Hướng đi tất yếu để phát triển bền vững

Trong những năm qua, nhiều mô hình hợp tác xã hoạt động trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có những thay đổi mạnh mẽ, đột phá so với trước. Đặc biệt, nhiều hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới (được thành lập theo Luật Hợp tác xã năm 2012) tại các địa phương đã khẳng định được vai trò, góp phần nâng cao thu nhập cho xã viên và đóng góp chung cho việc phát triển nền kinh tế.

Nổi bật trong đó là những hợp tác xã kiểu mới áp dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung... Nhiều địa phương đã xuất hiện những mô hình hợp tác xã áp dụng sản xuất, chăn nuôi hữu cơ gắn với chuỗi sản xuất cho giá trị cao.

Tuy vậy, bên cạnh những kết quả tích cực, mô hình hợp tác xã kiểu mới cũng đối mặt với không ít hạn chế, vướng mắc cần giải quyết. Trong đó, khó khăn lớn nhất hiện nay là tiếp cận vốn tín dụng khi phía ngân hàng đưa ra nhiều yêu cầu khắt khe về thủ tục vay, chẳng hạn như phải có nguồn tài sản thế chấp. Mặt khác, các hợp tác xã chưa được tạo điều kiện, cơ chế tốt để tiếp cận quỹ đất đai, cũng như việc thực thi quyền sử dụng đất, trình độ của cán bộ quản lý hợp tác xã còn hạn chế…

Con số hơn 1.000 hợp tác xã nông nghiệp trên toàn thành phố cho thấy, hợp tác xã nông nghiệp không chỉ có khả năng lớn trong hỗ trợ người nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập mà còn đóng góp hiệu quả cho công cuộc xây dựng nông thôn mới cũng như cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng. Để mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới phát triển mạnh mẽ, phát huy đúng vai trò là "bệ đỡ" của nông dân, thời gian tới, những điểm nghẽn về cơ chế, chính sách cần được nhận diện và hóa giải.

Trong đó, cần trước hết là sự đồng hành của các cơ quan quản lý trong hỗ trợ, xây dựng cơ chế, chính sách để các hợp tác xã dễ tiếp cận nguồn vốn. Cùng với đó, là tập trung chỉ đạo, khuyến khích tích tụ ruộng đất, tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn để phát triển các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Cùng với các chính sách hỗ trợ pháp lý, các cấp, các ngành, các địa phương cũng cần quan tâm hơn nữa việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ cán bộ quản lý của các hợp tác xã; tập trung nguồn lực đầu tư cho phát triển hạ tầng nông thôn, hỗ trợ sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị với những sản phẩm chủ lực, những sản phẩm tham gia chương trình "Mỗi xã một sản phẩm”; mở rộng xúc tiến thương mại... Về phía mình, bản thân các hợp tác xã cũng phải giải quyết được những hạn chế về nhân lực, xây dựng được mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, khả năng áp dụng công nghệ… Mặt khác, các hợp tác xã cũng phải phát huy tốt vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp với người nông dân, xây dựng các mô hình điểm áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới về giống cây trồng, vật nuôi cho hiệu quả kinh tế cao để nâng cao uy tín, thương hiệu, mở rộng đầu ra cho sản phẩm.

Nhu cầu tiêu dùng nội địa cũng như xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp đang ngày một lớn, với những đòi hỏi ngày càng khắt khe hơn. Do đó, việc phát triển các mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới, áp dụng công nghệ cao là hướng đi tất yếu mà các hợp tác xã phải vươn tới. Đó không chỉ là cách để các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới phát triển bền vững hơn mà còn là hướng tiếp cận phù hợp với Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tạo điều kiện hiện đại hóa cho nông nghiệp Thủ đô, nhanh chóng tham gia chuỗi sản xuất nông sản toàn cầu trong một tương lai không xa.

Duy Biên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/957663/huong-di-tat-yeu-de-phat-trien-ben-vung