Hoàn thiện chính sách, pháp luật về doanh nghiệp dân tộc
Nghị quyết số 41-NQ/TW đưa ra yêu cầu 'có chính sách đột phá để hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc'. Các doanh nhân Việt Nam bày tỏ sự thích thú với thuật ngữ 'doanh nghiệp dân tộc'; khẳng định niềm tự hào khi là doanh nghiệp dân tộc và mong muốn sớm có những chính sách cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp dân tộc...
Thuật ngữ “doanh nghiệp dân tộc” đã xuất hiện từ lâu. Tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XII, thuật ngữ này đã được nhắc tới. Từ đó đến nay, thuật ngữ “doanh nghiệp dân tộc” thi thoảng vẫn được đưa ra tại các diễn đàn như một cách nói về doanh nghiệp Việt Nam. Mới đây, thuật ngữ “doanh nghiệp dân tộc” đã chính thức được đưa vào nghị quyết của Đảng.
Cụ thể, Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10-10-2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới nêu rõ yêu cầu: “Có chính sách đột phá để hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu”.
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh, qua rà soát, Bộ Tư pháp nhận thấy, yêu cầu về xây dựng chính sách đột phá để hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc tại Nghị quyết số 41-NQ/TW vẫn chưa được cụ thể hóa.
Ngay cả khái niệm thế nào là doanh nghiệp dân tộc cũng chưa được đưa ra trong một văn bản chính thức nào, hay chí ít là tiêu chí nào để xác định một doanh nghiệp là doanh nghiệp dân tộc. Do vậy, Tọa đàm “Hoàn thiện chính sách, pháp luật về doanh nghiệp dân tộc tại Việt Nam” đã thu hút sự quan tâm, tham dự của rất nhiều học giả, chuyên gia, nhà nghiên cứu, giới luật sư, các nhà quản lý và giới doanh nhân Việt Nam.
Trao đổi quan điểm về khái niệm “doanh nghiệp dân tộc”, bà Đỗ Thị Kim Liên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty AquaOne cho rằng, doanh nghiệp dân tộc không cốt ở quy mô lớn hay nhỏ, mà then chốt là doanh nghiệp đó phải đặt lợi ích của dân tộc, lợi ích của cộng đồng lên trên lợi ích của doanh nghiệp.
Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Á Đại Thành Phạm Minh Đức nêu quan điểm, có nhiều doanh nghiệp thành lập ra chỉ nhằm tới mục tiêu lợi nhuận, nhưng cũng có doanh nghiệp đặt lý tưởng, sự đồng hành với dân tộc lên trên. “Nếu như một doanh nghiệp, một cá nhân có một số tài sản nhất định, họ sẽ không còn lăn tăn đến chuyện kiếm tiền. Nhưng vì lý tưởng, họ sẵn sàng lăn xả vào công việc. Cũng như người lao động, có người đi làm để nhận lương, có người đi làm vì sự nghiệp. Khi vì sự nghiệp, họ có thể đồng hành bền bỉ với doanh nghiệp mà không cân đo lợi ích. Doanh nghiệp dân tộc phải có lý tưởng đồng hành với dân tộc”, ông Phạm Minh Đức nói.
TS Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển thị trường tài chính và bất động sản toàn cầu có một góc nhìn khác: Doanh nghiệp dân tộc cần bao hàm cả một thành phần quan trọng khác là doanh nghiệp của người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài. “Ở một khía cạnh khác trong hội nhập quốc tế, chúng ta bước vào kỷ nguyên vươn mình-vươn mình ở sân chơi quốc tế. Một thành phần của dân tộc rất quan trọng là người Việt sinh sống ở nước ngoài. Đây là lực lượng rất đáng kể. Tôi đề nghị Chính phủ, Bộ Tư pháp có các chương trình để người Việt hội nhập nhiều hơn với quốc gia”, TS Nguyễn Trí Hiếu nói.
Tuy không nêu quan điểm về nội hàm của “doanh nghiệp dân tộc”, nhưng Anh hùng Lao động Nguyễn Quang Mâu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Gốm Đất Việt, lại bày tỏ sự thích thú với thuật ngữ này. Ông Nguyễn Quang Mâu nhấn mạnh: “Dân tộc ta là dân tộc anh hùng, doanh nghiệp ta cũng phải là doanh nghiệp anh hùng, tự tôn, tự lực, tự cường phát triển, đóng góp cho Tổ quốc. Thuật ngữ “doanh nghiệp dân tộc” là một khái niệm rất tự hào, rất khích lệ với đội ngũ doanh nhân và người lao động”.
Cần có chính sách cụ thể dành cho doanh nghiệp dân tộc
Tuy có cách nhìn nhận khác nhau về nội hàm của thuật ngữ “doanh nghiệp dân tộc” nhưng các diễn giả đều có sự thống nhất rất cao về vai trò của các doanh nghiệp dân tộc trong việc thực hiện các mục tiêu đưa đất nước vươn lên thành nước phát triển, có thu nhập cao như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Để các doanh nghiệp dân tộc có những đóng góp tích cực hơn nữa vào sự vươn mình của dân tộc, các diễn giả đưa ra nhiều đề xuất cụ thể nhằm xây dựng chính sách, pháp luật hỗ trợ các doanh nghiệp dân tộc phát triển.
PGS, TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế đề xuất chính sách bảo lãnh cho các doanh nghiệp dân tộc. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp dân tộc không nên chỉ dành cho các doanh nghiệp lớn, mà cần có biện pháp phù hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là chính sách hỗ trợ với các doanh nghiệp tư nhân, bởi những vai trò rất quan trọng của khối doanh nghiệp này với sự vươn mình của dân tộc.
Cũng nhấn mạnh tới tầm quan trọng của vốn với doanh nghiệp, TS Nguyễn Trí Hiếu nêu kiến nghị cần có chính sách phù hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp dân tộc về vốn; đồng thời phải rà soát thật kỹ các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp để tránh chồng chéo.
Lưu ý tới các nguyên tắc đối xử bình đẳng của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) mà Việt Nam là thành viên, PGS, TS Đinh Dũng Sỹ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, phân tích, việc đưa ra các chính sách đặc thù ưu tiên cho doanh nghiệp dân tộc là hoàn toàn đúng đắn, nhưng phải tuân thủ các nguyên tắc của WTO. Trên cơ sở đó, PGS, TS Đinh Dũng Sỹ đề nghị nghiên cứu dư địa phát triển của chính sách ưu tiên ở một số nội dung cụ thể, như thủ tục thành lập doanh nghiệp; việc tiếp cận nguồn tài nguyên; quy định về thuế; chính sách xuất, nhập khẩu. Ông cũng đề nghị Nhà nước tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp dân tộc về thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế.
Còn TS Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Chiến lược và khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) đề xuất ý tưởng tạo môi trường cho doanh nghiệp dân tộc phát triển. Đó là đẩy mạnh truyền thông để loại bỏ quan điểm chưa công bằng với doanh nghiệp tư nhân; có hành động cụ thể, kế hoạch cụ thể, có đầu mối giao việc cụ thể trong việc hỗ trợ doanh nghiệp dân tộc; phải rà soát, lắng nghe trăn trở của doanh nghiệp để kịp thời phát hiện và thay đổi những “điều chưa ổn”; tạo không gian tự do, rộng mở cho khu vực kinh tế tư nhân; quy định rõ những hành vi bị cấm để tránh rủi ro cho doanh nghiệp; nâng cấp công nghệ; huy động đội ngũ doanh nhân tham gia nhiều hơn vào quy trình xây dựng pháp luật...