Học 2 buổi/ngày: Giải bài toán thiếu giáo viên

Tính đến hết học kỳ I năm học 2024 - 2025, cả nước thiếu hơn 120.000 giáo viên mầm non, phổ thông công lập. Khi triển khai học 2 buổi/ngày đối với cấp THCS, con số này sẽ tiếp tục tăng lên trong khi 60.000 biên chế đã được giao cho các địa phương cũng chưa tuyển dụng được.

Chỉ tiêu nhiều, tuyển dụng chẳng bao nhiêu

Ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo - GDĐT) cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên dù còn tới 59.000 chỉ tiêu biên chế chưa tuyển dụng. Trong đó, hầu hết các địa phương đều thiếu giáo viên cục bộ, nhất là giáo viên dạy các môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 gồm Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật.

Triển khai dạy học 2 buổi/ngày trong khi đội ngũ giáo viên chưa đảm bảo về số lượng là một thách thức lớn đối với các nhà trường. Ảnh: Quang Vinh

Triển khai dạy học 2 buổi/ngày trong khi đội ngũ giáo viên chưa đảm bảo về số lượng là một thách thức lớn đối với các nhà trường. Ảnh: Quang Vinh

Đại diện ngành giáo dục Bắc Giang cho biết năm học 2024 - 2025, toàn ngành thiếu 752 giáo viên so với biên chế được giao, trong đó THCS thiếu 319 giáo viên. Từ năm học sau áp dụng học 2 buổi/ngày ở cấp THCS, con số này sẽ tiếp tục tăng lên.

Ghi nhận tại tỉnh Thanh Hóa, những năm gần đây, địa phương luôn phải đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên diễn ra tại tất cả các huyện, thị, thành phố, ở tất cả các cấp học. Để đảm bảo yêu cầu của Chương trình GDPT 2018, nhiều trường đã phải hợp đồng với giáo viên ngoài biên chế. Như năm học 2024 -2025, Thanh Hóa đang có 2.325 lao động hợp đồng làm giáo viên, thời hạn hợp đồng đến ngày 31/5/2025. Nhờ đó góp phần khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, đảm bảo thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng có nguồn tuyển lao động hợp đồng nên phải linh hoạt áp dụng nhiều giải pháp khác nhau như dạy học trực tuyến, rà soát điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu, dạy liên trường… đối với những môn học thiếu giáo viên. Khi triển khai dạy học 2 buổi/ngày tức là tăng số tiết học trong khi đội ngũ giáo viên chưa đảm bảo về số lượng sẽ là một thách thức lớn đối với các địa phương, nhà trường. Đặc biệt, đối với một số môn học còn thiếu nhiều giáo viên, các địa phương cả ở miền núi và các thành phố lớn cũng không có nguồn tuyển vì người đủ yêu cầu về bằng cấp thì không ứng tuyển trong khi nhiều người có chuyên môn thì không đáp ứng yêu cầu về bằng cấp. Đơn cử như tại TPHCM, nhiều vị trí giáo viên Tin học, Tiếng Anh có lúc không ai nộp hồ sơ hoặc có trường hợp đã trúng tuyển nhưng không nhận việc.

Không vì sắp xếp bộ máy mà để thiếu giáo viên

Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện về việc bảo đảm biên chế giáo viên mầm non, phổ thông. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ GDĐT phối hợp với Bộ Nội vụ rà soát, đôn đốc việc tuyển dụng giáo viên của các địa phương để đảm bảo tuyển dụng hết số biên chế đã được giao. Cùng với đó, tiếp tục rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền bổ sung biên chế giáo viên mầm non, phổ thông còn thiếu so với định mức quy định của ngành giáo dục.

Tiết học tại Trường THCS Thanh Xuân (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Ảnh: NTCC

Tiết học tại Trường THCS Thanh Xuân (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Ảnh: NTCC

Nghiên cứu, có giải pháp phù hợp, hiệu quả khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, bảo đảm dạy học 2 buổi/ngày; không vì việc sắp xếp, tổ chức bộ máy mà để xảy ra tình trạng thiếu giáo viên, ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nội vụ kiểm tra, đôn đốc địa phương thực hiện tuyển dụng giáo viên theo biên chế được giao, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên của các cơ sở giáo dục, bảo đảm nguyên tắc “có học sinh phải có giáo viên đứng lớp” nhưng phải phù hợp thực tiễn địa phương và hiệu quả trong việc bố trí.

Các địa phương cần có giải pháp đồng bộ, hiệu quả để tuyển đúng và tuyển đủ giáo viên theo số biên chế được giao. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng có biên chế nhưng không tuyển dụng. Trường hợp thiếu giáo viên, cần kịp thời ký hợp đồng giảng dạy theo đúng quy định để bổ sung. Đồng thời, xem xét, ưu tiên tuyển dụng hoặc ký hợp đồng với những giáo viên đã từng giảng dạy theo hợp đồng tại các cơ sở

Bên cạnh yêu cầu tuyển đúng, tuyển đủ, giải pháp để gỡ khó về nguồn tuyển cũng đang được tính đến. Cụ thể, Quốc hội đang dự thảo nghị quyết về thí điểm tuyển người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học theo Chương trình GDPT 2018. Theo đó, các trường cấp 1, 2 công lập có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng dạy Tiếng Anh, Tin học, Công nghệ, Nghệ thuật (Mỹ thuật, Âm nhạc), thay vì phải đại học; Bộ GDĐT hướng dẫn quy trình cho người tốt nghiệp đại học ở các ngành khác, được học chuyển đổi để trở thành giáo viên. Đồng thời, các địa phương cần có cơ chế, chính sách thu hút giáo viên về công tác, đặt hàng đào tạo, tăng cường bồi dưỡng giáo viên.

