Hoàn thiện các nghị định về sử dụng khu vực biển và lấn biển

Chiều 19/11, tại tỉnh Quảng Bình, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ TN&MT) tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý về dự thảo Nghị định quy định về thế chấp, cho thuê, góp vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng khu vực biển để nuôi trồng thủy sản; bồi thường khi Nhà nước thu hồi khu vực biển được giao để nuôi trồng thủy sản vì mục đích công cộng, quốc phòng, an ninh và Hồ sơ xây dựng Nghị định về lấn biển.

Cần một hệ thống pháp luật TNMT biển, đảo thúc đẩy nền kinh tế biển phát triển bền vững. Ảnh: vasi.gov.vn

Cần một hệ thống pháp luật TNMT biển, đảo thúc đẩy nền kinh tế biển phát triển bền vững. Ảnh: vasi.gov.vn

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân cho biết, thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ đã chủ trì phối hợp các bộ, ngành Trung ương thành lập ban soạn thảo, tổ biên tập triển khai xây dựng dự thảo Nghị định quy định thế chấp, cho thuê, góp vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng khu vực biển để nuôi trồng thủy sản; bồi thường khi Nhà nước thu hồi khu vực biển được giao để nuôi trồng thủy sản vì mục đích công cộng, quốc phòng, an ninh nhằm cụ thể hóa nội dung quy định tại Khoản 5 Điều 46 và Khoản 3 Điều 47 của Luật Thủy sản năm 2017.

Ngày 30/10 vừa qua Bộ đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý về dự thảo Nghị định này và Hồ sơ xây dựng Nghị định quy định về lấn biển với sự tham gia của gần 60 đại biểu đại diện cho 8 bộ, ngành và Sở TN&MT của 7 tỉnh, thành phố có biển. Bộ TN&MT đã chỉ đạo Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam tiếp thu, bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo.

Dự thảo Nghị định gồm 4 chương, 59 điều, quy định về thế chấp, cho thuê, góp vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng khu vực biển để nuôi trồng thủy sản giữa tổ chức, cá nhân Việt Nam và từ tổ chức, cá nhân Việt Nam cho nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài để nuôi trồng thủy sản; quy định việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi khu vực biển được giao để nuôi trồng thủy sản vì mục đích công cộng, quốc phòng, an ninh.

Dự thảo Nghị định đã kế thừa, tiếp thu các quy định hợp lý, khoa học đã được kiểm nghiệm, chứng minh từ thực tế trong các văn bản quy phạm pháp luật đất đai cùng những quy định khác có liên quan.

Đối với Nghị định về lấn biển, Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho biết, thời gian qua, hoạt động lấn biển đã, đang có chiều hướng ngày càng tăng tại nhiều tỉnh, thành phố có biển. Tuy nhiên, hiện nay nước ta chưa có các quy định của pháp luật về lấn biển đề điều chỉnh các quan hệ xã hội này, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về biển và hải đảo. Do đó, Bộ TN&MT đã báo cáo và được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ để xây dựng Nghị định quy định về lấn biển nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động lấn biển, phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Ngày 12/11 vừa qua, Bộ TN&MT đã ban hành văn bản lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương về hồ sơ xây dựng Nghị định về lấn biển. Việc xây dựng Nghị định này là nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp, đòi hỏi công tác nghiên cứu, điều tra, khảo sát, tổ chức các hội nghị, hội thảo để lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân nhằm nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật.

Nghị định về lấn biển nhằm bảo đảm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng theo quy định của pháp luật. Đồng thời, việc xây dựng Nghị định về lấn biển cũng cần phù hợp với điều kiện thực tế của cuộc sống, góp phần ghi nhận, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khi được Nhà nước giao khu vực biển để khai thác, sử dụng tài nguyên biển.

Tại hội thảo, các đại biểu đại diện các Sở TN&MT, các chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc Sở NN&PTNT một số tỉnh, thành phố có biển ở miền Trung, một số cơ quan, đơn vị và Phòng TN&MT các huyện có biển của tỉnh Quảng Bình đã đóng góp nhiều ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm thực tế để bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách của hai nghị định.

Các ý kiến tập trung vào việc thúc đẩy việc khuyến khích người dân, doanh nghiệp tiến ra biển để nuôi trồng, đánh bắt hải sản trong các vùng biển xa bờ, nuôi trồng ở biển sâu và làm giàu từ biển; góp phần thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/bien-viet-nam/hoan-thien-cac-nghi-dinh-ve-su-dung-khu-vuc-bien-va-lan-bien/414592.vgp