Khai thác lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do
Các doanh nghiệp (DN) vừa bước qua giai đoạn khó khăn, thách thức chưa từng có của dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu vẫn được ghi nhận là một trong những điểm sáng của kinh tế tỉnh nhà. Đạt được kết quả tích cực đó có tác động tích cực từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia.
Đồ gỗ là một trong những mặt hàng XK chủ lực của Bình Dương. Trong ảnh: Sản xuất sản phẩm gỗ tại Công ty Rolchdale Spear (TX.Tân Uyên)
Tăng trưởng cao
Năm 2021 là năm khó khăn đối với nền kinh tế nói chung và các DN nói riêng. Tuy nhiên, trong bức tranh đó vẫn có những điểm sáng. Kim ngạch xuất nhập khẩu, đặc biệt là xuất khẩu (XK) tăng trưởng rất mạnh trong tháng 10 và dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong những tháng cuối năm. Đáng chú ý, hàng hóa XK tăng trưởng ghi nhận không chỉ ở các thị trường truyền thống như Trung Quốc, ASEAN, Hoa Kỳ mà cả những thị trường Việt Nam đã ký kết FTA.
Hiện nay, với 15 FTA song phương, nhất là các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực, với việc cắt giảm gần 100% thuế quan hàng hóa trong vòng 7 năm, sẽ mở ra nhiều cơ hội lớn cho cộng đồng DN, nhất là DN nhỏ và vừa. Theo đó, được hưởng lợi nhiều nhất là những ngành hàng XK chủ lực của địa phương vốn trước đây bị duy trì thuế quan cao như gỗ, dệt may, da giày. Đáng chú ý, EVFTA chính thức có hiệu lực cũng giúp các nhà XK gỗ Việt Nam gia tăng thị phần tại các quốc gia thuộc khối châu Âu. Trong lộ trình hướng tới xóa bỏ 99% thuế quan, các DN sẽ có nhiều cơ hội tăng khả năng cạnh tranh về giá của hàng hóa khi nhập khẩu vào thị trường quan trọng này.
Theo bà Hoàng Yến, Giám đốc Công ty Rolchdale Spear (TX.Tân Uyên), với thế mạnh thị trường lâu năm là châu Âu và châu Mỹ, công ty đã chủ động kế hoạch sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, làm chủ công nghệ để chiếm lĩnh thị trường nội địa và gia tăng XK. Với việc tận dụng hiệu quả các FTA, hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty có bước phát triển so với năm 2020, vượt qua những khó khăn của dịch bệnh.
Với các FTA và nhiều thuận lợi khác, ngành dệt may, da giày của Bình Dương nói riêng, cả nước nói chung được kỳ vọng tiếp tục có nhiều đơn hàng lớn, đưa kim ngạch XK tiếp tục đạt tăng trưởng mạnh mẽ trong những tháng cuối năm 2021 và quý 1 năm 2022. Minh chứng cụ thể là trong tháng 10 vừa qua, mặt hàng dệt may có kim ngạch XK ước đạt 152 triệu USD, tăng 241,4% so với tháng trước.
Ông Phan Minh Cử, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty TNHH Long Yi Industrial Việt Nam (KCN Mỹ Phước 2, TX.Bến Cát) cho biết, việc XK mặt hàng giày của công ty đang có nhiều cải thiện sau khi kiểm soát tốt dịch bệnh. Nhiều lô hàng đã XK thành công sang các thị trường lớn trên thế giới như Mỹ, châu Âu. Công ty nỗ lực tận dụng ưu đãi từ các FTA để đẩy mạnh XK, khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Biến tiềm năng thành cơ hội
Đến nay, cơ hội đã được nhận diện và được tận dụng khá hiệu quả song tiềm năng của các FTA vẫn còn rất lớn. Đẩy mạnh năng lực cạnh tranh của DN địa phương vẫn là câu chuyện chờ diễn ra trên thực tế. DN sẽ làm gì để tiếp tục cải thiện vị thế sản phẩm tham gia chuỗi giá trị toàn cầu? Các hướng liên kết phát triển mấu chốt nào để phát triển trong tương lai gần?.
Với mục tiêu là để bảo đảm tỷ lệ nội địa hóa, xuất xứ hàng hóa khi XK vào những nước Việt Nam đã ký FTA có thể hưởng những ưu đãi về thuế quan, Công ty Gre Apha Electronic (KCN VSIP 2A) đang nỗ lực tìm kiếm các nhà cung cấp mao mạch điện tử trong nước. Phía công ty mong muốn làm việc với các đối tác có thể đáp ứng nhu cầu, giúp hạ giá thành sản phẩm, bảo đảm các điều kiện thuế quan. Tuy nhiên, hiện công ty chưa thấy được sự chủ động “chào hàng” từ các DN nội địa.
Ngành thép cũng đang nỗ lực đón đầu cơ hội để cạnh tranh khi vào các thị trường có FTA. Ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty Thép Đại Thiên Lộc, cho biết công ty đã áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng hiện đại, trở thành một trong những DN vừa và nhỏ đầy uy tín, chiếm thị phần XK lớn trong khu vực ASEAN, Nam Mỹ, một số nước Tây Á, châu Phi… Việc ứng dụng công nghệ này đã góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm tôn Đại Thiên Lộc trên thị trường trong nước và quốc tế. Công ty đã nỗ lực cho ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn công nghiệp Nhật Bản (JIS) và tiêu chuẩn ASTM của Hoa Kỳ, nhưng giá cả hoàn toàn cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại trên thị trường. Hiện nay, công ty tiếp tục đầu tư công nghệ theo chuẩn châu Âu để vươn ra thị trường thế giới.
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương: Các FTA sẽ tạo điều kiện thuận lợi, khả năng cạnh tranh để DN tham gia vào quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng mới với các đối tác. DN phải tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao sức cạnh tranh. DN cần xác định được chiến lược mặt hàng XK và chiến lược thị trường, lựa chọn phương thức đổi mới công nghệ sản xuất, công nghệ quản lý phù hợp.