Khẳng định giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Hát nhà trò Văn Trinh
Từ khi ra đời cho đến nay, Hát nhà trò Văn Trinh có sức sống mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư, thể hiện được bản sắc văn hóa, tinh thần của người dân Văn Trinh xưa và người dân xã Quảng Hợp (Quảng Xương) ngày nay, khẳng định giá trị của Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Hát nhà trò Văn Trinh là một dạng hát thờ, hát thiêng trong lễ hội truyền thống, gắn với không gian thiêng là đền thờ Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật. Đây là một loại hình nghệ thuật dân gian kết hợp giữa âm nhạc và múa, được diễn xướng trong dịp lễ hội đền Văn Trinh - nơi thờ danh nhân Trần Nhật Duật, thuộc xã Quảng Hợp (Quảng Xương). Hàng năm, vào dịp lễ hội Kỳ phúc mùng 3 tháng Ba (âm lịch), đền thờ khói hương nghi ngút, giữa âm thanh nhạc trống, nhạc chiêng và giữa muôn vàn tấm lòng thành kính tưởng nhớ về người anh hùng văn võ toàn tài, hai lần lập công đầu đánh giặc ngoại xâm Mông Cổ...
Nghi thức Hát nhà trò Văn Trinh được thực hiện bởi một quy trình “trước chúc thánh, sau mừng làng” hay nói cách khác “trời vừa ý thánh, dưới đẹp lòng dân” và sau là dân làng vui chung tất cả. Nội dung Hát nhà trò Văn Trinh gồm phần chúc thánh mừng dân, con người có đức, phong cảnh quê hương có khoảng 10 bài, còn lại hơn 100 bài (theo văn bài cổ) tuy vẫn mang danh nghĩa thờ thánh, thực chất không ngoài mục đích phục vụ Nhân dân trong xã. Chính ở đây con người mới thể hiện đúng vị trí là trung tâm lễ hội, là đối tượng chủ yếu của cuộc hát.
Hát nhà trò Văn Trinh là loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian vẫn lưu giữ được những giá trị lịch sử, văn hóa phi vật thể quý giá. Trải qua thời gian hơn 700 năm ra đời, tồn tại lối hát truyền thống Văn Trinh (Hát nhà trò Văn Trinh) vẫn còn được bảo tồn cho đến ngày nay.
Từ năm 2011 đến nay, UBND xã Quảng Hợp đã phối hợp đưa Hát nhà trò Văn Trinh trở lại với cuộc sống của người dân, với mục đích khôi phục những nét văn hóa truyền thống xưa với vùng đất Văn Trinh, hun đúc thêm tình cảm của người dân với danh tướng thời Trần, vị Đức Thánh của vùng đất Văn Trinh, tạo nên sức mạnh cộng đồng, ý chí và lòng quả cảm của người dân trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước.
Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương Nguyễn Huy Nam cho biết: Trong nhiều năm qua, cùng với nguyện vọng của Nhân dân vùng đất Văn Trinh đưa Hát nhà trò Văn Trinh trở lại với cuộc sống, các cấp, ngành, địa phương đã quan tâm đầu tư, thực hiện các chương trình nghiên cứu, bảo tồn, công tác quảng bá hát nhà trò cũng được thực hiện thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng. Được sự đồng ý của huyện Quảng Xương, các xã Quảng Hợp, Quảng Hòa phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin xây dựng kế hoạch và chương trình tổ chức Hát nhà trò Văn Trinh. Đồng thời, lựa chọn những người có kinh nghiệm, hiểu biết, tâm huyết với lễ hội tổ chức luyện tập, truyền dạy các nghi thức, nghi lễ đảm bảo đúng yếu tố truyền thống.
Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao hơn nữa nhận thức của Nhân dân địa phương về giá trị đặc biệt của Hát nhà trò Văn Trinh, nhất là đối với thế hệ trẻ, tạo nhiều cơ hội để thế hệ trẻ có thể tiếp cận được với trò diễn, từ đó có nhận thức đúng đắn về giá trị văn hóa truyền thống của quê hương, chung tay kế thừa và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa mà cha ông đã dày công vun đắp. Ngoài ra, công tác quảng bá về Hát nhà trò Văn Trinh và lễ hội đền thờ Nhật Nhật Duật trên các phương tiện thông tin đại chúng, xuất bản những ấn phẩm và tài liệu về nghệ thuật Hát nhà trò Văn Trinh đã và đang được tích cực triển khai; phối hợp với các trường học trên địa bàn để đưa Hát nhà trò Văn Trinh vào dạy cho học sinh; quan tâm công tác tu bổ, tôn tạo cảnh quan di tích đền thờ Trần Nhật Duật để đảm bảo không gian thiêng, thoáng đãng, thuận tiện cho việc thực hành, truyền dạy Hát nhà trò Văn Trinh...
Ngày 26/4/2024 Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định công nhận nghệ thuật trình diễn dân gian Hát nhà trò Văn Trinh chính thức trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm vui, tự hào của người dân xã Quảng Hợp và các xã lân cận nói riêng và của huyện Quảng Xương nói chung, qua đó tiếp tục bảo tồn, phát huy, góp phần vào việc giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa đối với các thế hệ tiếp nối.