huyện ủy thực hiện tốt công tác dân vận, đã xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình, “Chữ thập vải đỏ” trong một bộ phận dân tộc Mông, đập tan âm mưu kẻ xấu gây rối an ninh trật tự... Đến nay, từ điểm nóng về dân tộc tôn giáo, nay bà con các dân tộc Bảo Lâm đoàn kết xây dựng đời sống mới, giữ vững thế trận an ninh chính trị, biên giới.

Bí thư Huyện ủy Bảo Lạc Lã Hoài Nam chia sẻ: Nhận nhiệm vụ làm Bí thư một huyện còn nhiều khó khăn, giai đoạn này, Đảng bộ tỉnh ra Nghị quyết chuyên đề xây dựng phát triển các huyện miền Tây, trong đó Bảo Lạc là huyện trung tâm. Trước yêu cầu nhiệm vụ mới của Tỉnh ủy, huyện đặt ra, tôi trăn trở tìm hiểu tiềm năng, thế mạnh, văn hóa bản địa... Cùng với Ban Thường vụ Huyện ủy xây dựng chương trình hành động với 3 quyết sách: Kết nối giao thông Bảo Lạc (Cao Bằng) - Mèo Vạc (Hà Giang) - Ba Bể - Pác Nặm (Bắc Kạn) để phát triển thế mạnh du lịch gắn với nông nghiệp hữu cơ, từng bước thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX về xây dựng các huyện miền Tây thành hành lang kết nối du lịch Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng với Công viện địa chất Toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang).

Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Cùng với đổi mới công tác cán bộ, Tỉnh ủy đẩy mạnh xây dựng chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC), được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Chị H.T.M., tổ 5, phường Sông Hiến (Thành phố) phấn khởi bày tỏ niềm tin: Từ vụ việc tiêu cực của tôi và tập thể nhóm công nhân Công ty gửi đến Bí thư Tỉnh ủy, được Bí thư Tỉnh ủy Trần Hồng Minh xem xét chỉ đạo lãnh đạo công ty giải quyết thỏa đáng, tôi tin, kỳ vọng sang xuân mới năm 2024, Tỉnh ủy tiếp tục có những quyết sách mới xây dựng chỉnh đốn Đảng, PCTNTC.

Từ niềm tin, kỳ vọng của nhân dân, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban PCTNTC tỉnh Trần Hồng Minh cho biết: Được sự ủng hộ của nhân dân, Ban Thường vụ bám sát Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) tập trung lãnh, chỉ đạo xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Xây dựng và triển khai chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, 6 (khóa XIII). Tỉnh ủy ban hành kế hoạch thực hiện Kết luận số 21 với chủ đề “tự soi, tự sửa”, trong đó chú trọng thực hiện “Tự soi, tự sửa” trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, đưa việc học tập và làm theo Bác gắn với đẩy mạnh xử lý, giải quyết các vụ việc phức tạp, bức xúc, nhạy cảm tồn đọng lâu ngày, nhất là trong lĩnh vực đất đai, giải phóng mặt bằng, khiếu nại kéo dài..., trong lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết dứt điểm gắn với trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị. Kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đi đôi với xây dựng tổ chức Đảng, đảng viên trong sạch, vững mạnh.

Từ đẩy mạnh xây dựng chỉnh đốn Đảng, nhân dân khi phát hiện tham nhũng, tiêu cực đã tích cực tham gia tố giác đấu tranh chống tiêu cực, cung cấp nhiều thông tin có giá trị cho các cơ quan chức năng, góp phần sáng tỏ nhiều vụ việc. Từ tháng 7/2022 đến nay, Ban Chỉ đạo PCTNCT tỉnh chỉ đạo quyết liệt nhiều vụ việc nổi cộm mà dư luận quan tâm, đưa khởi tố 30 vụ án/122 bị can, tổng tài sản thiệt hại ban đầu trên 30 tỷ đồng. Trong số đó có 7 vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh theo dõi, chỉ đạo. Các bị can, bị khởi tố có một số lãnh đạo cấp sở, ngành, huyện, Thành phố… Các cấp ủy kiểm tra 2.844 lượt tổ chức Đảng và 7.199 lượt đảng viên, có 2.188 cấp ủy viên các cấp, thi hành kỷ luật 4 tổ chức Đảng, 475 đảng viên vi phạm.

