Khai mở '6 cánh cửa lớn' của TP HCM
Việc khơi thông 6 dự án giao thông mang tính liên kết vùng giúp thúc đẩy phát triển nhiều mặt của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như trên cả nước
Từ khi nghe thông tin tuyến cao tốc TP HCM - Mộc Bài chuẩn bị đầu tư xây dựng, không chỉ người dân khu vực cửa ngõ Tây Bắc mà các doanh nghiệp vận tải hàng hóa, du lịch liên tỉnh cũng phấn khởi. Họ vui mừng vì sắp thoát cảnh ùn ứ trên tuyến Quốc lộ 22 - trục chính kết nối TP HCM với cửa khẩu quốc tế Mộc Bài hiện nay.
Thiếu cao tốc, giao thông quá tải
Anh Nguyễn Tuấn Dũng, chủ doanh nghiệp vận tải Tuấn Dũng (quận 12), kể doanh nghiệp mình chuyên vận chuyển hàng nông sản từ Tây Ninh về TP HCM và ngược lại. Một chuyến hàng từ quận 12 đến Tây Ninh bây giờ mất khoảng 3 - 4 giờ vì đoạn Quốc lộ 22 (từ vòng xoay An Sương đến Bệnh viện Xuyên Á) thường xuyên ùn ứ, nhất là vào giờ trưa. "Doanh nghiệp sẵn sàng trả phí để đi cao tốc nhằm giảm chi phí logistics nên rất mong cao tốc TP HCM - Mộc Bài sớm khởi công và đưa vào sử dụng như kế hoạch" - anh Dũng nói.
Theo kế hoạch, dự án đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài dài 50 km, điểm đầu giao với đường Vành đai 3 thuộc huyện Củ Chi, TP HCM và điểm cuối kết nối vào Quốc lộ 22 thuộc huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh. Tổng mức đầu tư khoảng 20.889 tỉ đồng, dự kiến khởi công năm 2024, đưa vào khai thác năm 2027.
Khi hoàn thành, cao tốc TP HCM - Mộc Bài sẽ kết nối vùng Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với hành lang kinh tế Đông - Tây. Đây là tuyến giao thông đường bộ ngắn nhất kết nối TP HCM với Campuchia qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, phục vụ phát triển chuỗi công nghiệp Mộc Bài - TP HCM - cảng Cái Mép - Thị Vải gắn với hành lang kinh tế xuyên Á; tạo điều kiện phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất dọc tuyến.
Sự bức bí về giao thông liên vùng còn xuất hiện tại nhiều cửa ngõ ra vào TP HCM. Ở phía Tây thành phố, tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương dài 40 km với 4 làn xe, đưa vào sử dụng từ năm 2010 với khoảng 52.800 lượt xe đi qua mỗi ngày đã vượt công suất thiết kế, thường xuyên ùn ứ những ngày cao điểm, lễ và Tết. Việc này dẫn đến quá tải cho tuyến Quốc lộ 1, đoạn từ TP HCM đến Long An, Tiền Giang… và không bảo đảm nhu cầu vận chuyển hàng hóa, du lịch, phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực.
Tình hình không khá hơn ở cửa ngõ phía Đông TP khi tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây thường xuyên quá tải nhiều năm nay. Đưa vào vận hành từ năm 2016 với 4 làn xe, lượng xe trên cao tốc này tăng trung bình 10,45%/năm. Hiện nay, đoạn từ nút giao An Phú đến nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (dài gần 21 km) đã mãn tải 4 làn xe, nhu cầu vận tải vượt 25% so với năng lực thông hành của đường… Với quy mô 4 làn xe hiện tại, 21 km cao tốc nói trên không đáp ứng được nhu cầu vận tải, đặc biệt khi sân bay Long Thành giai đoạn 1 vào khai thác.
Phân vai, cấp vốn, đẩy nhanh tiến độ
Trong báo cáo gửi UBND TP HCM về vướng mắc của những dự án trọng điểm mang tính liên kết vùng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM Trần Quang Lâm cho biết đối với dự án cao tốc TP HCM - Mộc Bài hiện nay, TP HCM đang rà soát, giải trình, làm rõ một số ý kiến thẩm định. Từ đó, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.
