Kẻ xấu dùng công nghệ AI để lừa đảo, người dân cần cẩn trọng

Vừa qua, một vụ việc sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để hỗ trợ hành vi lừa đảo vừa được phanh phui khiến không ít người băn khoăn về việc xử lý hành vi này như thế nào. Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia pháp lý có một số chia sẻ.

Đối tượng Võ Tấn Lộc. Ảnh: CQCA cung cấp

Dùng công nghệ AI ghép ảnh nóng để lừa đảo

Ngày 17/10, Công an (CA) quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh tạm giữ Võ Tấn Lộc (SN 2002, quê Tây Ninh), để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Theo thông tin ban đầu, Lộc đang là sinh viên một trường đại học ở TP Hồ Chí Minh.

Trong thời gian từ 2020 đến nay Lộc tạo tài khoản Facebook giả, dùng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để thực hiện ghép ảnh những cô gái trẻ trên mạng xã hội thành ảnh các cô gái khỏa thân và đưa vào các trang web đồi trụy để lừa đảo những người mua bán dâm bằng hình thức đặt cọc rồi chặn liên lạc.

Số tiền nam thanh niên chiếm đoạt qua chiêu trò lừa đảo này đã lên đến hàng trăm triệu đồng. Những cô gái bị lấy hình ảnh cắt ghép sau đó nhận được tin nhắn đòi tiền, đồng thời hình ảnh bị phát tán trên mạng xã hội của trường, mới phát hiện sự việc. Từ năm 2020 đến nay, Lộc đã thực hiện ghép hình ảnh của hơn 20 cô gái trẻ. Chiều ngày 16/10, Lộc tiếp tục lừa đảo nữ sinh tên C.K.T.N thì bị người nhà của nữ sinh này bắt quả tang và trình báo cơ quan CA.

Xử lý nghiêm để làm gương

Theo chuyên gia pháp lý, trong thời gian gần đây, các công nghệ liên quan đến AI phát triển mạnh mẽ, qua đó kéo theo sự xuất hiện của các ứng dụng sử dụng công nghệ AI có tác động không nhỏ đến đời sống, công việc của con người. Các phần mềm này nếu được sử dụng một cách hợp lý có thể đóng vai trò như một người trợ lý, giúp việc rất hữu dụng cho con người. Tuy nhiên, nếu bị sử dụng sai cách, nó cũng sẽ trở thành một công cụ để tiếp tay cho các hành vi phạm pháp, mà cụ thể là trong tình huống nêu trên.

Ở vụ việc này, đối tượng sử dụng công nghệ AI để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các Điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

Cũng theo các khoản khác trong quy định tại Điều 174, người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 20 năm hoặc chung thân tùy theo mức độ phạm tội. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Trong vụ việc nêu trên, dựa trên các thông tin mà cơ quan CA đã cung cấp xác định từ năm 2020 đến nay, đối tượng đã lừa đảo hàng chục người, chiếm đoạt tài sản lên đến hàng trăm triệu đồng. Có thể thấy hành vi của đối tượng có tính chất chuyên nghiệp và đã tái phạm nhiều lần, số tiền cũng lên tới con số hàng trăm triệu, như vậy có đủ căn cứ để xử lý trách nhiệm hình sự đối tượng ở khung 2 quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự là từ 2 đến 7 năm tù. Tùy theo số tiền cụ thể đối tượng đã lừa đảo mà cơ quan CA xác định được trong quá trình điều tra, khung hình phạt có thể sẽ tăng nặng hơn.

Chuyên gia pháp lý cũng cho biết thêm, công nghệ AI ngày nay ngoài việc ghép ảnh còn có thể giả âm thanh, giọng nói, bắt chước, ghép cả khuôn mặt trong một video. Không chỉ người bình thường mà kể cả các yếu nhân trên thế giới cũng bị làm giả.

Gần đây, trên mạng xã hội còn lan truyền một đoạn video một đối tượng sử dụng công nghệ AI trực tiếp làm giả hình ảnh của CA để gọi video hình ảnh nhưng bị người dân phát hiện. Có thể trong thời gian tới, công nghệ AI sẽ càng ngày càng phát triển, tinh vi và khó nhận diện hơn. Do vậy người dân cần cẩn trọng với những giao dịch trực tuyến. Nếu phát hiện điều bất thường khi giao dịch, hoặc nhận tin nhắn, hình ảnh kể cả liên quan đến người thân, cần cẩn trọng xác minh trước khi tin vào chúng.

Duy Minh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ke-xau-dung-cong-nghe-ai-de-lua-dao-nguoi-dan-can-can-trong-356882.html