Từ năm 2022 đến nay, Tỉnh ủy chỉ đạo Đảng ủy các cấp chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên, trọng tâm giải quyết khó khăn vướng mắc tại Đảng bộ, chi bộ cơ sở. Tổ chức Hội thi Bí thư Chi bộ giỏi các cấp, đưa việc thực hành tổ chức sinh hoạt chi bộ thường kỳ, sinh hoạt chuyên đề vào Hội thi. Qua đó góp phần nâng cao năng lực, kỹ năng công tác cho đội ngũ bí thư chi bộ cơ sở. Chỉ đạo các cấp ủy phân công cấp ủy viên tăng cường đi cơ sở. Riêng cấp tỉnh, Tỉnh ủy viên mỗi năm ít nhất 2 lần dự sinh hoạt chi bộ, dự 2 cuộc họp với ban chấp hành Đảng bộ cơ sở để nắm tình hình, giúp đỡ địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Đảng viên Nông Văn Dù, Chi bộ xóm Phja Đén, xã Thành Công (Nguyên Bình) chia sẻ: Tháng 7/2023, Bí thư Tỉnh ủy Trần Hồng Minh tham dự sinh hoạt Chi bộ xóm Phja Đén. Sau khi nghe, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của đảng viên về phát triển nghề sản xuất miến dong truyền thống, Bí thư Tỉnh ủy động viên, định hướng cho chi bộ vận động, hướng dẫn cho bà con sản xuất miến thủ công xây dựng thương hiệu, sản phẩm OCOP, xây dựng làng nghề, trình diễn làm miến thủ công thu hút khách du lịch. Bí thư Tỉnh ủy đến dự sinh hoạt chi bộ, chúng tôi thêm tin tưởng lãnh đạo gần dân, hiểu cơ sở để chỉ đạo định hướng cho cơ sở vươn lên.

Dấu ấn khát vọng đổi mới

Từ chỉ đạo của Tỉnh ủy về đổi mới toàn diện công tác xây dựng Đảng, nhiều Đảng ủy, Đảng bộ, chi bộ cơ sở có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo nhân lên sức mạnh, ý chí khát vọng đổi mới của Đảng bộ tỉnh và nhân dân, tập trung tháo gỡ 3 điểm nghẽn, nút thắt và thúc đẩy 3 tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, tạo nên bứt phá, phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo cán bộ lãnh đạo các cấp, sở, ban, ngành tập trung triển khai nhiệm vụ “ưu tiên số 1” hoàn thiện các thủ tục dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Ngày 1/1/2024, chính thức khởi công tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, thực hiện khát vọng, cơ hội cho Cao Bằng thu hút đầu tư, phát triển tiềm năng lợi thế về kinh tế cửa khẩu, du lịch dịch vụ gắn với thế mạnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông sản đặc hữu riêng có.

Bí thư Chi bộ xóm Đoỏng Lẹng, thị trấn Đông Khê (Thạch An) Nông Văn Tuấn phấn khởi chia sẻ niềm vui với chúng tôi trong ngày khởi công tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh: Chứng kiến Cao Bằng khởi công mở đường cao tốc, bà con xóm chúng tôi phấn khởi lắm. Vì đây là con đường khát vọng của đông đảo nhân dân bởi tháo gỡ cơ bản điểm nghẽn về giao thông để Cao Bằng giao thương kinh tế, du lịch, nông sản. Tôi tuyên truyền cho bà con trong xóm tích cực phối hợp với cơ quan chức năng làm thủ tục bàn giao mặt bằng để thi công đường cao tốc theo tiến độ.

Tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng giao thông còn được các sở, ngành quan tâm nghiên cứu, quy hoạch đầu tư giao thông liên kết vùng từ huyện Bảo Lâm - Bảo Lạc - Nguyên Bình (Cao Bằng) sang Hà Giang - Bắc Kạn - Tuyên Quang để kết nối Cao Bằng với các tỉnh phía Bắc và Thủ đô Hà Nội. Cùng với đó 19 dự án đầu tư nâng cấp các tuyến đường từ huyện đến xã được nhựa hóa, bê tông kết nối du lịch, giao thương kinh tế nội địa và cửa khẩu.

Nhiệm vụ đột phá về phát triển du lịch bền vững, nông nghiệp hữu cơ tiếp tục đạt dấu mốc ấn tượng. Lãnh đạo các cấp, sở, ngành quan tâm, đồng hành với doanh nghiệp và nhân dân nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch cùng với xây dựng nhiều sản phẩm du lịch mới khác biệt đã thu hút 3 triệu lượt khách, thu nhập xã hội đạt trên 1,5 tỷ đồng, vượt mục tiêu đề ra đến năm 2025 trên 8,6%. Trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với chế biến, xây dựng thương hiệu, các cấp, ngành, doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân xây dựng 97 sản phẩm OCOP từ 2 - 4 sao vươn ra thị trường, phục vụ du lịch. Cây thế mạnh như mía, hồi, quế, sả, sở, trúc sào, thạch đen, dong riềng, chè hữu cơ chất lượng cao, dược liệu được tập trung mở rộng,… hằng năm tiêu thụ hàng trăm tấn miến dong, gạo nếp, thạch đen, lạp sườn, thịt lợn, bò, trâu hun khói…

Dấu ấn năm 2023 từ đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, điều hành của cấp ủy, chính quyền tỉnh theo hướng trọng tâm, trọng điểm, gần dân sát dân kết hợp với lộ trình khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số đã tạo nên sự đồng thuận từ lãnh đạo các cấp ủy và nhân dân quyết tâm thực hiện khát vọng đưa Cao Bằng phát triển.

Trường Hà

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/khat-vong-vuon-tam-cao-moi-3166866.html