Kết quả COP27: Cần nhưng đã đủ?

COP27 mang lại nhiều kết quả đáng chú ý trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, nhưng chưa đủ để đáp ứng kỳ vọng hiện nay.

COP27 khép lại với nhiều kết quả quan trọng, song không mang lại đột phá trong biến đổi khí hậu như nhiều người kỳ vọng. (Nguồn: Reuters)

Ngày 19/11, Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 27, (COP27), đã khép lại sau hai tuần làm việc tại Sharm El-Sheikh, Ai Cập. Việc hội nghị phải kéo dài thêm một ngày cho thấy rào cản chưa từng có đối với các bên tham gia đàm phán thúc đẩy cuộc chiến chống biến đổi khí hậu tại COP27.

Xung đột Nga-Ukraine, quan hệ Mỹ-Trung đầy sóng gió, khủng hoảng năng lượng và lương thực, lạm phát tăng cao khiến nhiều nước phải cân nhắc chính sách năng lượng. Thậm chí, một số đã buộc phải “hồi sinh” hay duy trì một số nguồn nhiên liệu hóa thạch hay hạt nhân nhằm đảm bảo nhu cầu nhiên liệu trong nước, qua đó tác động tiêu cực tới mục tiêu chuyển đổi xanh. Không ít nước đã do dự trước mục tiêu hạn chế sự ấm lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C tại COP26.

Năm 2022 chứng kiến sự xuất hiện của hàng loạt hiện tượng biến đổi khí hậu dị thường trên khắp thế giới, từ lũ lụt khiến một phần ba diện tích Pakistan ngập trong biển nước, mùa Hè nóng nhất châu Âu trong 500 năm đến các trận bão có sức tàn phá khủng khiếp đổ bộ vào Philippines, Cuba, Mỹ hay Việt Nam. Những thiên tai này dự kiến còn xuất hiện thường xuyên và khốc liệt hơn nếu thế giới không hành động quyết liệt chống biến đổi khí hậu thời gian tới.

Khi đó, việc COP27 kéo dài cho thấy quyết tâm của các bên về một thỏa thuận, không chỉ tiếp nối mà còn mở rộng những cam kết trước đó về biến đổi khí hậu trong COP26. Liệu nỗ lực này có thành công? Câu trả lời là có và không.

Bước tiến dài

Trước hết, sau những nỗ lực không biết mệt mỏi của các bên liên quan, COP27 đã có bước tiến lịch sử khi đạt thỏa thuận về quỹ “tổn thất và thiệt hại”. Đây là điều đã nhiều lần được đề xuất, song chưa bao giờ được thông qua kể từ khi kỳ COP đầu tiên vào năm 1995. Theo đó, thỏa thuận này sẽ góp phần hỗ trợ về tài chính cho các nước kém phát triển và chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của các hiện tượng thiên tai từ biến đổi khí hậu do phần lớn các nước phát triển gây ra.

Tuy nhiên, các nước đóng góp ngân sách và đối tượng thụ hưởng cụ thể của quỹ sẽ chỉ được thảo luận chi tiết hơn trong kỳ COP28 tại Dubai tháng 11 năm sau.

Thứ hai, hội nghị cũng nhất trí ủng hộ cải cách tại các ngân hàng phát triển để tăng cường tài chính khí hậu và sử dụng những nguồn vốn này hiệu quả hơn.

Các nước phát triển cũng đồng ý cung cấp 20 tỷ USD hỗ trợ tài chính công và tư để giúp Indonesia giảm phụ thuộc vào than đá, sau sáng kiến 8,5 tỷ USD tại Glasgow năm ngoái dành cho Nam Phi.

Thứ ba, COP27 đã giữ được nhiều cam kết tương đồng như kỳ trước.

Viết trên Twitter, Bộ trưởng Bộ chuyển tiếp năng lượng Pháp Agnes Pannier-Runacher nhận định: “Thỏa thuận COP27 không chứa đầy tham vọng như Pháp và châu Âu mong đợi. Tuy nhiên, nó vẫn bảo tồn được điều cốt yếu: mục tiêu hạn chế sự ấm lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C”.

Cần nhớ rằng đến tận ngày bế mạc COP27, tức 18/11, các bên vẫn chưa thể nhất trí về vấn đề này. Phải sau 24 tiếng bổ sung, hội nghị mới có thể khép lại với bản thỏa thuận hoàn chỉnh.

Lỗ hổng lớn

Tuy nhiên, sẽ là thiếu sót lớn khi bỏ qua những gì COP27 chưa thể làm được.

Đơn cử như vấn đề sử dụng nguyên liệu hóa thạch. Theo yêu cầu của Ấn Độ và Liên minh châu Âu (EU), thỏa thuận đạt được hôm 20/11 không nhằm giảm dần việc sử dụng “tất cả nhiên liệu hóa thạch”. Thay vào đó, thỏa thuận kêu gọi các nước hành động nhằm “loại bỏ dần việc sử dụng than và các khoản trợ cấp công không hiệu quả cho nhiên liệu hóa thạch” như đã nhất trí tại COP26.

Bộ trưởng Bộ Khí hậu Maldives, bà Aminath Shauna nêu rõ: “Tôi ghi nhận những tiến bộ tại COP27 về thành lập quỹ, song, chúng ta đã thất bại trong giảm thiểu biến đổi khí hậu. Chúng ta cần đề ra mục tiêu tham vọng hơn nữa để đạt mức phát thải cao nhất vào năm 2025. Chúng ta cần thoát khỏi nhiên liệu hóa thạch”.

Tương tự là câu chuyện về hạn chế lượng phát thải carbon gây hiệu ứng nhà kính. Văn bản cuối cùng đề cập “năng lượng phát thải thấp”. Điều này khiến không ít người lo rằng các nước sẽ sử dụng ngày càng nhiều khí tự nhiên, vốn là nhiên liệu hóa thạch thải ra CO2 và methane.

Bộ trưởng Bộ khí hậu và môi trường Na Uy, Espen Barth Eide nhận định: “Dù không cắt đứt hoàn toàn với COP26 Glasgow, tuy nhiên COP27 cũng không có mục tiêu nào mới cả”.

Nhận định này có lẽ cũng ít nhiều phản ánh kết quả của COP27 tại Ai Cập!

Phan Quân

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ket-qua-cop27-can-nhung-da-du-207280.html