Hoàn thiện chiến lược đường sắt đô thị

Phát triển hệ thống đường sắt đô thị không những làm thay đổi diện mạo mà còn đóng góp vào sự phát triển của mỗi quốc gia. Do vậy, việc xây dựng tầm nhìn dài hạn với sự tham gia và đồng thuận của người dân là điều cần làm trước tiên, để hai thành phố Hà Nội và TP.HCM sớm hoàn thành nhiệm vụ về chỉ tiêu đường sắt đô thị tại Việt Nam.

Hội thảo về phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM đã kết thúc sau hơn hai ngày làm việc. Đây là lần đàu tiên, hai thành phố đồng tổ chức một hội thảo có quy mô hơn 200 đại biểu và chuyên gia, nhằm tìm hướng đột phá cho đường sắt đô thị tại Việt Nam.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã nhấn mạnh, cần phải tiếp tục nghiên cứu các giải pháp, hoàn thiện cơ chế, chính sách; tìm hiểu, học tập những kinh nghiệm, phương thức mới, đột phá, nhằm triển khai đồng bộ và sớm hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị, đáp ứng nhu cầu và mong mỏi của người dân hai thành phố.

Gần 400 đại diện đến từ các cơ quan trung ương, địa phương, các tổ chức, cơ quan ngoại giao. Rất nhiều đại biểu là các chuyên gia trong lĩnh vực đường sắt đô thị và giao thông công cộng. Những con số cho thấy sự quan tâm của xã hội đối với lĩnh vực phát triển hệ thống đường sắt đô thị công cộng.

Định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã đề ra mục tiêu hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vào năm 2035.

Trong vòng hơn 10 năm tới, hai thành phố sẽ phải hoàn thành khoảng 200km đường sắt đô thị. Đây thực sự là một thách thức lớn nếu như không có được những cơ chế và chính sách mang tính đột phá. Trong bối cảnh ngành công nghiệp đường sắt đô thị tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, các ý kiến đóng góp tại hội thảo lần này sẽ là nguồn tư liệu có giá trị để các nhà lãnh đạo, hoạch định chính sách tham khảo trong quá trình xây dựng chiến lược.

Nhiều chuyên gia, đại biểu tham dự hội thảo phát triển đường sắt đô thị nhận định, cần hoàn thiện chiến lược phát triển đồng bộ hệ thống đường sắt đô thị xuyên suốt từ bộ máy chính quyền, cơ chế, chính sách đến nhận thức, tổ chức thực hiện; khuyến khích, huy động, đa dạng hóa các nguồn lực để xây dựng, ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao hiệu quả công tác thiết kế cũng như triển khai thực hiện dự án. Nhiều khó khăn, vướng mắc đã được chuyên gia gợi ý giải pháp.

Bên cạnh việc cần có cơ chế phân quyền và hỗ trợ về chính sách, 3 khó khăn lớn trong phát triển đường sắt đô thị đã được chỉ ra. Đó là: Giải phóng mặt bằng, thu hút nguồn lực và thống nhất tiêu chuẩn kỹ thuật. Những giải pháp quan trọng đã được chuyên gia gợi mở.

Phát triển hệ thống đường sắt đô thị không những làm thay đổi diện mạo mà còn đóng góp vào sự phát triển của mỗi quốc gia. Hà Nội và TPHCM cần coi phát triển đường sắt đô thị là ngành đặc biệt chiến lược, không thua kém ngành bán dẫn. Do vậy, việc xây dựng tầm nhìn dài hạn với sự tham gia và đồng thuận của người dân là điều cần làm trước tiên, để hai thành phố sớm hoàn thành nhiệm vụ về chỉ tiêu đường sắt đô thị tại Việt Nam.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/hoan-thien-chien-luoc-duong-sat-do-thi-215324.htm