Hồi ức lịch sử qua tranh cổ động

Tranh cổ động thể hiện được một phần của lịch sử phát triển của cách mạng Việt Nam từ những ngày đầu đấu tranh giành độc lập dân tộc, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc đến quá trình xây dựng đất nước.

Tác phẩm "Tuổi xanh nhịp bước theo chân Bác" - Đỗ Hữu Huề.

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vừa khai trương không gian trưng bày mới “Sưu tập tranh cổ động” và ra mắt sách “Khát vọng hòa bình”.

Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh khẳng định tranh cổ động là một thể loại đặc biệt trong nghệ thuật đồ họa, có lịch sử phát triển gắn liền với lịch sử cách mạng Việt Nam. Việc mở không gian trưng bày mới về tranh cổ động trong hệ thống trưng bày của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ tạo nên mạch kết nối giữa các nhà trưng bày của bảo tàng. Theo đó, lộ trình tham quan, thưởng thức tác phẩm nghệ thuật của công chúng được liên tục, thuận tiện, khoa học hơn.

Không gian trưng bày giới thiệu 30 tác phẩm tranh cổ động sáng tác từ năm 1958 đến năm 1986, nằm trong sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Trong đó, có nhiều tác phẩm ghi lại những mốc son lịch sử của cách mạng dân tộc, những hoạt động tuyên truyền trên mọi mặt của đời sống.

Tiêu biểu có thể kể đến là các tác phẩm: "Việt Nam - Hồ Chí Minh" (Nguyễn Nùng), "Tuổi xanh nhịp bước theo chân Bác" (Đỗ Hữu Huề), "Vì muôn đời con cháu mai sau" (Vũ Thị Huyên), "Cải tiến canh tác đẩy mạnh sản xuất" (Minh Mỹ), "Ơn Đảng, ơn Bác, người Mèo có chữ" (Quách Hùng), "Trồng nhiều khoai lang trắng" (Trần Hòa)...

30 bức tranh cổ động vừa được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật đã thể hiện được một phần của lịch sử phát triển của cách mạng Việt Nam từ những ngày đầu đấu tranh giành độc lập dân tộc, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc đến quá trình xây dựng đất nước. Ở đó, có sự góp mặt của những họa sĩ của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, đến khóa Mỹ thuật Kháng chiến và các thế hệ sau phần nhiều đều có tham gia sáng tác tranh cổ động.

Các nghệ sĩ sử dụng những thủ pháp đặc trưng mang tính cô đọng, súc tích, gần gũi, dễ hiểu, liên tục sáng tạo trong ngôn ngữ đồ họa. Tranh cổ động đã kịp thời đưa những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân, vượt qua nhiệm vụ tuyên truyền cổ động trực quan để trở thành một thể loại nghệ thuật đồ họa độc đáo riêng của nền Mỹ thuật Cách mạng Việt Nam.

Nhân dịp này, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng giới thiệu ấn phẩm đặc biệt về tranh cổ động có tựa đề "Khát vọng hòa bình" do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Nhà Xuất bản Mỹ thuật chọn lọc và biên soạn.

Cuốn sách dày 93 trang, in màu, giới thiệu 81 tác phẩm tranh cổ động được các thế hệ họa sĩ Việt Nam sáng tác trong giai đoạn từ năm 1958 đến năm 1986 về đề tài kháng chiến, mang nội dung thể hiện ước muốn và khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam. Các tác phẩm đều nằm trong sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Có thể kể đến một số tác phẩm, như: "Trời đất này của chúng ta, ta quyết giữ!" (Phạm Văn Lực), "Độc lập - Tự do" (Lê Sỹ Thăng), "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" (Xuân Hồng), "Tất cả cho mùa xuân đại thắng" (Đắc Tô), "Xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" (Phan Chi)...

Nhật Nam

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/van-hoa/hoi-uc-lich-su-qua-tranh-co-dong/398793.vgp