Khẩn trương tổ chức lại mô hình, bộ máy Cục Đăng kiểm Việt Nam
Thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm Việt Nam đang khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sắp xếp lại mô hình tổ chức bộ máy Cục và hệ thống đơn vị đăng kiểm trên toàn quốc.
Tách bạch bộ máy quản lý và khối hoạt động dịch vụ
Nhằm giải quyết những bất cập, hạn chế hiện nay và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về đăng kiểm, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam nghiên cứu, đề xuất tổ chức lại mô hình bộ máy kiểm định các lĩnh vực từ đường thủy, hàng hải, đường sắt... theo hướng Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ làm công tác quản lý nhà nước, tách bạch chức năng quản lý và hoạt động dịch vụ kiểm định.
Về mô hình bộ máy hiện nay, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết hiện cơ cấu tổ chức của Cục gồm 13 tổ chức tham mưu, giúp việc Cục trưởng và 37 đơn vị trực thuộc. Cơ chế quản lý tài chính của Cục đang áp dụng theo mô hình Công ty TNHH Một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, trong đó các đơn vị trực thuộc hạch toán phụ thuộc cơ quan Cục.
Với cơ chế trên, một số phòng tham mưu, giúp việc Cục trưởng vừa thực hiện công tác quản lý nhà nước, đồng thời thực hiện dịch vụ kiểm định phương tiện. Trong khi đó, các đơn vị trực thuộc (chi cục, trung tâm đăng kiểm) cũng thực hiện hoạt động kiểm định phương tiện GTVT và công trình biển. Mọi hoạt động, nhân sự, tài chính của các đơn vị trực thuộc đều phụ thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, ông Đào Ngọc Xuất - Trưởng phòng Tổ chức - Cán bộ (Cục Đăng kiểm Việt Nam) cho biết, tới đây cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ được sắp xếp lại theo hướng Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ làm công tác quản lý nhà nước về đăng kiểm.
"Dự kiến sau khi sắp xếp lại, Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ thực hiện chức năng quản lý nhà nước, với số lượng nhân sự khoảng 120 người theo chỉ tiêu biên chế Bộ Nội vụ giao và hưởng lương từ ngân sách. Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ làm công tác quản lý nhà nước về đăng kiểm và không làm công tác kiểm định như hiện nay.
Theo đó, hệ thống các đơn vị bên dưới được sắp xếp, tổ chức lại thành 7 trung tâm đăng kiểm để thực hiện dịch vụ đăng kiểm phương tiện giao thông đường bộ đang lưu hành, xe sản xuất mới, phương tiện thủy, tàu biển đường sắt và công trình biển. Các đơn vị này vẫn thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam song Cục chỉ bổ nhiệm lãnh đạo đơn vị, còn các đơn vị hoàn toàn tự chủ, độc lập về tổ chức, tài chính, con người.
Bên cạnh đó, theo chỉ đạo của Bộ GTVT, Cục cũng đang nghiên cứu để đề xuất tổ chức lại mô hình hoạt động, quản lý đối với hệ thống trung tâm đăng kiểm, đơn vị đăng kiểm phương tiện đường bộ, phương tiện thủy thuộc các sở GTVT. Dự kiến trong quý II/2023 sẽ hoàn thành đề án tổng thể để tổ chức triển khai", ông Xuất thông tin.
Cũng theo ông Xuất, việc sắp xếp lại các đơn vị đăng kiểm như trên nhằm tạo sự độc lập về tài sản, con người và sau đó mới có thể tính đến phương án cổ phần hóa các đơn vị làm dịch vụ đăng kiểm.
Liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Cục Đăng kiểm Việt Nam, một trong những hạn chế hiện nay là Cục không có chức năng thanh tra (mà chỉ kiểm tra chuyên ngành) nên chưa phát huy được hiệu quả giám sát, thanh tra trong lĩnh vực đăng kiểm. Do đó, theo đề xuất của Cục Đăng kiểm Việt Nam, dự thảo "Nghị định quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành" đang được Thanh tra Chính phủ lấy ý kiến, Cục Đăng kiểm Việt Nam được giao chức năng thanh tra chuyên ngành.
Theo ông Khương Kim Tạo - nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, việc tách bạch chức năng quản lý nhà nước của Cục Đăng kiểm Việt Nam là tốt, giúp thể hiện rõ vai trò quản lý nhà nước và hoạt động dịch vụ đăng kiểm.
"Tách bạch vai trò quản lý và dịch vụ là chủ trương trong quản lý kinh tế nói chung, hoạt động dịch vụ đã được quy định trong Luật Doanh nghiệp và pháp luật liên quan. Tuy nhiên, việc tách bạch cũng chỉ là một phần của giải pháp để tái cấu trúc hệ thống đăng kiểm. Việc quan trọng bây giờ là cần bổ nhiệm lại ngay lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, các trung tâm đăng kiểm để ngăn việc đổ vỡ hệ thống đăng kiểm, cơ cấu lại hệ thống trên nền tảng đã có để đáp ứng nhu cầu đăng kiểm của xã hội", ông Tạo nói.
