Hy vọng về một cái kết viên mãn
Mới đây, Hà Nội đã công bố 6 đồ án quy hoạch 4 quận trung tâm gồm Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Theo Quy hoạch, dân số khu vực nội đô tới năm 2030 và 2050 chỉ còn 672.000 người, giảm khoảng 215.000 dân.
Điều đó cũng có nghĩa là khoảng 215.000 người dân đang sinh sống tại khu vực phố cổ, phố cũ, Hồ Gươm cùng vùng phụ cận sẽ được di chuyển tới nơi khác sinh sống. Cũng bởi thế mà với việc TP Hà Nội thông qua Quy hoạch phân khu khu vực nội đô, một lần nữa, việc giãn dân trong khu phố cổ lại trở thành vấn đề được nhiều người quan tâm.
Đây không phải lần đầu tiên vấn đề giãn dân phố cổ được đề cập. Cách đây hơn hai chục năm, từ năm 1998, UBND TP Hà Nội đã có chủ trương di dân phố cổ với mục tiêu giảm mật độ dân cư cùng áp lực lên cơ sở hạ tầng tại khu vực này. Tuy nhiên, phải đến tháng 1/2013, đề án giãn dân phố cổ mới chính thức được phê duyệt. Theo đề án này, mật độ dân cư phố cổ sẽ được giảm từ 823 người/ha năm 2010 xuống còn 500 người/ha vào năm 2020. Đề án dự kiến thực hiện thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 bắt đầu từ quý IV/2013 và hoàn thành vào quý IV/2016 sẽ thực hiện di dời khoảng 1.153 hộ dân.
Để thực hiện kế hoạch này năm 2015, UBND TP Hà Nội chấp thuận cho quận Hoàn Kiếm triển khai xây dựng khu đô thị giãn dân phố cổ tại phường Việt Hưng, quận Long Biên. Giai đoạn 2 dự kiến sẽ bố trí khoảng 30ha để di dời 5.020 hộ dân sau khi dự án giai đoạn 1 kết thúc. Việc thực hiện đề án giãn dân phố cổ dự kiến kết thúc vào năm 2020.
Mặc dù một số công việc đã được khởi động, nhưng cho đến nay đề án giãn dân phố cổ đã không thể về đích đúng thời hạn. Số liệu từ Tổng điều tra dân số lần thứ 5 cho thấy, khu vực quận Hoàn Kiếm (bao gồm toàn bộ khu phố cổ), mật độ dân số đạt 39.830 người/km2, gấp 137,3 lần mật độ dân số toàn quốc. Hầu hết các hộ dân nằm trong diện di dời theo đề án giãn dân phố cổ, bắt buộc cũng như tự nguyện, vẫn cố bám trụ tại nơi ở cũ.
Câu hỏi đặt ra là vì sao một chủ trương hoàn toàn phù hợp, nếu được thực hiện sẽ vừa đạt mục đích bảo tồn, phát huy giá trị của di sản phố cổ, vừa cải thiện đời sống người dân trong khu vực lại gặp trở ngại khi thực hiện.
Có khá nhiều nguyên nhân được nêu ra, nhưng có lẽ dễ thấy nhất là đề án chưa có được sự đồng thuận của người dân trong diện di dời. Mặc dù phải sinh sống trong điều kiện hết sức khó khăn, chen chúc trong những căn nhà thiếu khí trời, không ánh sáng, xuống cấp trầm trọng, thậm chí thiếu cả những tiện nghi tối thiểu những người dân phố cổ vẫn “kiên cường bám trụ”.
Ngoài những vấn đề dễ thấy như cơ chế, chính sách đền bù, phương án di dời hay thói quen, tập tục văn hóa… có lẽ quan trọng nhất là câu chuyện sinh kế lâu dài khi đến nơi ở mới. Hầu hết cư dân phố cổ được phỏng vấn đều có chung câu trả lời: Không biết đến nơi ở mới sẽ làm gì để sinh sống. Một chuyên gia về Hà Nội đã diễn đạt điều này bằng một câu hỏi: 1m2 phố cổ có thể nuôi được cả một gia đình 5 người, nhưng 10m2 ở Việt Hưng liệu có nuôi nổi 1 người?
Rõ ràng, giãn dân phố cổ là một chủ trương phù hợp, một việc làm cần thiết, mang lại những lợi ích cho cả cộng đồng và người dân. Để đề án giãn dân phố cổ đi vào cuộc sống, để di sản phố cổ được bảo tồn và phát huy tốt hơn, người dân có điều kiện sinh sống, làm ăn tốt hơn, rất cần một đề án khoa học, mang tính khả thi với những cơ chế, chính sách, phương án di dời phù hợp, mà trước hết là phải đạt được sự đồng thuận của người dân, trên cơ sở đáp ứng được nhu cầu và quyền lợi chính đáng của họ.
Theo ông Phạm Tuấn Long - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm thì với quy hoạch khu vực nội đô mới công bố Hà Nội đã có phương án khá cụ thể cho việc giãn dân phố cổ. Đó là ai đi, đi như thế nào, ai được tái định cư, ai ở lại... Quan trọng hơn cả, mục đích của quy hoạch là làm sao để người dân được hưởng thụ điều kiện tốt nhất.
Hy vọng với quan điểm đúng đắn nêu trên, câu chuyện dài giãn dân phố cổ sẽ được giải quyết dứt điểm để có một cái kết viên mãn.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/hy-vong-ve-mot-cai-ket-vien-man-414768.html