Nhiều công ty Trung Quốc đầu tư vào lĩnh vực điện tử tại Việt Nam
Khi thương mại Việt Nam-Trung Quốc tiếp tục phát triển, thị trường tiêu dùng khổng lồ của Việt Nam thu hút ngày càng nhiều công ty Trung Quốc chú ý đầu tư.
Ngày 23-5, tại Trung tâm Triển lãm và Hội chợ quốc tế Sài Gòn (SECC), VINEXAD- Bộ Công Thương, Công ty Chaoyu Expo tổ chức lễ khai mạc triển lãm quốc tế Điện tử và Thiết bị thông minh Việt Nam năm 2024.
Triển lãm với hơn 800 gian hàng trưng bày hàng chục ngàn sản phẩm điện- điện tử tiêu dùng, thiết bị gia dụng, linh kiện điện tử…
Trong ba mùa triển lãm tổ chức tại TP.HCM, qua mỗi kỳ tổ chức lượng doanh nghiệp (DN) tăng khoảng 45%, đồng thời DN có thương hiệu đã được công nhận trong chuỗi cung ứng toàn cầu tham gia ngày càng tăng.
Là đơn vị chuyên thiết kế sản xuất dây chuyền tự động, sản xuất robot tự động cho các nhà máy sản xuất linh kiện điện tử, các nhà máy lắp màn hình camera cho điện thoại thông minh trên toàn cầu, bà Wendy Trang, Giám đốc ITO Group Việt Nam cho biết: trong hai năm trở lại đây các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các công ty Trung Quốc chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam rất nhiều.
"Chẳng hạn từ đầu năm đến nay đơn vị cung cấp hơn 600 máy móc thiết bị dây chuyền sản xuất tự động cho các công ty đầu tư nước ngoài trong đó có công ty Trung Quốc thành lập nhà máy mới hoặc nâng cấp các nhà máy sẵn có".
Theo bà Trang, với nhà máy ITO tại TP.HCM, các kỹ sư người Việt tự thiết kế phần mềm, tự tổ chức sản xuất CNC- cơ khí chính xác. Ví dụ một cái máy có 500 linh kiện, công ty tự sản xuất linh kiện cơ khí chính xác, chủ động quản lý chất lượng và thời gian giao hàng. Sản phẩm xuất khẩu cũng như cung cấp tại thị trường nội địa đều là “Made in Viet Nam”.
“Người tiêu dùng Việt Nam đang sử dụng một chiếc điện thoại thông minh sẽ tự hào khi máy để lắp thành điện thoại hoàn chỉnh, máy để lắp camera, máy sản xuất linh kiện của điện thoại được làm bởi bàn tay người Việt”- bà Trang nói.
Ông Lê Quang Khải, Giám đốc điều hành camera NetCAM cho biết, nhu cầu sử dụng camera để đảm bảo an ninh an toàn của gia đình, doanh nghiệp ngày càng tăng. Chúng tôi với thế mạnh về camera IP wifi có ứng dụng AI. Mỗi tháng thị trường Việt Nam tiêu thụ khoảng vài chục ngàn camera.
Theo ông Khải, hiện nay các công ty Trung Quốc, đối tác của công ty muốn tiếp cận để mở rộng nhà phân phối ngành hàng như điện tử tiêu dùng, smarthome tại Việt Nam. Bên cạnh đó, dù chi phí sản xuất tại Việt Nam đang cao hơn 10% so với đặt gia công tại các công ty Trung Quốc nhưng về lâu dài chúng tôi muốn kiểm soát được chất lượng tốt hơn nên đầu tư thêm nhà máy tại Việt Nam.
Đối với một chiếc camera có khoảng 20 linh kiện, riêng trên bo mạch có thêm nhiều linh kiện khác. Tùy loại camera, hiện nay Việt Nam đang sản xuất 10 linh kiện.
TÚ UYÊN