Khẳng định quyết tâm Pháp-Đức

Chuyến thăm Đức của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từ ngày 26-28/5 với những kết quả đạt được tạo nên dấu mốc mới, là biểu tượng quan trọng mới trong lịch sử quan hệ giữa hai quốc gia đầu tàu ở châu Âu.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và người đồng cấp Đức Frank-Walter Steinmeier trong cuộc họp báo ở Berlin ngày 26/5. (Nguồn: AFP)

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và người đồng cấp Đức Frank-Walter Steinmeier trong cuộc họp báo ở Berlin ngày 26/5. (Nguồn: AFP)

Đây là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của một Tổng thống Pháp tới Đức kể từ 24 năm qua và là chuyến thăm cấp nhà nước thứ 6 của một Tổng thống Pháp đến nước láng giềng này kể từ nền Cộng hòa V đến nay. Vì thế, sự hiện diện của ông chủ Điện Elysee tại Đức lần này có ý nghĩa biểu tượng quan trọng trong quan hệ Pháp-Đức.

Tìm kiếm đồng thuận

Trong thời gian ba ngày tại một trong những quốc gia chủ chốt ở châu Âu, người đứng đầu Điện Elysee đã có lịch trình hoạt động dày đặc.

Ông Macron hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Frank-Walter Steinmeier, gặp gỡ Thủ tướng Olaf Scholz và tham dự các sự kiện khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa hai bên như Hội đồng An ninh quốc phòng Pháp-Đức, Hội đồng Bộ trưởng Pháp-Đức, Lễ kỷ niệm 75 năm Hiến pháp Đức, thăm Đài tưởng niệm những người Do Thái bị tàn sát tại Berlin… Tổng thống Macron còn có buổi gặp và có phát biểu với giới trẻ tại thành phố Dresden, nơi diễn ra hàng loạt cuộc ném bom của Không quân Anh-Mỹ trong Thế chiến II.

Đặc biệt, chuyến thăm của ông Macron diễn ra trong bối cảnh châu Âu và chính Pháp và Đức đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, cả bên trong lẫn bên ngoài. Từ tác động của xung đột Nga-Ukraine, Israel-Hamas đến các vấn đề về an ninh, năng lượng, môi trường... buộc hai bên phải tìm kiếm đồng thuận, thống nhất các biện pháp nhằm khẳng định vai trò của mình trước các thách thức toàn cầu và khu vực.

Gác lại những khác biệt, bất đồng trước đó của lãnh đạo hai nước đối với nhiều vấn đề về quốc phòng, an ninh năng lượng, chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới Đức sau gần một phần tư thế kỷ của một Tổng thống Pháp nhằm tuyên bố mối quan hệ chặt chẽ, gắn kết của hai nước, như ông Macron phát biểu tại họp báo chung sau hội đàm, “được xây dựng trên những ràng buộc lịch sử chung”.

Trước đó vài tháng, dự án tuyến đường sắt đêm nối Paris với Berlin được triển khai sau nhiều năm đình trệ, khẳng định quyết tâm làm sống lại mối quan hệ năng động Pháp-Đức thông qua tăng cường kết nối hạ tầng giao thông, từ đó thúc đẩy giao thương và di chuyển giữa hai nước chung đường biên giới.

Trong chuyến thăm cấp nhà nước mới kết thúc ở Đức, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz cố gắng tái khởi động động lực quan hệ song phương. (Nguồn: Reuters)

Trong chuyến thăm cấp nhà nước mới kết thúc ở Đức, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz cố gắng tái khởi động động lực quan hệ song phương. (Nguồn: Reuters)

Gỡ bỏ khúc mắc

Bên cạnh đó, chuyến thăm cũng là dịp để hai nước tăng cường sự hiểu biết thông qua những trao đổi nhằm giải quyết các vướng mắc trong quan hệ song phương. Các chủ đề về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hợp tác sản xuất xe tăng, máy bay chiến đấu, hay thậm chí việc gửi quân đến Ukraine do Tổng thống Macron đề xuất được hai bên trao đổi tại Hội đồng Bộ trưởng Pháp-Đức.

Đáng chú ý là tuyên bố của Tổng thống Macron cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nga bằng tên lửa Pháp cũng được nêu ra tại họp báo chung. Thủ tướng Olaf Scholz thể hiện nhất trí với ông Macron, miễn là Kiev tôn trọng các điều kiện do các quốc gia cung cấp vũ khí đưa ra, bao gồm cả Mỹ và luật pháp quốc tế, thì nước này được phép tự vệ. Mặc dù vậy, ông Olaf Scholz vẫn một lần nữa từ chối cung cấp các tên lửa hành trình Taurus của nước này cho Kiev trong bối cảnh Mỹ và Anh vừa thông báo sẽ chuyển các loại vũ khí mới nhất cho quốc gia Đông Âu này.

EU cũng là trọng tâm được lãnh đạo hai nước cùng thảo luận, nhất là trước thềm bầu cử Nghị viện châu Âu vào đầu tháng 6 tới, đặc biệt các vấn đề mà EU đang phải đối diện như nhập cư, an ninh, kinh tế... Trong phát biểu, Tổng thống Macron kêu gọi bỏ phiếu cho lực lượng thân EU (đảng Nhân dân châu Âu EPP, Liên minh Chủ nghĩa xã hội và dân chủ S&D, đảng Đổi mới châu Âu), đồng thời kêu gọi chống lại sự đi lên của các đảng cực hữu nhằm bảo vệ các giá trị dân chủ của châu Âu.

Có thể thấy, kể từ sau khi Hiệp ước Elysee năm 1963 được ký kết nhằm khép lại những mâu thuẫn Pháp-Đức sau Thế chiến II, quan hệ hai nước đã có những chuyển biến tích cực và hiện đã trở thành trụ cột không thể thiếu cho EU. Mối quan hệ Pháp-Đức dưới thời Tổng thống Macron càng được tăng cường hơn với việc ký mới Hiệp định trên vào năm 2019 tại Đức, trong đó đáng chú ý có điều khoản về phòng thủ tương hỗ, khẳng định mối quan hệ tin cậy, chặt chẽ giữa hai bên.

Tuy nhiên, trong những năm vừa qua, đặc biệt dưới thời Thủ tướng Olaf Scholz, quan hệ Pháp-Đức dường như đang có chiều hướng đi xuống và bị đánh giá là trầm lắng. Trong bối cảnh Pháp cần một đồng minh tin cậy, có vị thế và ảnh hưởng lớn trong châu Âu nhằm ủng hộ các sáng kiến của Paris đối với các vấn đề quốc tế và khu vực, chuyến thăm cấp nhà nước tới Đức của Tổng thống Macron được coi là tín hiệu mạnh mẽ nhằm khẳng định sự quyết tâm và thống nhất của cặp bài trùng Pháp-Đức trong công cuộc xây dựng và đổi mới EU.

Minh Hoàng

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khang-dinh-quyet-tam-phap-duc-273150.html