Vào ngày thời tiêt thuận lợi, ngư dân các xã vùng biển huyện Quảng Xương lại bắt đầu dong bè thả từng mẻ lưới quây.
Những người dân ở nơi đây gọi công việc này là “kéo rùng”, một trong những nghề truyền thống của họ. Bè chở lưới chạy ra xa cách bờ khoảng 2 km thì họ bắt đầu thả lưới quây thành vòng cung.
Dây thừng buộc vào hai đầu của tấm lưới, mỗi đầu có 10-12 người, cứ thế kéo lưới về bờ.
Mỗi mẻ kéo có khoảng 20 người, chủ yếu là phụ nữ và người già. Nghề kéo rùng vất vả mà thu nhập không cao nên các lao động trẻ chẳng còn mấy ai mặn mà với nghề này nữa.
Nhiều người bảo nghề này là nghề đi giật lùi, vì để kéo được mẻ lưới vào bờ, người thợ kéo phải buộc một cái đai bằng gỗ vào lưng, một đầu buôc vào dây thừng nối với lưới, cứ vậy họ đi lùi dần kéo lưới vào bờ.
Ông Nguyễn Văn Thành (80 tuổi, xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương) cho biết: “Kéo một mẻ lưới được nhiều hay ít cá còn phụ thuộc vào dòng nước. Nếu ngày nào nước êm thì công việc của họ bớt vất vả, và ngược lại với ngày biển động. Cá tôm thì tùy vào may mắn và sự hào phóng của biển cả”.
Thu lưới lên bè để chuẩn bị cho mẻ rùng tiếp theo, những người ngư dân thay phiên nhau ăn vội bữa cơm trưa.
Hơn 20 con người quần áo cũ sờn. Ai cũng hối hả kéo cho nhanh những mẻ lưới bởi nếu không nắng lên, công việc sẽ vất vả hơn nhiều.
Cá tôm ven bờ ngày càng cạn kiệt. Cách đây 10 năm, mỗi mẻ lưới ngư dân thu cả tạ cá, bán được gần chục triệu đồng. Giờ đây mỗi mẻ nhiều nhất bán được 2 triệu đồng, nên một ngày thuận lợi mỗi thợ được chia 150.000 đến 200.000 đồng.
Cá nhỏ, ruốc, tôm, những loại hải sản ven bờ sau mẻ lưới, được các tiểu thương mua lại và phân loại tại bờ biển luôn để còn tranh thủ chạy bán nhanh cho kịp chợ sớm.
Dù vất vả, những người dân vẫn phải sống dựa vào biển, bởi ngư nghiệp là nghề chính được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác ở chính nơi đây.
Theo Báo Thanh Hóa