Hơi thở cuộc sống cần thấm đẫm trong mỗi trang văn
Ở tuổi 18, em HOÀNG HÀ LINH, cựu học sinh Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn vừa ghi tên mình vào cuốn sách 'Tờ hoa - Những bài văn của học sinh giỏi quốc gia'. Đây là một trong những niềm vui của Hà Linh trên hành trình trưởng thành từ những trang văn. Nhân dịp này, phóng viên Báo Quảng Trị vừa có cuộc trò chuyện với Linh về những trải nghiệm và quan điểm viết lách của cô.
- Khi nhận được lời mời từ chủ biên, tôi cảm thấy khá bất ngờ và vinh dự. Đây là cơ hội quý giá để tôi thực hiện mong ước bấy lâu là tiếp thêm ngọn lửa yêu văn chương cho mọi người. Niềm hạnh phúc ấy nhân đôi khi tôi hay tin ấn phẩm mình góp mặt đã đến tay và nhận được sự yêu thích của rất nhiều độc giả.
- Mong Hà Linh chia sẻ đôi nét về bài văn mà mình được lựa chọn đăng tải trong cuốn sách?
- Bài văn được lựa chọn đăng tải trong cuốn sách là một trong những bài luyện viết của tôi trong quá trình đèn sách để đến với cuộc thi học sinh giỏi quốc gia năm vừa rồi. Tuy nhiên, khi viết bài văn này, tôi không hoàn toàn mang tâm thế đang luyện học sinh giỏi. Bản thân đặt bút với cách nhìn của một người đang và sẽ sống giữa những biến chuyển không ngừng của khoa học công nghệ.
Đề bài đã đặt ra một vấn đề nóng hổi của thời đại, đó là việc con người quá lạm dụng công nghệ. Thực tế ấy dẫn đến một vấn đề còn nguy hiểm hơn, đó chính là sự máy móc hóa trong chính con người. Trong quá trình viết bài văn này, tôi có cơ hội nhìn nhận lại mình và cách thế giới đang vận hành. Tôi nghĩ, đây là thời điểm phù hợp để chúng ta nghiêm túc đối mặt với vấn đề nêu trên. Vì thế, tôi đã dùng tất cả những hiểu biết, trăn trở, sức mạnh ngôn từ mình có... để gửi gắm trong bài.
- Có ý kiến cho rằng: “Một ngày không xa, máy móc, trí tuệ nhân tạo có thể thay thế con người trong việc viết lách”. Quan điểm của Hà Linh như thế nào khi nghe ý kiến này?
-Theo tôi, việc máy móc có thể thay thế con người trong việc viết lách là điều khó xảy ra. Trước hết, khoan hãy nói đến việc máy móc có thể thay thế con người trong việc viết lách hay không mà hãy xem xét bản chất của một bài văn và một tác phẩm văn chương là như thế nào. Mỗi trang văn dù muốn hay không đều mang những xúc cảm chân thực của người cầm bút và những đối tượng được phản ánh trong bài văn ấy. Viết là một khát khao được giãi bày cảm xúc đang dâng trào mãnh liệt và người cầm bút luôn dành sự ưu tư cho những gì được cất tiếng trên trang viết của mình. Máy móc không có trái tim thì làm sao có nhịp đập của cảm xúc và sự sống?
Hơn nữa, máy móc suy cho cùng được tạo bởi con người, được lập trình với những chức năng nhất định. Từ đó, có thể nói máy móc chưa thể làm điều gì khác ngoài những điều đã được con người khai phá. Người cầm bút thì khác. Họ có thể tái kiến tạo thế giới, sinh ra những khả thể mới bằng sự nhạy cảm với thời đại. Tôi cho rằng, viết lách không chỉ là một hoạt động đơn thuần. Thông qua con chữ, người cầm bút thể hiện tài năng của mình và để những trang viết thực hiện sứ mệnh giúp con người hướng đến chân - thiện - mỹ.
- Tuy nhiên, hiện nay, một số bạn trẻ vẫn đang bị sa đà, lệ thuộc quá nhiều vào văn mẫu, trí tuệ nhân tạo... Bạn nghĩ sao về điều này?
- Tôi vẫn luôn tâm đắc với câu nói của Osho - một bậc thầy tâm linh người Ấn Độ: “Sinh ra là một bản thể, đừng chết như một bản sao”. Câu nói ấy có thể trở thành kim chi nam của riêng tôi và những người yêu văn chương khác để khẳng định vị trí của mình. Trong quá trình cầm bút, ta nên nhớ rằng: “Ta là Một, là Riêng, là Thứ Nhất” (Xuân Diệu). Bởi vậy, mỗi câu, mỗi chữ đều phải toát lên được cá tính sáng tạo của mỗi cá thể. Mỗi người phải thể hiện được tư duy riêng có của mình. Đồng thời, viết là để xóa đi những cái tạo lập từ trước và tái tạo lại một xã hội tràn đầy. Điều đó thực sự khác so với tư duy đồng phục và sẵn có của máy móc. Tất nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể đọc, tham khảo nguồn tài nguyên từ văn mẫu, trí tuệ nhân tạo nhưng đừng để mình bị phụ thuộc vào nó.
