Khẳng định bản lĩnh, trí tuệ trên bầu trời Tổ quốc

Sau khi vượt cả nghìn cây số từ TP Phan Rang-Tháp Chàm (Ninh Thuận) ra Thủ đô Hà Nội để nhận danh hiệu 'Gương mặt trẻ triển vọng Việt Nam' năm 2023, 'Gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân' năm 2023 và được thăng quân hàm từ Đại úy lên Thiếu tá trước niên hạn, Thiếu tá Lê Văn Tùng, Phó phi đội trưởng Phi đội 2, Trung đoàn 937, Sư đoàn 370, Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) lại trở về với sân bay thân thuộc. Từ nơi ấy, anh được bay lên khẳng định bản lĩnh, trí tuệ của Bộ đội Cụ Hồ trên bầu trời.

Rèn bản lĩnh, nâng cao trình độ

Nhắc tới Phan Rang, thứ người ta nhớ nhất là nắng và gió. Bước ra sân bay mùa này, mắt sẽ ngập màu nắng và dần nhòe đi bởi gió táp ràn rạt. Giữa những dải đường băng dài tít tắp, nắng làm mắt người hoa lên, nhìn phía xa loang loáng bởi ảo ảnh. Hình thái thời tiết khắc nghiệt ấy như muốn vắt kiệt sức người. Ấy thế nhưng với người phi công, nắng gió phi trường không có gì là lạ. Họ làm bạn với nắng, gió, mây, trời, trong mọi điều kiện thời tiết, bất kể ngày đêm.

Tôi trò chuyện với Thiếu tá Lê Văn Tùng khi anh vừa trở về sau ban bay huấn luyện. Anh sải những bước dài trên mặt đường băng bỏng rát, gương mặt sạm đen, mồ hôi lăn dài, mái tóc bết lại. Với phi công quân sự, mỗi chuyến bay là một thử thách đầy gian nan. Khi đó, họ phải huy động tất cả mọi giác quan, dồn hết sức lực và trí lực. Cứ nhìn bộ quần áo kháng áp bó lấy cơ thể vạm vỡ, chắc nịch ướt đẫm là đủ hiểu sự vất vả, nhọc nhằn đến thế nào. “Để bước lên máy bay tự tin cầm lái là một chặng đường vô cùng gian nan và khắc nghiệt. Nếu không có đam mê và khát vọng thì sẽ không có động lực để dấn thân trên hành trình trở thành phi công quân sự”, Tùng đã chia sẻ như vậy.

Nói về đam mê, từ ngày học phổ thông, Lê Văn Tùng đã thần tượng hình mẫu phi công đẹp đẽ, phóng khoáng, can trường. Chẳng thế mà năm 2010, Tùng đọc được thông báo khám tuyển phi công quân sự thì liền đến Ban CHQS huyện Nam Trực (Bộ CHQS tỉnh Nam Định) để khám sức khỏe. Qua sơ tuyển, anh lên Viện Y học PK-KQ tiếp tục kiểm tra sức khỏe. Những thử thách bắt đầu khi anh trải qua nhiều bài kiểm tra chưa từng thấy, trong đó, khó khăn nhất là kiểm tra tiền đình. Anh ngồi trên ghế quay 90 vòng. Khi xuống đất, đầu óc quay cuồng, nghiêng ngả, nhưng anh vẫn cố gắng giữ thăng bằng rồi thực hiện nhắm mắt đi thẳng 10 bước, lùi lại 10 bước. Đến khám tuyển vòng 2, bác sĩ chuyên khoa khám rất kỹ. Anh không thể nào quên bài kiểm tra trong buồng khí áp. Tại đây, anh được đưa vào một buồng kín, bác sĩ sẽ rút dần không khí ra để mô phỏng môi trường không khí ở độ cao 5.000m và phải thực hiện các phép tính toán học. Bài kiểm tra này nhằm kiểm tra sức chịu đựng của phi công trong môi trường không khí loãng, thiếu oxy, khả năng tập trung, tư duy trong điều kiện làm việc khắc nghiệt. Những ai không chịu đựng được có thể sẽ ngất do cơ thể thiếu oxy, bị xuất huyết ở mắt, tai. Dù rất khó thở và luôn bị ù, đau nhức tai nhưng anh quyết không bỏ cuộc, cố gắng vượt qua và tập trung cao độ để làm các bài tập.

Thiếu tá Lê Văn Tùng (bên phải) trao đổi kinh nghiệm với đồng đội sau ban bay huấn luyện.