Một tin vui khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, cơ quan chuyên môn cấp tỉnh là Sở GDĐT được quyền tuyển dụng, sắp xếp, điều động, biệt phái, phát triển đội ngũ nhà giáo thống nhất trên toàn tỉnh theo Công văn số 1581 do Bộ GDĐT gửi UBND cấp tỉnh. Việc này được kỳ vọng sẽ đảm bảo sự đồng bộ, nâng cao hiệu quả quản lý giáo dục, đặc biệt trong việc bố trí, điều phối và phát triển đội ngũ giáo viên một cách đồng bộ và thống nhất.

Bộ Nội vụ cho biết, việc xây dựng phương án tinh giản 20% biên chế đến năm 2030 không áp dụng đối với viên chức đang làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành giáo dục và y tế. Tuy nhiên, ngành giáo dục và y tế vẫn được định hướng cơ cấu lại đội ngũ để nâng cao chất lượng. Việc này bao gồm rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, loại bỏ vị trí việc làm không còn phù hợp hoặc chồng chéo, và áp dụng hợp đồng theo vị trí việc làm với tiêu chí đầu vào rõ ràng hơn.

Tuy nhiên, về lâu dài, các chuyên gia cho rằng, ngành GDĐT cần được trao quyền tuyển dụng giáo viên để không chỉ gỡ nút thắt thiếu giáo viên mà còn tăng cường gắn kết chặt chẽ giữa các khâu đào tạo - tuyển dụng và sử dụng giáo viên. Dự thảo Luật Nhà giáo đề xuất phân cấp mạnh hoặc trực tiếp cho cơ sở giáo dục hoặc cho cơ quan quản lý giáo dục quyền tuyển dụng giáo viên. Cụ thể, với những trường ở nơi thuận lợi, có năng lực có thể mạnh dạn phân cấp, giao quyền tuyển dụng; còn trường ở khu vực khó khăn, miền núi cần linh hoạt hơn.

Cùng với việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật nhằm nâng cao vị thế của nhà giáo, cần tăng cường các chính sách đãi ngộ, tuyển dụng, sử dụng, quản lý, tôn vinh, khen thưởng... để thu hút và giữ chân nhà giáo yên tâm gắn bó với nghề. Thực tế cho thấy các chính sách ưu tiên dành cho sinh viên sư phạm, các thay đổi về tiền lương cơ bản… được thực hiện thời gian qua đã tác động tích cực đến việc lựa chọn theo học ngành Sư phạm của học sinh, điển hình là năm 2024, số nguyện vọng đăng ký vào ngành sư phạm tăng 85% so với năm 2023; trong khi chỉ tiêu được giao giảm mạnh. Điều này đẩy mức điểm chuẩn vào nhiều nhóm ngành đào tạo sư phạm năm 2024 tăng từ vị trí top 2, 3 ở những năm trước đã vươn lên top đầu, tương đương với chất lượng đầu vào được tăng lên.

Về phía các địa phương cũng cần chủ động vào cuộc, thu hút tuyển dụng giáo viên cũng như các phương án khác. Đơn cử như tại Sơn La, một trong những giải pháp cho các môn học còn thiếu giáo viên đó là phối hợp với cơ sở giáo dục đại học tổ chức bồi dưỡng giáo viên tiểu học dạy Tin học và Công nghệ theo chương trình bồi dưỡng của Bộ GDĐT. Đồng thời, tiếp tục tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên THCS dạy học tích hợp liên môn theo Chương trình GDPT 2018 đối với môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý. Hay như tỉnh Thanh Hóa tính toán năm học 2025 – 2026 sắp tới thiếu 12.379 giáo viên. Vừa qua, ngày 9/5/2025, Sở GDĐT Thanh Hóa đã lập tờ trình đề xuất UBND tỉnh giao số lượng lao động hợp đồng làm giáo viên năm học 2025-2026 với 3840 chỉ tiêu, tương ứng 30% số lượng còn thiếu.

Theo GS.TS Nguyễn Mậu Bành - Chủ tịch Hội Cựu Giáo chức Việt Nam, chủ trương trường tiểu học, THCS tổ chức dạy học 2 buổi/ngày là đúng đắn song cần có lộ trình thực hiện từng bước rõ ràng, cụ thể vì hiện nhiều trường trong nội thành Hà Nội thiếu phòng học trong khi đối với nhiều lớp học ở vùng sâu, vùng xa thì thiếu giáo viên.

Bên cạnh vai trò của Nhà nước đầu tư là chính, cần khuyến khích xã hội hóa để sớm thực hiện đồng bộ trên khắp cả nước, đảm bảo cơ hội tiếp cận giáo dục bình đẳng cho mọi học sinh. Phải đảm bảo việc học buổi 2 không tăng thêm áp lực cho học sinh với các tiết học về văn hóa, nghệ thuật, kỹ năng sống… vừa bảo đảm cho học sinh phát triển toàn diện, vừa khuyến khích năng lực, sở trường của từng em.

Thu Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/hoc-2-buoi-ngay-giai-bai-toan-thieu-giao-vien-10306009.html