Ước mong gieo hạt giống văn chương
- Nói về bản thân, là một người yêu văn chương, Hà Linh đã ươm mầm và nuôi dưỡng tình yêu ấy như thế nào để có “quả ngọt” như ngày hôm nay?
- Thực ra, tôi chưa bao giờ nghĩ mình có thể trở thành một học sinh giỏi môn văn và một người yêu văn chương như bây giờ. Bởi, khi vừa mới bước vào bậc THCS, tôi hoàn toàn không có điểm gì nổi bật so với các bạn trong lớp ở bộ môn Ngữ văn. Chính nhờ sự dẫn dắt của các thầy cô giáo, tôi bắt đầu có hứng thú hơn với môn học này. Từ đó, tôi bắt đầu tham gia vào đội tuyển học sinh giỏi cho đến những năm THPT. Chính thầy cô đã ươm mầm, giúp tôi có cơ hội trưởng thành qua những bài văn của mình.
Đối với nhiều người, “quả ngọt” mà tôi nhận được ngày hôm nay chính là giải Ba kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ văn. Nhưng đối với tôi, thành tích đó không hẳn là thứ “quả ngọt” duy nhất. Tôi còn nhận được nhiều bài học quý giá sau những lần phải nếm “trái đắng”. Không dừng lại ở đó, tôi đã dần biết cách thức nuôi dưỡng niềm đam mê văn chương. Để làm được điều này, thời gian qua, tôi đã tìm tòi, nghiên cứu, học tập không ngừng nghỉ. Tôi biết, hơi thở của cuộc sống luôn cần thấm đẫm trong mỗi trang văn. Vì vậy, tôi luôn tự nhủ bản thân tập khám phá mọi thứ nhỏ bé hiện hữu xung quanh và suy nghĩ, trăn trở về những khía cạnh, vấn đề lớn hơn trong cuộc sống. Tôi sẵn sàng cầm bút để viết nên nó như một sự tự nhìn nhận, tự rèn luyện tư duy.
- Ngoài tình yêu dành cho văn chương, điều gì thôi thúc Hà Linh chọn chuyên ngành sư phạm Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội trong khi có cơ hội tuyển thẳng vào nhiều ngôi trường khác?
- Đề thi chọn đội tuyển học sinh giỏi năm tôi lớp 11 đã để lại nỗi trăn trở lớn trong tôi. Tôi còn nhớ rất rõ nội dung của đề là: “Thế kỉ XXI đâu chỉ cần học Toán, Ngoại ngữ và Tin học - xin ba đừng cấm con học Văn!”. Yêu cầu đặt ra là tôi và các bạn phải hóa thân vào vai một người con đam mê văn chương, viết thư gửi cho ba của mình. Có thể thấy hiện nay, nhiều người không quá coi trọng môn Văn. Thế nhưng, học Văn là học cách làm người, học Văn làm cho chúng ta “người hơn”. Và Văn ở đây đâu chỉ kiến thức trong sách Ngữ văn. Đó là đời, là người mà ta sống và tiếp xúc hằng ngày. Vậy có lẽ nào, Văn lại không quan trọng?
Tôi cảm thấy rất may mắn, bởi thầy cô, gia đình luôn dõi theo và ủng hộ việc tôi học, yêu văn chương. Đó cũng là một trong những lý do giúp tôi hình thành mong ước trở thành một người giáo viên. Tôi muốn trở thành một người giáo viên có thể đồng hành với các học sinh của mình trên hành trình mà các em đam mê, thực sự muốn theo đuổi.
Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng nói: “Khi con người ta vẫn còn trên đời, tưởng rằng mình còn nhiều thời gian, nhiều cơ hội. Thực ra, cuộc đời là một phép trừ, gặp nhau một lần, là ít đi một lần”. Tôi nghĩ, phép trừ ấy cũng là một điều tuyệt diệu mà cuộc sống ban tặng cho con người. Và tôi mong muốn được trừ đi nhiều lần trong đời. Tôi đã lựa chọn phép trừ của mình là viết, viết để gặp gỡ với nhiều tâm hồn, để tri ân độc giả. Nghề dạy học cho tôi cơ hội được giao tiếp, đồng điệu với học sinh qua văn chương và tiếp một phần động lực để các bạn có thể chinh phục ước mơ của mình.
- Hà Linh có điều gì gửi gắm đến các bạn đồng trang lứa nói chung, những người trẻ yêu văn chương nói riêng?
- Tôi nghĩ rằng, những người trẻ yêu văn chương nói riêng và các bạn đang trên hành trình chinh phục con đường riêng của mình nói chung, để đạt được những thành tựu thì trước tiên, chúng ta phải “dám”. Đó là dám dấn thân cho ước mơ, dám chọn một lối đi “không có dấu chân người”, dám khẳng định giá trị vốn có và riêng biệt của mình... Khi các bạn đang theo đuổi đam mê, đang trên hành trình hiện thực hóa ước mơ thì đó đã là một sự thành công nhất định. Mỗi thành tựu mà các bạn đạt được dù lớn hay nhỏ đều đáng được ghi nhận. Vì thế, tôi và các bạn nên tự tin, vững bước trên hành trình mình đã chọn.
- Xin cảm ơn Hà Linh!
Tây Long (thực hiện)