Tuy nhiên do hướng tuyến đi qua khu đất quốc phòng nên phải điều chỉnh và đang chờ ý kiến của bộ này. Mặt khác, nguồn vốn ngân sách của 2 địa phương chưa thể cân đối bố trí cho dự án, do đó TP HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, trình Thủ tướng chấp thuận hỗ trợ 2.900 tỉ đồng từ nguồn ngân sách trung ương phân bổ cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án.
Tương tự là cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành dài gần 69 km, đi qua 3 địa phương là TP HCM, Bình Phước và Bình Dương. Đây là tuyến huyết mạch, thúc đẩy kinh tế - xã hội liên vùng, đồng thời tạo động lực cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, rút ngắn thời gian đi lại và lộ trình giữa 3 tỉnh, thành.
Theo nghiên cứu tiền khả thi của Bộ GTVT, dự án đề xuất đầu tư theo phương thức PPP với nguồn vốn sơ bộ 24.275 tỉ đồng, trong đó 12.137 tỉ đồng vốn nhà nước, còn lại là vốn BOT, thu phí hoàn vốn trong 32 năm.
Theo lãnh đạo Sở GTVT, nguồn vốn bố trí cho dự án rất khó khăn vì kinh phí từ ngân sách còn hạn chế. Do vậy, TP HCM kiến nghị Thủ tướng xem xét bố trí kinh phí từ ngân sách trung ương để thực hiện đầu tư xây dựng đoạn tuyến này đồng bộ với đoạn tuyến đường dẫn trên địa bàn tỉnh Bình Dương và cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.
Ngoài khó khăn về nguồn vốn, theo Sở GTVT, một số dự án trọng điểm liên kết vùng cần xác định cơ quan chủ trì thực hiện như đường Vành đai 4, cao tốc TP HCM - Trung Lương. Sở GTVT cho biết dự án đầu tư mở rộng cao tốc TP HCM - Trung Lương đi qua 3 địa phương là TP HCM, Tiền Giang và Long An, giai đoạn 1 đã được Bộ GTVT thực hiện đầu tư bằng ngân sách, đang khai thác tốt. Hiện nay, Sở GTVT đang phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu quy mô và hình thức đầu tư, nguồn vốn đầu tư…
Để thuận tiện trong triển khai giai đoạn 2, TP HCM đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT làm cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện đầu tư.
Đối với dự án mở rộng cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai, TP HCM kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT yêu cầu Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) nhanh chóng hoàn thành giai đoạn hoàn thành hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư đoạn từ Vành đai 2 đến Vành đai 3 - nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Với đoạn từ nút giao An Phú đến Vành đai 2, TP HCM kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương bổ sung ngân sách trung ương khoảng 1.123 tỉ đồng để làm dự án.
7 dự án quan trọng
TP HCM đang đề xuất trung ương về 7 dự án quan trọng, trong đó 6 dự án liên kết vùng và 1 dự án đường sắt đô thị.
Cụ thể, Dự án cao tốc TP HCM - Mộc Bài, Dự án đầu tư hoàn chỉnh cao tốc TP HCM - Trung Lương, Dự án đầu tư mở rộng đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, Đường Vành đai 3 TP HCM, Đường Vành đai 4 TP HCM, Dự án cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành. Dự án đường sắt đô thị là metro 2 (Bến Thành - Tham Lương).
Với metro 2, tuyến này nhiều lần phải điều chỉnh mức đầu tư và thời điểm hoàn thành do nhiều lý do. Vì vậy, tuyến metreo số 2 đang được TP HCM xin lùi thời gian khởi công đến năm 2025, hoàn thành năm 2030, chậm thêm 4 năm so với kế hoạch gần nhất. Nguyễn Phan
Mới triển khai 2/5 tuyến cao tốc theo quy hoạch
Theo quy hoạch vùng, TP HCM có 5 tuyến cao tốc với tổng chiều dài khoảng 276,9 km, 2 tuyến vành đai với tổng chiều dài khoảng 287 km.
Đến nay, mới có 2 tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây và TP HCM - Trung Lương đưa vào khai thác. Riêng cao tốc Bến Lức - Long Thành đang xây dựng. Hai tuyến cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành và TP HCM - Mộc Bài đang trong giai đoạn nghiên cứu, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Đường Vành đai 3 TP HCM mới khai thác một đoạn 16 km qua Bình Dương, 76,34 km còn lại đang được các địa phương thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Đường Vành đai 4 TP HCM đang chờ chủ trương đầu tư.
(Còn tiếp)
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/khai-mo-6-canh-cua-lon-cua-tp-hcm-2023041922442826.htm