Hương vị xuân quê nhà

Nhiều kiều bào về quê đón Tết vỡ òa cảm xúc khi được ngắm đường phố rực rỡ màu sắc trang trí và thưởng thức những món ăn truyền thống không đâu sánh bằng

Đối với nhiều người Việt đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài, Tết Nguyên đán không chỉ là thời khắc kết thúc năm cũ mà còn là dịp hướng về quê hương, sum họp bên gia đình, tận hưởng giây phút hạnh phúc, ấm áp.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Nguyễn Thị Mùi xúc động kể vừa xuống máy bay ở sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM), bà đã nghe thấy "mùi của mùa xuân quê hương". Cụ bà 70 tuổi cảm nhận sự rộn ràng trang hoàng đón Tết khi ngồi trên xe di chuyển qua các con phố. Bà bồi hồi mãi vì sinh ra và lớn lên ở Thái Lan nhiều năm qua, bà chưa từng được hít thở bầu không khí Tết như vậy. Bao nhiêu năm bà Mùi ước mong được về quê đón Tết và đây cũng là mong ước của nhiều người Việt tại Thái Lan. "Tuy không sinh sống tại Việt Nam nhưng trái tim tôi luôn hướng về quê hương" - bà nghẹn ngào nói trong hạnh phúc.

Kiều bào tham quan TP HCM bằng xe buýt 2 tầng trong những ngày giáp Tết Giáp Thìn 2024. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Khác với bà Mùi, ông Trần Bá Phúc - Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch hiệp hội doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài, Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Úc - mỗi năm về Việt Nam một hoặc hai lần để đón Tết hoặc xử lý công việc. Trở về trong dịp Tết cổ truyền luôn mang lại cho ông cảm xúc đặc biệt khiến bản thân ông càng gắn bó, gần gũi hơn với quê hương. Ông kể mỗi khi nhìn thấy đường phố nhộn nhịp đón Tết, bà con mua sắm đồ trang trí và thưởng thức những món ăn truyền thống không thể thiếu trong dịp đặc biệt này, trong lòng ông cũng nôn nao và hạnh phúc không kém.

Mỗi người một cảm xúc khi về Việt Nam, riêng cô Nguyễn Thị Kim Liên, người Việt sinh sống tại tỉnh Udon Thani - Thái Lan, háo hức nhất là được gặp lại bà con thân thuộc. Càng đáng nhớ hơn khi trong chuyến thăm quê lần này, cô được biểu diễn mở màn chương trình "Tôi yêu tiếng nước tôi" tại Nhà hát Lớn Hà Nội hôm 30-1. Không giấu được niềm tự hào, cô Liên bày tỏ mong muốn tiếp tục được về Việt Nam ăn Tết trong những năm tới. Cũng về từ Thái Lan, cô Nguyễn Thị Lai chuẩn bị trong hành trang 5 bộ áo dài để dạo chơi trên những con đường rực rỡ cờ hoa ở TP HCM. Khoe với phóng viên Báo Người Lao Động chiếc áo dài may bằng vải Thái Lan, cô Lai cho biết mình có đến 30-40 bộ áo dài và thường xuyên mặc trang phục quê nhà trên đất Thái.

Dù vậy, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc Công ty TNHH Liên kết Thương mại Toàn Cầu (thương hiệu cà phê Meet More), nhận thấy không khí Tết năm nay ở TP HCM dường như đến chậm. Sinh sống và làm việc tại Úc, ông Luận nói đã đón Tết tại TP HCM vài năm nhưng năm nay phải đến ngày 23 tháng chạp, ông mới bắt đầu cảm nhận không khí nhộn nhịp hơn tại các gian hàng Tết và chợ hoa xuân. Đối với ông, được chứng kiến thành phố thay đổi rõ rệt là một niềm vui và xúc động lớn, thúc đẩy ông nỗ lực nhiều hơn để góp phần xây dựng quê hương.

Hòa trong niềm vui đón xuân, với ông Phan Thế Phương, kiều bào Mỹ, Chủ tịch Công ty TNHH Liên kết Việt Mỹ, Tết Nguyên đán là khoảng thời gian thiêng liêng, ai cũng mong muốn về với quê nhà. Tết năm nay, ông dự định vui vầy cùng gia đình ở quê nhà là thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Có mặt tại TP HCM trước khi về quê, ông Phương nhận thấy thành phố đã phát triển vượt bậc trong 10 năm qua và hy vọng tương lai Việt Nam sẽ trở thành con rồng châu Á.

"Mang Tết về cho con"

Có lẽ điều đặc biệt kết nối tất cả người Việt đang trông ngóng Tết ở xứ xa là khát vọng "Mang Tết về cho con". Đây không phải là một dự án, càng không phải là một chiến dịch. Nó đơn thuần chỉ là khát vọng cho những đứa trẻ sinh ra ở xứ lạ biết được không khí Tết cổ truyền của người Việt.

Tôi thích Tết! Và có lẽ vì là người phụ nữ truyền thống nên những gì thuộc về Tết cổ xưa tôi lại càng thêm yêu mến. Sinh sống ở Berlin 10 năm nay, tôi thấy yêu đời hơn khi nhìn thấy những tà áo dài xanh đỏ tím vàng tung tăng ở những góc phố của thủ đô nước Đức. Những đứa trẻ xúng xính áo dài, guốc mộc nô đùa ở cổng Brandenburg đáng yêu đến mức không có mỹ từ nào để tả hết.

Không chỉ riêng tôi mà bất cứ bà mẹ nào cũng mong mang đến cho con mình những điều tuyệt vời. Với những bà mẹ Việt, đó là truyền cho con những nét đẹp trong phong tục Việt. Cùng con trang trí nhà cửa, nào đào, nào mai, cùng gói bánh chưng, cùng gói nem, nặn cá ngày đưa Táo quân về trời… Mong rằng khi các con lớn lên, những khoảnh khắc chuẩn bị Tết này sẽ trở thành nền tảng để dẫn lối các con về với quê hương, nguồn cội.

Quỳnh Chi (Từ Berlin - Đức)

XUÂN MAI

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/huong-vi-xuan-que-nha-19624020521254009.htm