Hội nghị đóng góp ý kiến của Đại biểu Quốc hội trẻ vào Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIV
Sáng 22/6, tại Nhà Quốc hội, Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ tổ chức Hội nghị đóng góp ý kiến của Đại biểu Quốc hội trẻ vào Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIV.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh, Chủ tịch Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ Nguyễn Anh Tuấn đồng chủ trì Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh, Chủ tịch Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh, việc tham gia góp ý vào văn kiện Đại hội Đảng là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, thể hiện tinh thần trách nhiệm, trí tuệ và khát vọng cống hiến của mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là các đại biểu Quốc hội trẻ. Hội nghị cũng là diễn đàn để mỗi đại biểu Quốc hội trẻ thể hiện tinh thần trách nhiệm cao nhất trước Đảng, trước Quốc hội, trước Nhân dân; đồng thời khẳng đinh vai trò của lực lượng đại biểu Quốc hội trẻ trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh, Chủ tịch Nhóm ĐBQH trẻ phát biểu khai mạc
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng đánh giá cao sáng kiến của Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ khi tổ chức Hội nghị này. Nhấn mạnh, văn kiện là văn bia để đời, các văn kiện trình ra Đại hội XIV của Đảng vừa mang tính lý luận nhưng cũng thể hiện tính hành động, thực tiễn cao. Văn kiện phải được biên soạn gọn gàng, khúc chiết, chặt chẽ, dễ làm, dễ nhớ. Trong đó, từng chữ, từng câu được chắt lọc, gọt giũa kỹ lưỡng, cẩn trọng để triển khai, thực hiện. Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng cho biết, một điểm khác biệt là các quyết sách thực hiện ngay trước thềm Đại hội là cơ sở bổ sung, hoàn thiện văn kiện để sau đó tiếp tục thực hiện chứ không chờ sau Đại hội mới quán triệt rồi xây dựng kế hoạch triển khai.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, một trong những thành tựu nổi bật sau 40 năm đổi mới là nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện nghiêm cẩn tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, độc lập dân tộc và tự do, hạnh phúc của Nhân dân. Điều này được thực hiện xuyên suốt trong mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Do đó, cần khẳng định lựa chọn về xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình của Việt Nam với người dân là trung tâm bao trùm, bền vững, không để ai bỏ lại phía sau. Đây là yếu tố quyết định rất lớn trong tầm nhìn dài hạn.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng chia sẻ một điểm rất mới về quan điểm chỉ đạo, đó là xác định là kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường là trung tâm thay vì trước đây chỉ coi kinh tế-xã hội là trung tâm. Điều này có tác động lớn đến định hướng ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý môi trường và đảm bảo phát triển bền vững. Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nêu rõ, quan điểm phát triển của nước ta là nhanh và bền vững. Tuy nhiên, điểm mới ở đây là phải ổn định, ổn định để phát triển và phát triển đảm bảo ổn định, bền vững, lâu dài.
“Đây là nguyên tắc đặc trưng của con đường phát triển Việt Nam. Lần này khẳng định ngay trong văn kiện. Phát triển nhanh, bền vững là xuyên suốt, trọng tâm là kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường. Bảo vệ môi trường mặc dù đã triển khai nhiều nhưng trở thành quan điểm phát triển để chỉ đạo thì rất mới”, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng chia sẻ.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cũng cho hay, Dự thảo văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng xác định, quốc phòng an ninh là trọng yếu, thường xuyên nhưng phải gắn với đối ngoại. Đối ngoại không chỉ là việc của giới ngoại giao, những người làm công tác đối ngoại mà là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, huy động, phân bổ nguồn lực lấy bên ngoài phục vụ bên trong. Bên cạnh những khái niệm quen thuộc như ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa,... có thêm ngoại giao công nghệ. Bởi nếu không có thành tựu khoa học công nghệ sẽ khó thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao, đối diện với nguy cơ tụt hậu so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIV được chuẩn bị nghiêm túc, công phu, có nhiều điểm mới. Đặc biệt, ngoài 3 báo cáo như thường lệ, Đại hội XIV của Đảng sẽ có Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam. Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, việc tham gia góp ý của các đại biểu Quốc hội trẻ không chỉ đơn thuần là đóng góp trí tuệ xây dựng văn kiện mà còn là dịp để nâng cao nhận thức, hiểu biết, thấm nhuần quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng. Bởi, văn kiện Đại hội Đảng là công trình kết tinh trí tuệ tập thể của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đã góp ý các vấn đề liên quan đến chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Trong đó, cần rà soát về tốc độ tăng năng suất lao động, chỉ số phát triển con người (HDI); tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ; tiêu chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025; tính logic giữa thu nhập bình quân và chuẩn nghèo; tính thống nhất trong mục tiêu giảm nghèo...

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại Hội nghị
Trình bày tham luận góp ý kiến vào Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIV, các đại biểu Quốc hội trẻ đã nêu lên những ý kiến thẳng thắn, khoa học, tâm huyết, vừa có tính bao quát vừa đi vào giải pháp cụ thể đối với các vấn đề quan trọng, cấp bách.
Về tổng thể, các đại biểu cho rằng, dự thảo các văn kiện đã nêu bật lên những kết quả rất đáng tự hào, thể hiện ý chí bền bỉ, tự lực, tự cường, tự tin của toàn Đảng, toàn dân, đặc biệt là minh chứng cho sự đúng đắn, kịp thời của các chủ trương, đường lối, chính sách lãnh đạo của Đảng trên mọi lĩnh vực, phương diện của đất nước. Dự thảo các văn kiện ngắn gọn, dễ hiểu, phản ánh đầy đủ tình hình phát triển kinh tế - xã hội đất nước, có nhận định, dự báo tình hình trong nước, quốc tế, từ đó đưa ra định hướng phát triển đất nước trong những năm tới.

Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh chụp ảnh cùng các đại biểu tham dự Hội nghị
Các đại biểu Quốc hội trẻ đã trình bày một số tham luận góp ý như: Nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trong nền chính trị thế giới, kinh tế toàn cầu và văn minh nhân loại; Đẩy mạnh ngoại giao toàn diện phục vụ phát triển, trọng tâm là ngoại giao kinh tế; Ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột, mất an ninh trật tự, từ sớm, từ xa; Khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=94713