Khát vọng và hiện thực hòa bình, thống nhất, hùng cường
Từ thắng lợi Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954 đến đại thắng mùa xuân năm 1975 là 21 năm đằng đẵng với bao mất mát, hy sinh của dân tộc Việt Nam. Trong hành trình ấy, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng chân chính và vững niềm tin để thực hiện khát vọng cháy bỏng: Non sông liền một dải, hòa bình, độc lập và xây dựng đất nước hùng cường.
Tinh thần đoàn kết ấy đã hun đúc trong nhiều thế hệ và tiếp tục được bồi đắp trong thời đại Hồ Chí Minh, với niềm tin: “Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!” và “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam-Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”.
Lịch sử hình thành và phát triển của nhiều quốc gia, dân tộc trên thế giới đều cho thấy, đoàn kết, niềm tin và khát vọng là những nhân tố cốt lõi, là động lực. Với Việt Nam, hai chữ “đồng bào” và niềm tin “con Lạc, cháu Hồng”… đã gắn kết các dân tộc trên dải đất hình chữ S, nhân lên nguồn sức mạnh để thoát khỏi ngàn năm Bắc thuộc và hơn 80 năm thuộc địa, cùng bao thiên tai, địch họa.
Ở thời điểm 1945-1946, trong bối cảnh thế giới cực kì phức tạp, vận nước cũng “ngàn cân treo sợi tóc”. Những chủ thể rường cột của một nhà nước non trẻ: Quân đội nhân dân mới thành lập 2 năm trước; lực lượng Công an cũng mới chỉ ra đời trong Cách mạng tháng Tám; kinh tế, tài chính hầu như trống rỗng; khoảng 90% dân số mù chữ…
Giữa lúc đó, toàn quốc kháng chiến bùng nổ. Chính quyền non trẻ phải đối mặt với thù trong, giặc ngoài, giặc đói, giặc dốt… Nguy hiểm nhất là giặc ngoại xâm. Sau khi 20 vạn quân Tưởng rút về nước từ tháng 3/1946, Việt Nam phải đối mặt một đội quân đế quốc thiện chiến có “bề dày” mấy trăm năm xâm chiếm thuộc địa và quyền lợi kinh tế của nhiều tầng lớp, nhiều người trong giới tinh hoa Pháp gắn chặt với việc kiểm soát Việt Nam nói riêng, Đông Dương nói chung – với tư cách là một thuộc địa.
Một bên chủ yếu là súng trường, giáo mác, đối đầu với một bên là tàu chiến, xe tăng, máy bay… Theo logic, chân lý, thắng lợi tất về kẻ mạnh. Nhưng trong lời hịch lịch sử kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến”, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước… Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!”.
Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến được Bác Hồ viết trung tuần tháng 12/1946 và trước khi hoàn chỉnh, đã được Thường vụ Trung ương Đảng họp, chỉnh sửa và thông qua tại làng Vạn Phúc (nay thuộc quận Hà Đông, Hà Nội). Cũng chính tại căn nhà nơi Bác viết lời hịch lịch sử này, tối 19/12/1946, Người đã từ biệt gia đình cụ Nguyễn Văn Dương và cảm ơn gia đình đã giúp đỡ Chính phủ trong những ngày nước sôi lửa bỏng… Khi cụ Dương hỏi Người về khả năng giành thắng lợi trong cuộc chiến không cân sức với quân Pháp, Hồ Chủ tịch khẳng định: “Nhất định là đánh được, còn lâu hay chóng là do ta. Nếu nhân dân ta ai cũng đồng lòng gắng sức thì dù giặc Pháp có máy bay, đại bác mạnh đến mấy cũng phải thua. Ta nhất định thắng!”.
Sau thắng lợi Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, Hiệp định Genève được ký kết; đa phần cán bộ và nhân dân đều tin tưởng chỉ 2 năm sau sẽ diễn ra hiệp thương tổng tuyển cử, thống nhất đất nước. Tuy nhiên, với trí tuệ mẫn tiệp và tầm nhìn thời đại, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lường trước những khó khăn, thử thách lớn lao hơn đang chờ đợi dân tộc Việt Nam. Và thực tế chúng ta lại phải trải qua một cuộc chiến 21 năm, có lẽ là một trong những cuộc chiến tàn khốc nhất sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, để non sông thu về một mối.
Sau cuộc đại chiến thế giới thứ 2, Mỹ đã củng cố vững chắc vị thế siêu cường số 1 thế giới và luôn sẵn sàng thể hiện vai trò “sen đầm quốc tế”. Vì những khúc quanh thời cuộc và bối cảnh thế giới, Việt Nam và Mỹ bước vào cuộc đối đầu lịch sử mà thời điểm bắt đầu, cả thế giới đều thấy rõ cán cân lực lượng nghiêng hẳn về kẻ mạnh một cách tuyệt đối. Sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ, chiến cuộc lan rộng ra miền Bắc. Với ưu thế tuyệt đối về quân sự, Mỹ từng bước leo thang chiến tranh, đánh phá, hủy diệt cơ sở hạ tầng, kinh tế, quân sự… của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Trong bối cảnh đó, đã có lúc cả thế giới phải nín thở trước lời đe dọa của phái diều hâu trong chính quyền Mỹ: “Đưa miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá”. Thế nhưng, chiến dịch Linebacker II mùa Giáng sinh năm 1972 nhằm thực hiện mục tiêu đó đã biến thành một “Điện Biên Phủ trên không” và Mỹ buộc phải tuyên bố chấm dứt ném bom miền Bắc, trở lại bàn đàm phán và ký kết Hiệp định Paris tháng 1/1973. Từ đà thắng lợi đó, mùa xuân năm 1975, đất nước ta đã hoàn toàn thống nhất, mở ra trang sử mới của dân tộc Việt Nam.
Tròn 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cũng là thời điểm Việt Nam nỗ lực thực hiện khát vọng thịnh vượng và hùng cường. Dù còn rất nhiều thách thức, song suy xét kĩ lưỡng, chúng ta có thể nhận định hiện nay có rất nhiều thuận lợi để đẩy mạnh đổi mới, phát triển đất nước. Tâm -Thế -Tầm của dân tộc – đất nước Việt Nam đã được củng cố, nâng cao hơn trước. Nước Việt Nam thống nhất, hòa bình và có quan hệ ngoại giao với hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, đặc biệt là mối quan hệ tốt đẹp, thân thiện với các nước lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nga, Anh, Pháp, Đức, Hàn Quốc, Australia…, trong đó có nhiều nước là “Đối tác chiến lược toàn diện”. Dân trí, dân khí, dân sinh cũng được nâng cao, hòa nhịp cùng với sự phát triển của thời đại toàn cầu hóa.
Trong bối cảnh ấy, vững niềm tin, giữ đoàn kết, nuôi dưỡng khát vọng toàn dân và của mỗi người Việt Nam… sẽ là những điều kiện tiên quyết để xây dựng đất nước phát triển ổn định, phồn thịnh và hùng cường.