Khánh Hòa - Tầm nhìn chiến lược mở cơ hội mới
Khánh Hòa chính thức công bố quy hoạch thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Đây được xem là bước ngoặt quan trọng, thể hiện tầm nhìn chiến lược, mở ra giai đoạn mới cho sự phát triển của địa phương cũng như mang lại nhiều cơ hội đầu tư cho cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Quan điểm phát triển
Khánh Hòa được biết đến là một trong những địa phương có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia biển đảo, là trung tâm kết nối vùng, cửa ngõ chính ra biển Đông của vùng Tây Nguyên và khu vực duyên hải Nam Trung Bộ. Tầm quan trọng này đã được thể hiện trong nội dung chính Quy hoạch tổng thể tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, chính thức được công bố vào ngày 2/4/2023.
Mục tiêu tổng quan của quy hoạch tỉnh Khánh Hòa gồm: đến năm 2030, Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao.
Tỉnh Khánh Hòa cũng đặt mục tiêu đứng trong nhóm 15 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước về Chỉ số tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người. Đưa Khu kinh tế Vân Phong và đô thị Cam Lâm trở thành địa bàn động lực của địa phương và khu vực Nam Trung Bộ.
Khánh Hòa cũng hướng đến đầu tư, xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại; hệ thống đô thị phát triển theo hướng thông minh, bền vững, giàu bản sắc với một số khu đô thị đẳng cấp quốc tế…
Quan điểm phát triển tỉnh Khánh Hòa được thể hiện rõ trong quy hoạch, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và bền vững, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng…
Theo quy hoạch, Khánh Hòa lựa chọn định hướng phát triển nhanh và bền vững, nâng cao khả năng cạnh tranh. Lấy kinh tế biển làm nền tảng; công nghiệp chế biển, chế tạo công nghệ cao, dịch vụ logistics, công nghiệp năng lượng, kinh tế số là đột phá; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Hướng đi này vừa gắn liền với tiềm năng và lợi thế hiện có của địa phương, vừa đảm bảo định hướng phát triển bền vững cho tỉnh trong tương lai.
Quy hoạch cũng xác định cụ thể những vùng trọng điểm để địa phương tập trung nguồn lực, tạo bước phát triển đột phá gồm khu vực Khu kinh tế Vân Phong, TP. Nha Trang, khu vực Cam Ranh và đô thị Cam Lâm.
Tầm nhìn đến năm 2050, Khánh Hòa hướng đến trở thành một trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước; là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc, ngang tầm khu vực châu Á; một trong những đô thị ven biển thu hút khách du lịch và có môi trường đáng sống hàng đầu châu lục. Hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Các hoạt động kinh tế - xã hội và quản trị chính quyền vận hành chủ yếu theo phương thức của nền kinh tế số, xã hội số. Các ngành sản xuất, dịch vụ phát triển theo phương thức thông minh và các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Khái quát những điểm nhấn nổi bật, những mục tiêu lớn Khánh Hòa đặt ra trong nội dung quy hoạch tỉnh thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn 2050, có thể khẳng định, Khánh Hòa đã có bước chuẩn bị rất tốt, nghiên cứu sâu về điều kiện phát triển của địa phương cũng như vị thế chiến lược của tỉnh trong chuỗi liên kết phát triển từ nội lực đến ngoại lực.
Đặc biệt, Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được xây dựng dựa trên những cơ sở lý luận chặt chẽ, gắn liền với các nghị định, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về phát triển vùng, lĩnh vực. Chính những yếu tố này đã mang lại cho quy hoạch Khánh Hòa bản sắc riêng, phù hợp với chiến lược phát triển chung của cả nước và khu vực, vừa tận dụng tối đa nguồn lực phát triển của địa phương một cách tốt nhất, biến những tiềm năng thành lợi thế phát triển.