Mùa hè năm 2011, Lê Văn Tùng thi đỗ văn hóa và vào thành phố biển Nha Trang (Khánh Hòa) học tập tại Trường Sĩ quan Không quân.

- Vậy là ước mơ trở thành phi công của Tùng đã thành hiện thực? - Tôi hỏi.

- Đâu có dễ dàng như vậy anh, quá trình đào tạo phi công quân sự là quá trình chọn lọc đầy khắc nghiệt, không phải cứ vào học là bay được - Tùng cho biết.

Trong hai năm đầu, nội dung khó và ấn tượng nhất với Tùng là nhảy dù huấn luyện. Đứng trước cửa máy bay nhìn ra là khoảng trời mênh mông, cảm giác chếnh choáng, rợn ngợp giữa không gian bao la dâng lên. Người học viên trẻ đã đấu tranh tư tưởng và thật sự bản lĩnh để rời cửa máy bay. Khi nhảy, cơ thể chịu áp lực rất lớn từ dòng khí và bị xoay, lộn rất nhiều vòng, anh thao tác thật nhanh để dù bung ra và điều khiển tiếp đất. Bước vào giai đoạn thực hành, học viên Lê Văn Tùng bay máy bay Iak-52, sau đó bay chuyển loại máy bay L-39. Chuyến bay đơn đầu tiên trên máy bay L-39 là dấu ấn quan trọng trong hành trình chinh phục loại máy bay mới của anh.

Bay lên làm chủ bầu trời

Để cất cánh bay, phi công phải trải qua quá trình khổ luyện bền bỉ và vô cùng gian nan, chỉ cần đơn giản trong suy nghĩ là có thể phải trả giá bằng cả tính mạng. Chính vì thế, mỗi lần thực hiện nhiệm vụ, phi công Lê Văn Tùng luôn ý thức phía trước là bầu trời, còn dưới mặt đất là Tổ quốc, đồng đội và người thân đang dõi theo, không cho phép mình bất cẩn một giây phút nào. Đơn vị nơi anh công tác được trang bị máy bay Su-22M4 là máy bay phản lực siêu âm nên đòi hỏi rất cao về sức khỏe, kỹ thuật lái dẫn đường. Sau một thời gian dài học tập và bay chuyển loại, phi công Lê Văn Tùng tốt nghiệp đề cương chuyển loại máy bay Su-22M4. Năm 2020, anh tham gia bay các khoa mục ứng dụng chiến đấu và được phê chuẩn nhiệm vụ trực ban sẵn sàng chiến đấu, khẳng định những trưởng thành vượt bậc trong sự nghiệp chinh phục bầu trời.

Mỗi lần cất cánh, phi công như bước vào trận chiến đấu thực sự. Tháng 7-2023, Quân chủng PK-KQ tổ chức Hội thao dẫn đường cho lực lượng không quân toàn quân và diễn tập bắn, ném bom đạn thật cho lực lượng không quân. Phi công Lê Văn Tùng mang số hiệu 437 được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ tham gia bắn, ném bom đạn thật. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, hoàn thành được sẽ khẳng định bản lĩnh, trình độ của phi công.

Thiếu tá Lê Văn Tùng cùng bố mẹ đón nhận niềm vui sau khi nhận danh hiệu “Gương mặt trẻ triển vọng Việt Nam” năm 2023.

Ngày triển khai bay, khí tượng đúng như dự báo không thuận lợi, trời nhiều mây, tầm nhìn hạn chế. Trên gương mặt người phi công trẻ thoáng hiện những suy tư vì chưa có nhiều kinh nghiệm bay bắn, ném, nhất là bay tại trường bia lạ, chưa quen địa hình, địa tiêu liên quan. Là phi công buồng sau cùng chuyến bay, Đại úy Trần Văn Bách mang số hiệu 415 đứng cạnh nói dứt khoát: “Đồng chí giữ đúng số liệu và yếu lĩnh động tác thì kết quả sẽ tốt”. Lời động viên của đồng đội như tiếp thêm động lực để Tùng tự tin bước lên buồng lái.

Được lệnh cất cánh, máy bay vút lên lấy hướng bay vào trường bia. Khi đó, lượng mây tương đối dày và tầm nhìn hạn chế, ảnh hưởng rất nhiều đến việc quan sát mục tiêu. Nhớ lời đồng đội, anh trung thành giữ tốt số liệu và tăng cường quan sát địa tiêu thẳng đứng để xác định vị trí. Sau khi cải vòng 3 đến vòng 4, tiếng phi công số hiệu 415 vang lên:

- 437 đã quan sát được mục tiêu chưa?

