Hôm nay, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đấu thầu vàng miếng
Sáng 16/5, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức phiên đấu thầu vàng miếng lần thứ 7 với giá đặt cọc 87,5 triệu đồng một lượng.
Sáng 16/5, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức phiên đấu thầu vàng miếng lần thứ 7 với giá đặt cọc 87,5 triệu đồng một lượng.
Theo thông báo từ Ngân hàng Nhà nước, số vàng miếng gọi thầu là 16.800 lượng. Khối lượng đấu thầu tối thiểu là 5 lô, tương đương 500 lượng. Ngoài ra, khối lượng đấu thầu tối đa một thành viên được phép đặt thấu là 40 lô (4.000 lượng).
Bước giá dự thầu 10.000 đồng/lượng. Bước khối lượng dự thầu 1 lô (100 lượng). Mỗi thành viên dự thầu chỉ được đăng ký 1 mức giá tối thiểu bằng hoặc cao hơn giá sàn do Ngân hàng Nhà nước công bố.
Trước đó, ngày 14/5, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã đấu thầu thành công 81 lô tương đương 8.100 lượng vàng với tổng số thành viên trúng thầu là 8 thành viên.
Theo đó, giá trúng thầu cao nhất là 87,73 triệu đồng/lượng, giá trúng thầu thấp nhất là 87,72 triệu đồng/lượng. Như vậy, Ngân hàng Nhà nước đã có 6 lần tổ chức đấu thầu vàng miếng SJC vào các ngày từ ngày 22/4 đến nay. Trong đó có 3 phiên thành công và 3 phiên bị hủy. Sau 3 phiên đấu thầu thành công, Ngân hàng Nhà nước đã cung ứng ra thị trường 14.900 lượng vàng miếng SJC.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc đấu thầu vàng miếng là nhằm can thiệp kịp thời, xử lý ngay và luôn tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng thế giới chênh lệch ở mức cao, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch, hiệu quả, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Ngân hàng Nhà nước khẳng định để phù hợp với tình hình thị trường, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh hợp lý khối lượng vàng miếng tối thiểu, tối đa các thành viên được phép đặt thầu. Nhờ vậy, kết quả tại các phiên sau số lượng đơn vị trúng thầu nhiều hơn phiên trước, theo đúng mục tiêu tăng cung thêm vàng miếng ra thị trường.
Giải trình tại phiên họp kinh tế xã hội của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà thừa nhận từ 2022 trở lại đây thị trường vàng trong nước bộc lộ hạn chế, sau thời gian dài ổn định được quản lý theo Nghị định 24/2012. Nguyên nhân, theo ông, chủ yếu do thế giới tăng, đắt thêm 14% từ đầu năm đến nay và nguồn cung trong nước hạn chế.
Về giải pháp, theo Phó Thống đốc, trước mắt cơ quan này tiếp tục đấu thầu với khối lượng phù hợp để tăng cung, nhằm ổn định và giảm chênh lệch với giá thế giới.
Ngân hàng Nhà nước cũng tăng các biện pháp quản lý thị trường, thanh tra kinh doanh, mua bán vàng miếng. Cơ quan quản lý cũng yêu cầu doanh nghiệp chấp hành quy định về hóa đơn thanh toán, thống kê và kiểm soát giao dịch vàng. Cơ quan này phối hợp cùng Bộ Công an, Bộ Công Thương kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu, đẩy giá vàng lên cao.