Để có một đồ án quy hoạch có tầm nhìn chiến lược, Khánh Hòa đã lấy ý kiến nhiều chuyên gia, được sự hỗ trợ lớn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngay từ khâu xây dựng đến khâu thẩm định. Cuối năm 2022, thời điểm cuối cùng để lấy ý kiến thẩm định quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch đã chỉ ra nhiều vấn đề để tỉnh làm rõ hơn, cụ thể hơn. Bộ trưởng gợi ý, làm thế nào để nhận diện được thách thức, cơ hội về không gian phát triển, thực hiện mục tiêu, mô hình mới một cách bền vững nhất.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng yêu cầu tỉnh Khánh Hòa đánh giá thực trạng trúng và đúng; phân tích và đưa ra định hướng mới; hình thành kết cấu hạ tầng thích ứng với tình hình mới; giải pháp huy động nguồn lực...
Liên quan đến quy hoạch, ông Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa đã khẳng định tại cuộc họp Hội đồng thẩm định quy hoạch phiên cuối cùng vào tháng 12/2022 rằng, quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 là cơ hội đánh giá tiềm năng, thế mạnh và thách thức của địa phương. Ông Nguyễn Hải Ninh cũng nhấn mạnh rằng, quy hoạch phải có mục tiêu, tầm nhìn tốt, là nền tảng để xây dựng Khánh Hòa phát triển mang tính đột phá và bền vững trong tương lai.
Khai thông điểm nghẽn, dọn đường đón sóng đầu tư
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng từng nhấn mạnh, công tác quy hoạch nói chung và quy hoạch tỉnh Khánh Hòa nói riêng có ý nghĩa quan trọng trong việc hoạch định đường hướng phát triển thời kỳ tới; nhận diện được điểm nghẽn, thách thức, khai thác hết các tiềm năng, lợi thế, giải phóng các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, phát triển bền vững, phù hợp với xu thế mới.
Chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã bao quát về tầm nhìn chiến lược của quy hoạch địa phương, trong đó có quy hoạch tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Điều này được thể hiện rõ từ quan điểm, mục tiêu, đến việc lựa chọn những vấn đề tạo nên đột phá cho tỉnh trong thời gian tới.
Đột phá đầu tiên là tỉnh Khánh Hòa là cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển mạnh các loại thị trường để tăng cường thu hút đầu tư, thu hút mọi nguồn lực trong và ngoài tỉnh cho phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp đến, Khánh Hòa cần phát triển mạnh về nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào các ngành như du lịch, chế tạo, logistics, cảng biển, thủy sản… Đột phá thứ ba là huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội để tạo bước ngoặt trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại…
Tập trung phát triển các khu vực gồm: khu vực vịnh Vân Phong, TP. Nha Trang, khu vực vịnh Cam Ranh và đô thị Cam Lâm để tạo động lực phát triển mới. Phát triển toàn diện Khu kinh tế Vân Phong, tập trung vào du lịch biển chất lượng cao và đô thị du lịch biển cao cấp; cảng biển và dịch vụ cảng biển, logistics, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp năng lượng hiện đại. Phát triển khu vực Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế.
Nhìn nhận về các bước đột phá này, ông Trần Hồng Nam, chủ tịch một tập đoàn đầu tư bất động sản lớn ở miền Trung cho rằng, quy hoạch tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã tháo nút thắt mà nhà đầu tư lâu nay mòn mỏi đợi chờ, đó chính là thông tin quy hoạch rõ ràng, làm cơ sở cho việc ra quyết định của nhà đầu tư.
Ông Nam đánh giá, với quy hoạch này, sau khi công bố sẽ tạo nên làn sóng đầu tư lớn vào tỉnh Khánh Hòa. Quy hoạch không chỉ định hướng cho địa phương về tầm nhìn phát triển, mà còn cung cấp thông tin đa dạng cho các nhà đầu tư. Chính điều này đã tạo nên sự quan tâm đặc biệt của nhà đầu tư về sự kiện công bố quy hoạch tỉnh Khánh Hòa. Con số đại biểu đăng ký tham gia qua việc quét mã QR trực tuyến trên cổng thông tin điện tử tỉnh Khánh Hòa đến thời điểm này đã lên đến cả ngàn khách, cho thấy sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp với sự kiện này rất lớn.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/khanh-hoa---tam-nhin-chien-luoc-mo-co-hoi-moi-d186628.html