- 437 chưa quan sát được - Lê Văn Tùng trả lời.

- Chú ý thời gian và thời cơ bổ nhào.

- 437 nghe tốt!

Phi công Lê Văn Tùng quan sát thời gian và tiến hành bổ nhào từ độ cao 2.500m. Bổ nhào ném bom trong điều kiện máy bay lao xuống với góc xuống lớn, tốc độ tăng nhanh và độ cao mất nhanh, thời gian ngắm bắn chỉ từ 10 đến 15 giây. Chỉ một sai sót nhỏ là có thể mất an toàn, vì sau khi ném bom, nếu không thoát ly kịp thì sẽ bị sát thương bởi chính mảnh văng của quả bom. Bởi thế, trong quá trình bổ nhào ném bom, phi công phải sửa sai lệch nhanh chóng, động tác dứt khoát, chuẩn xác. Hạ thấp độ cao 1.500m (ở độ cao này, thời gian ngắm bắn còn từ 7 đến 8 giây), phi công Lê Văn Tùng điều chỉnh máy ngắm vào mục tiêu, cắt bom rồi thoát ly về hạ cánh an toàn.

Sau những ban bay sôi động “đấu trí” trên tầng không, Lê Văn Tùng trở về với nhiệm vụ chuyên môn dưới mặt đất. Đêm xuống, căn phòng nhỏ vẫn sáng đèn. Gấp lại cuốn sổ nhật ký, sơ đồ bài bay, Tùng trăn trở với sáng kiến “Thiết kế và chế tạo mô hình hệ thống dẫn đường quán tính không giá” tham gia cùng nhóm thực hiện công tác tại Khoa Kỹ thuật cơ sở, Trường Sĩ quan Không quân. Từ kinh nghiệm học tập, huấn luyện bằng máy bay Su-22M4, anh đề xuất với nhóm thực hiện sáng kiến nhằm giúp giảng viên có thêm công cụ hiện đại để minh họa và thuyết trình, làm rõ nội dung bài giảng. Đặc biệt, mô hình và màn hình hiển thị kết nối không dây rất phù hợp trong giảng dạy trực quan và dễ tiếp cận với học viên. Năm 2022, Hội đồng khoa học Trường Sĩ quan Không quân nghiệm thu sáng kiến và đánh giá cao bởi tính hiệu quả, sáng tạo, tính mới trong thiết kế mô hình. Sáng kiến được trao giải ba Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội lần thứ 23, sau đó được ứng dụng vào phục vụ giảng dạy cho đối tượng học viên phi công quân sự, học viên cao đẳng kỹ thuật hàng không và các thành phần kỹ thuật khác.

Đã có người ví von nhịp sống của người lính bay: "Sáng đi bay, chiều giảng bình/ Tuổi trẻ như ánh bình minh/ 30 tuổi chưa biết ái tình là chi". Nhịp điệu đó cứ tuần hoàn nối tiếp, cuốn theo những trăn trở, nghĩ suy. Đằng sau những ý nghĩ lãng mạn về phi công quân sự là bao vất vả, nhọc nhằn và cả sự hy sinh thầm lặng. Tuổi thanh xuân của Lê Văn Tùng và đồng đội gắn bó với nắng, gió, mây, trời. Mỗi lần cất cánh bay lên là để khẳng định chủ quyền vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc. Thượng tá Lê Hồng Long, Chính ủy Trung đoàn 937 khẳng định: “Lãnh đạo, chỉ huy Trung đoàn rất tin tưởng khi giao nhiệm vụ đối với phi công Lê Văn Tùng. Đồng chí là đại diện cho thế hệ phi công trẻ có trách nhiệm, tinh thần cống hiến, trình độ vững vàng, sẵn sàng bay lên làm chủ bầu trời”.

Chiều sân bay vẫn chang chang nắng và ràn rạt gió nóng. Từng dải cát lóng lánh như những đốm sáng thủy tinh. Giờ nghỉ, tôi thấy Thiếu tá Lê Văn Tùng đang chăm chút cho nhánh xương rồng nở hoa bé xíu. Loài cây ấy mạnh mẽ vươn lên giữa miền cát trắng. Cũng giống như anh-cánh chim bằng khát khao bay giữa trời lộng gió.

Bài và ảnh: VŨ DUY - THANH GIÁP

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-15/khang-dinh-ban-linh-tri-tue-tren-bau-troi-to-quoc-776546