Kết luận rà soát hành chính thuế chống bán phá giá cá tra Việt Nam sang Mỹ
DOC vừa thông báo kết quả sơ bộ cho đợt rà soát lần thứ 20 thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng cá tra - basa phi lê đông lạnh của Việt Nam. 8 doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam có liên quan.
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, ngày 17/9/2024, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã đăng công báo kết quả sơ bộ cho đợt rà soát lần thứ 20 (POR 20) thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng cá tra - basa phi lê đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ trong giai đoạn từ 1/8/2022 đến 31/7/2023.
Trong đợt rà soát này, có 8 doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam có liên quan. DOC đã lựa chọn 2 doanh nghiệp làm bị đơn bắt buộc.
Tại kết luận sơ bộ, Cục Phòng vệ thương mại cho hay, 2 doanh nghiệp bị đơn bắt buộc nhận mức thuế CBPG là $ 0,00/kg; 6 doanh nghiệp còn lại đều đủ điều kiện được nhận mức thuế riêng rẽ ở mức $ 0,00/kg. Do nguyên đơn đã rút yêu cầu rà soát lại mức thuế toàn quốc, nên mức này được giữ nguyên $ 2,39/kg.
Theo Cục Phòng vệ thương mại, do Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường nên DOC sử dụng các giá trị thay thế của quốc gia thứ ba để tính toán biên độ phá giá cho Việt Nam.
Đợt rà soát này, DOC lựa chọn Indonesia là quốc gia thay thế để tính biên độ phá giá do DOC cho rằng: Indonesia có trình độ phát triển kinh tế tương đồng với Việt Nam; Indonesia có các nhà sản xuất lớn cá tra - basa tương tự với Việt Nam trong giai đoạn rà soát; số liệu thay thế của Indonesia đáng tin cậy giúp DOC đánh giá các yếu tố sản xuất của Việt Nam.
Cục Phòng vệ thương mại đánh giá, kết quả sơ bộ trên khá tích cực cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra - basa của Việt Nam khi cả 8 công ty trong cuộc rà soát đều nhận mức thuế $ 0,00/kg. Theo đó, mức thuế trên đã giảm so với mức thuế chính thức của cuộc rà soát POR19 trước đó là từ $ 0,00/kg đến $ 0,18/kg. Dự kiến, Bộ Thương mại Hoa Kỳ sẽ ban hành Kết luận cuối cùng của đợt rà soát này trong vòng 120 ngày kể từ ngày ban hành Kết luận sơ bộ.
DOC cũng đã ra thông báo cho phép các bên gửi yêu cầu rà soát thuế chống bán phá giá cho đợt rà soát tiếp theo (POR21) cho giai đoạn từ 1/8/2023 - 31/7/2024. Đến nay, một số doanh nghiệp Việt Nam và nguyên đơn Hoa Kỳ đã gửi yêu cầu rà soát. Dự kiến, DOC sẽ xem xét khởi xướng cuộc rà soát hành chính tiếp theo vào khoảng tháng 10/2024.
Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, quý 2/2024, giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường Mỹ đạt 95 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế xuất khẩu cá tra trong nửa đầu năm nay sang Mỹ đạt gần 160 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tháng 4 ghi nhận là tháng xuất khẩu cá tra đạt giá trị cao nhất kể từ đầu năm nay, với gần 38 triệu USD, tăng 34% so với cùng kỳ.
Riêng tháng 6/2024, Mỹ nhập khẩu hơn 26 triệu USD cá tra phile đông lạnh từ Việt Nam, tăng 20% so với tháng 6/2023. Nửa đầu năm nay, thị trường này tiêu thụ hơn 156 triệu USD sản phẩm này, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 98% tỷ trọng. Một số sản phẩm cá tra Việt Nam được người tiêu dung tại Mỹ ưa thích bao gồm: cá tra phile đông lạnh; cá tra cắt miếng/cắt khúc đông lạnh; cá tra tẩm bột đông lạnh; khô cá tra phồng, da cá tra chiên sang thị trường Mỹ.
Đáng chú ý, 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cá tra GTGT sang Mỹ cũng tăng trưởng ấn tượng, với giá trị gần 2 triệu USD, tăng gấp 8 lần so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 1% tỷ trọng. Trong đó, tháng 4/2024 ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ nhất so với cùng kỳ, gấp gần 70.000 lần; và tháng 6/2024 là tháng Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất cá tra GTGT sang Mỹ kể từ đầu năm nay, tăng gấp 7 lần so với tháng 6/2023.
Mỹ là thị trường tiêu thụ cá tra lớn thứ 2 sau Trung Quốc và Hồng Kông. Tiếp nối đà tăng trưởng trong quý 1 năm 2024, các đơn đặt hàng đã tăng đáng kể trong quý 2 năm 2024, cùng với việc lượng tồn kho tại thị trường Mỹ trong năm 2023 đang giảm dần, giá trung bình xuất khẩu cá tra sang Mỹ cũng dần phục hồi.
Giá xuất khẩu trung bình cá tra nửa đầu năm nay sang Mỹ có xu hướng tăng dần qua từng tháng. Tháng 6/2024, giá trung bình xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mỹ ở mức 2,99 USD/kg - mức cao nhất kể từ đầu năm 2024.