Liên quan một số giải pháp cụ thể được đề xuất, ông Tạo cho rằng cần nghiên cứu kỹ đề xuất cho phép gara được hoạt động kiểm định. Bởi lẽ, quy định về thành lập trung tâm đăng kiểm hiện nay rất mở, chủ doanh nghiệp gara ô tô hoàn toàn có thể đầu tư, thành lập trung tâm đăng kiểm như các đơn vị đăng kiểm xã hội hóa khác.
"Đăng kiểm viên hiện nay phải qua đào tạo bài bản, trải qua sát hạch mới được thực hiện công việc kiểm định mà còn phát sinh nhiều vấn đề. Bây giờ nếu cho nhân viên sửa chữa xe đồng thời làm công việc kiểm định thì làm sao đáp ứng được về trình độ nghiệp vụ và tách bạch giữa sửa chữa và kiểm định xe", ông Tạo băn khoăn.
Kiểm soát chặt chất lượng đi đôi với "tính đúng, tính đủ" giá đăng kiểm
Theo tìm hiểu của PV Tạp chí GTVT, vài năm gần đây, khá nhiều chủ đầu tư trung tâm đăng kiểm kiến nghị điều chỉnh tăng giá đăng kiểm, bởi giá dịch vụ được áp dụng từ 10 năm nay, trong khi chi phí có nhiều biến động (lương, trượt giá, chi phí đầu tư...). Tuy vậy, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết tạm thời chưa xem xét kiến nghị này bởi lý do không phải do giá thấp mà do trung tâm đăng kiểm ra đời quá nhiều.
"Mức giá dịch vụ đăng kiểm xe cơ giới hiện nay vẫn phù hợp với thực tế hoạt động của các đơn vị đăng kiểm. Tuy nhiên, kể từ khi Luật Quy hoạch năm 2017 được ban hành, việc bỏ quy hoạch dẫn đến các đơn vị đăng kiểm tăng nhanh chóng, trong khi số lượng phương tiện tính trên một địa bàn gia tăng không đáng kể khiến nhiều đơn vị đăng kiểm hoạt động không hiệu quả", đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam lý giải.
Theo chuyên gia giao thông Nguyễn Ân, đăng kiểm là dịch vụ công, được Nhà nước ấn định giá song nên rà soát, xác định lại để góp phần tạo môi trường đầu tư lành mạnh. "Giá đăng kiểm mang lại nguồn thu chính đáng, chủ yếu của trung tâm đăng kiểm, để bảo đảm chi thường xuyên và để khấu hao, thay thế trang thiết bị kiểm định. Khi thu nhập chính đáng của đăng kiểm viên tương xứng với công sức bỏ ra sẽ giúp giảm bớt nhũng nhiễu, "hối lộ vặt" trong hoạt động đăng kiểm", ông Ân nêu quan điểm.
Đồng tình, chuyên gia giao thông Thân Văn Thanh cũng cho rằng, đăng kiểm dù là dịch vụ công nhưng cũng cần "tính đúng, tính đủ" dựa trên chi phí đầu tư, vận hành cung ứng dịch vụ, điều này giúp tránh những hệ lụy, nguy cơ tiêu cực do định giá dịch vụ thấp hơn thực tế trong thời gian dài.
"Cần triển khai đồng bộ các giải pháp mới tạo được sự thay đổi tích cực và ngăn ngừa tiêu cực trong hoạt động kiểm định xe cơ giới. Các giải pháp lâu dài phải bắt đầu từ sửa đổi, hoàn thiện chính sách pháp luật, bên cạnh đó là vai trò, trách nhiệm quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước, trách nhiệm của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ. Chẳng hạn như: Lập lại tiêu chí thành lập trung tâm đăng kiểm theo hướng khoảng cách giữa hai trạm; quy định rõ ràng hơn trách nhiệm của sở GTVT trong quản lý trung tâm đăng kiểm, đặc biệt là chủ trương phân quyền quản lý các trung tâm đăng kiểm về địa phương quản lý; cơ chế xác định giá dịch vụ đăng kiểm... Những giải pháp trên sẽ giúp quản lý chặt chẽ loại hình dịch vụ đặc biệt này", ông Thanh kiến nghị.
Liên quan đến quản lý, tại cuộc họp đầu năm 2023 của Ủy ban ATGT Quốc gia, ông Mai Xuân Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho rằng, việc xử lý nghiêm minh tiêu cực trong công tác đăng kiểm vừa qua đã tạo niềm tin chắc chắn rằng chất lượng đăng kiểm trong thời gian tới sẽ được nâng cao. Tuy vậy, cần gắn vai trò và nâng cao hơn trách nhiệm của các sở GTVT trong công tác quản lý nhà nước đối với các trung tâm đăng kiểm trên địa bàn.