Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Sáng nay 14/7, tại TP. Đông Hà, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội nghị Phát triển GD&ĐT vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển KT - XH và bảo đảm QP - AN vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tham dự hội nghị có: UVTƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; đại diện một số bộ, ngành trung ương và lãnh đạo 14 tỉnh, thành phố vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ. Về phía tỉnh Quảng Trị có: UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Quang Tùng; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn báo cáo tóm tắt tình hình phát triển GD&ĐT vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ giai đoạn 2011 - 2021 và nhiệm vụ, giải pháp phát triển GD&ĐT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và của Bộ GD&ĐT trong lĩnh vực GD&ĐT phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương. Một số địa phương đã có các chính sách đặc thù tạo chuyển biến tích cực về quy mô và chất lượng giáo dục; hiệu quả giáo dục chuyển biến mạnh mẽ, góp phần đáp ứng yêu cầu nhân lực phục vụ cho phát triển KT-XH của vùng.
Các chính sách phát triển nguồn nhân lực, công tác xóa mù chữ, nhất là cho đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm đẩy mạnh. Đã tập trung quan tâm tới các đối tượng người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng KT-XH đặc biệt khó khăn và các đối tượng thiệt thòi khác, góp phần quan trọng nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, giảm nghèo đối với vùng dân tộc thiểu số, miền núi.
Hệ thống trường lớp học được củng cố, mở rộng và phân bố đều đến hầu hết các địa bàn từ nội thành đến ngoại thành, từ thành thị đến vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện cho trẻ trong độ tuổi giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đều được đi học và đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân. Năm học 2021 - 2022, toàn vùng có 12.322 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tăng cả về số lượng và chất lượng, với cơ cấu ngày càng hợp lý. Tổng số giảng viên của vùng là 10.080 giảng viên. Quy mô đào tạo đại học và sau đại học ổn định và tăng dần qua các năm, đáp ứng cơ bản nhu cầu nguồn nhân lực cho phát triển KT-XH của vùng.
Công tác xã hội hóa giáo dục tiếp tục phát huy có hiệu quả, thu hút nhiều nguồn lực trong xã hội, cộng đồng chăm lo cho giáo dục. Mạng lưới các cơ sở giáo dục ngoài công lập phát triển nhanh, đều khắp các địa phương, góp phần thúc đẩy việc áp dụng những cách tiếp cận giáo dục tiên tiến của thế giới, nâng cao chất lượng giáo dục đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Phát biểu chào mừng và tham luận tại hội nghị, thay mặt Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Trị, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng thông tin về một số kết quả nổi bật trên các lĩnh vực KT-XH của tỉnh. Đối với lĩnh vực GD&ĐT thường xuyên được quan tâm và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Quy hoạch mạng lưới trường, lớp học, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS đã giúp giảm các trường học có quy mô nhỏ và các điểm trường lẻ, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.
Cơ sở vật chất trường học được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp khang trang, sạch đẹp, trang thiết bị dạy học được bổ sung đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý được quan tâm đầu tư, phát triển cả về số lượng và chất lượng, từng bước đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục.
Chất lượng giáo dục được nâng cao. Qua các kỳ thi tốt nghiệp THPT, điểm bình quân đỗ tốt nghiệp THPT của học sinh liên tục tăng, đạt tỉ lệ 93,54%. Kết quả chất lượng học sinh giỏi cấp quốc gia ổn định và tăng cao qua từng năm; nhiều học sinh đã xuất sắc đoạt huy chương trong các kỳ Olympic quốc tế, khu vực. Từ năm 2015 đến nay, có 4 học sinh đã mang Cầu truyền hình VTV3 về Quảng Trị, trong đó có 2 học sinh giành ngôi vị Quán quân và 1 học sinh giành ngôi vị Á quân Cuộc thi Chung kết Đường lên đỉnh Olympia.
Chú trọng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực GD&ĐT với các nước có quan hệ truyền thống, các nước có nền giáo dục tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Tỉnh Quảng Trị đã thực hiện cử giáo viên sang giảng dạy tiếng Việt tại tỉnh Savannakhet (Lào) cho kiều bào.
