Hội thảo khoa học Hà Tĩnh chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh để phát triển bền vững
Sáng 10/8, tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Viện Kinh tế Việt Nam, Nhóm Tư vấn phát triển bền vững Hà Tĩnh tại Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học 'Hà Tĩnh chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh để phát triển bền vững, thịnh vượng và an toàn trong bối cảnh mới'.
Các đồng chí: Hoàng Trung Dũng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Võ Trọng Hải - Chủ tịch UBND tỉnh; GS.TS. NGND Mai Trọng Nhuận – nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội - Trưởng nhóm Tư vấn; GS.TS Trần Đình Hòa - Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam; PGS.TS Trần Đình Thiên – thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chủ trì buổi làm việc.
Hội thảo có sự tham dự của Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Lê Xuân Sang; Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Nguyễn Thanh Bình; Chủ tịch Hội đồng hương Hà Tĩnh tại Hà Nội Đặng Quốc Tiến; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý; các thành viên Nhóm Tư vấn phát triển bền vững Hà Tĩnh tại Hà Nội.
Về phía tỉnh Hà Tĩnh có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng, các đồng chí ủy viên BTV Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương, Hội Khoa học Kinh tế tỉnh, hiệp hội, hội doanh nghiệp, các nhà đầu tư.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải nhấn mạnh: Thời gian qua, Hà Tĩnh đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển KT-XH, đạt kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Quy mô nền kinh tế thuộc nhóm khá cả nước, một số dự án công nghiệp lớn như thép, điện… đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế quốc gia. Tỉnh xác định chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển KT-XH. Tuy vậy, Hà Tĩnh cũng như các địa phương khác đang đứng trước áp lực rất lớn trong việc đảm bảo hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường.
Hội thảo góp phần cung cấp các cơ sở khoa học vững chắc để tỉnh thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế, sắp xếp không gian phát triển cho các ngành trọng điểm, các trung tâm đô thị, các trung tâm động lực tăng trưởng; nghiên cứu các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tận dụng thành quả của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Tại hội thảo, đại biểu được nghe 15 tham luận, ý kiến phát biểu chuyên sâu của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý về mục tiêu tăng trưởng xanh cho Hà Tĩnh trên các lĩnh vực. Các tham luận phác họa bức tranh tổng thể về tầm quan trọng của chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh để phát triển bền vững; đi sâu vào phân tích xu hướng chuyển đổi xanh trên thế giới, Việt Nam, đưa ra khuyến nghị đối với Hà Tĩnh.
Các tham luận tập trung vào các chủ đề: phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh và một số gợi ý xây dựng mô hình du lịch xanh tại Hà Tĩnh; chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, những vấn đề đặt ra cho Hà Tĩnh; chính sách và công nghệ năng lượng sạch hướng tới phát thải ròng bằng zero và nhận định về năng lượng của Hà Tĩnh; Metabolism đô thị đến đô thị bền vững và chiến lược phát triển các thành phố xanh ở Hà Tĩnh; khai thác và quản lý bền vững tài nguyên địa chất: sự tất yếu cho một nền kinh tế xanh và tuần hoàn của Hà Tĩnh; trồng rừng bản địa - tiềm năng lớn về kinh tế xanh của Hà Tĩnh...
Thực hiện cam kết của Chính phủ và trong xu hướng chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh của thế giới, khu vực, tỉnh Hà Tĩnh là một trong những địa phương sớm ban hành kế hoạch hành động tăng trưởng xanh cấp tỉnh.
Theo đó, ngày 2/4/2024, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 778/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh đến năm 2030, nêu rõ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và phân công trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị thực hiện.
Trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Tĩnh cũng xác định phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững là mục tiêu chiến lược lâu dài với quan điểm chủ đạo: “Phát triển KT-XH Hà Tĩnh theo hướng xanh và bền vững, trong đó lấy con người làm trung tâm, khoa học công nghệ làm nền tảng, là động lực phát triển. Tận dụng tốt nhất cơ hội của cách mạng 4.0”.
Từ những cơ chế, chính sách của Trung ương và sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương, Hà Tĩnh đã bước đầu đạt được một số kết quả nhất định trong phát triển kinh tế xanh, trên các khía cạnh: phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh, thu hút các dự án năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, thủy điện nhỏ); du lịch biển, sinh thái; nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn và bảo tồn rừng tự nhiên, hệ sinh thái và trồng rừng...
Nhằm đẩy mạnh tăng trưởng xanh, phát triển xanh để phát triển bền vững, mục tiêu của Hà Tĩnh giai đoạn tới là: chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Xây dựng lối sống xanh kết hợp với nếp sống đẹp truyền thống để tạo nên đời sống chất lượng cao hòa hợp với thiên nhiên. Thực hiện đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững. Nâng cao chất lượng cuộc sống và khả năng chống chịu của người dân với biến đổi khí hậu, đảm bảo bình đẳng về điều kiện, cơ hội phát huy năng lực và thụ hưởng thành quả của sự phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi xanh.