Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh thông qua Nghị quyết đầu tư xây dựng Vành đai 4

Kỳ họp lần thứ 22 Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa X vừa kết thúc, đã thông qua Nghị quyết đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh.

Đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 159,31km đi qua 5 địa phương.

Đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 159,31km đi qua 5 địa phương.

Đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 159,31km đi qua 5 địa phương: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An và Bà Rịa-Vũng Tàu, với tổng mức đầu tư 120.412,55 tỷ đồng (không bao gồm đoạn đi qua tỉnh Bình Dương), đáp ứng nhu cầu vận tải liên vùng.

Cụ thể, Bà Rịa-Vũng Tàu 18,23km; Đồng Nai 46,08km; Thành phố Hồ Chí Minh 20,5km; Long An 74,5km. Đoạn đi qua tỉnh Bình Dương dài khoảng 47,95km triển khai đầu tư độc lập theo chủ trương đầu tư dự án đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương thông qua.

Điểm đầu của Vành đai 4 giao với ngã tư Tóc Tiên-Châu Pha (khu vực nút giao với cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu và đường tỉnh ĐT992, cách đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu khoảng 230m); điểm cuối giao với đường trục Bắc-Nam tại khu vực cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh).

Theo Nghị quyết này, tổng mức đầu tư dự kiến giai đoạn phân kỳ (giai đoạn 1) của dự án khoảng 120.412,55 tỷ đồng (không bao gồm đoạn đi qua tỉnh Bình Dương). Nguồn vốn từ ngân sách nhà nước khoảng 69.780,33 tỷ đồng (chiếm 57,95%), trong đó, vốn Trung ương 29.576,61 tỷ đồng (24,56%), vốn địa phương 40.203,72 tỷ đồng (33,34%); Vốn BOT khoảng 50.632,22 tỷ đồng (chiếm 42,05%).

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường cho biết, Đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh có vai trò liên kết vùng, thúc đẩy đô thị hóa, phát triển kinh tế-xã hội; là trục xuyên tâm đi qua các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu và là tuyến vành đai cao tốc đô thị của Thành phố Hồ Chí Minh.

Thành phố Hồ Chí Minh xác định, việc đầu tư khép kín Vành đai 4 là cần thiết vì Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thông qua Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030, trong đó xác định một trong ba đột phá chiến lược là “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn".

Đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh còn đáp ứng nhu cầu vận tải liên vùng. Qua cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương nối với các tỉnh Tây Nam Bộ; qua cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài nối với Campuchia; qua cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây nối Nam Trung Bộ; qua cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành kết nối với Vùng Tây Nguyên.

QUÝ HIỀN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/hoi-dong-nhan-dan-tp-ho-chi-minh-thong-qua-nghi-quyet-dau-tu-xay-dung-vanh-dai-4-post873691.html