Bên cạnh kết quả đạt được, ngành GD&ĐT Quảng Trị vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, tỉnh kiến nghị Bộ GD&ĐT và các bộ, ngành liên quan một số nội dung như: Tham mưu Chính phủ về tiếp tục chỉ đạo quy hoạch tổng thể từ giáo dục mầm non, phổ thông đến giáo dục đại học.
Tiếp tục đầu tư và tăng tỉ trọng ngân sách chi cho giáo dục để phát triển giáo dục trong thời gian tới tương xứng với quy mô, nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu định hướng về nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên các nguồn lực đầu tư của trung ương cho các tỉnh còn khó khăn, chưa cân đối được ngân sách của địa phương.
Tham mưu Chính phủ về việc tinh giản biên chế một cách phù hợp, đồng thời tiếp tục đề xuất bố trí đủ định mức giáo viên để đảm bảo chất lượng giáo dục. Quan tâm phát triển cơ sở đào tạo đại học tại địa phương, thống nhất chủ trương thành lập trường đại học tại Quảng Trị trực thuộc Đại học Huế, trên cơ sở sáp nhập Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị với Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị. Kiến nghị Bộ Quốc phòng, Quân khu 4 cho phép xây dựng Trung tâm Giáo dục QP-AN trực thuộc Đại học Huế tại Quảng Trị để giáo dục quốc phòng cho sinh viên các trường thuộc Đại học Huế.
Tại hội nghị, lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương và các tỉnh, thành phố, các trường đại học tập trung thảo luận một số vấn đề như: thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường theo định hướng XHCN và hội nhập quốc tế; các chính sách phát triển nguồn nhân lực, công tác xóa mù chữ, nhất là cho đồng bào dân tộc thiểu số; học sinh, sinh viên còn gặp nhiều khó khăn cần sự hỗ trợ, giúp đỡ; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học theo hướng hiện đại; đẩy mạnh chuyển đổi số…
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Hội nghị phát triển GD&ĐT vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ có ý nghĩa hết sức quan trọng để nhận diện và đánh giá đúng thực trạng GD&ĐT. Từ đó, xác định các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm phát triển mạnh mẽ GD&ĐT của vùng trong thời gian tới.
Đây cũng là dịp để Bộ GD&ĐT cùng với các bộ, ngành trung ương và các địa phương thảo luận, nhận diện bức tranh giáo dục của vùng hiện nay; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về những việc đã làm được trong thời gian qua, trên cơ sở đó đề ra các giải pháp phát triển GD&ĐT vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm cao qua các tham luận trình bày tại hội nghị, đồng thời tiếp nhận những kiến nghị, đề xuất để sớm đưa ra các giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả nhằm phát triển GD&ĐT của vùng trong thời gian tới.
Đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong vùng tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt đến GD&ĐT. Trong đó, cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh các cơ chế, chính sách mang tính tích hợp, đột phá phát triển giáo dục; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa giáo dục mũi nhọn và giáo dục đại trà, ưu tiên phổ cập giáo dục, nâng cao dân trí; quan tâm bố trí nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học theo hướng hiện đại.
Chú trọng hơn nữa đến chất lượng giáo dục ở miền núi, biên giới, hải đảo cũng như hỗ trợ cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện thuận lợi đến trường; đối với những học sinh khuyết tật cần quan tâm nhiều hơn để các em có điều kiện học tập, hòa nhập cộng đồng. Quan tâm đến việc bảo đảm số lượng, chất lượng giáo viên. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, trong dạy học.
Huy động mọi nguồn lực xã hội nhằm phát triển phong trào khuyến học, khuyến tài tại địa phương, phát huy vai trò của các tổ chức khuyến học, xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập, đơn vị học tập. Công tác chăm sóc sức khỏe, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo an toàn về thể chất và tinh thần, phòng tránh tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ cần tiếp tục quan tâm thực hiện tốt hơn nữa.
Bên cạnh đó, cần chú trọng công tác phối hợp với lực lượng vũ trang để tổ chức thêm nhiều lớp dạy học ở vùng khó khăn, nhất là công tác xóa mù chữ, hỗ trợ cho học sinh đến trường.