Hoạch định đường dài để mặt hàng trái cây có múi thoát rủi ro bấp bênh

Từ chuyện giá trái cam sành tái diễn tình cảnh rơi xuống mức thấp kỷ lục, đầu ra bấp bênh để thấy đây cũng là bài học chung cho các mặt hàng trái cây có múi. Nhằm tránh điệp khúc 'được mùa mất giá' và đi được đường dài một cách bền vững, đòi hỏi nhóm hàng rau quả này phải tính toán sao cho có thực lực mạnh mẽ hơn và có sự điều chỉnh thích hợp theo chuỗi giá trị.

Ghi nhận ở một số địa phương phía Nam có thế mạnh về trồng cam sành như Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Nai (vốn đang vào mùa thu hoạch rộ) cho thấy mức giá nhà vườn bán ra cho thương lái hiện giảm ở mức kỷ lục, chỉ vào khoảng 2.000 - 4.000 đồng/kg. Và dù có mức giá thảm như vậy nhưng thương lái vẫn thu mua cầm chừng khi sức tiêu thụ ở thị trường nội địa với loại trái có múi vẫn rất chậm.

Bài học từ trái cam sành rớt giá thảm

Xét về tình cảnh rớt giá cam sành hay điệp khúc “được mùa mất giá” của một số loại rau quả khác khiến cho nông dân bấp bênh trong việc tìm đầu ra và trông chờ “giải cứu”, qua trao đổi với VnBusiness, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng “đó là do chúng ta, hãy trồng những gì mà người ta cần chứ không phải bán những gì chúng ta có”.

Các mặt hàng trái cây có múi cần có sự điều chỉnh thích hợp theo chuỗi giá trị để thoát rủi bấp bênh về đầu ra.

Các mặt hàng trái cây có múi cần có sự điều chỉnh thích hợp theo chuỗi giá trị để thoát rủi bấp bênh về đầu ra.

Như với trái cam sành, theo ông Nguyên, đây là mặt hàng chỉ có bán ở thị trường nội địa, còn để xuất khẩu (XK) vẫn rất khó, riêng khâu chế biến lại hạn chế. Điều này có một số nguyên do. Thứ nhất là mẫu mã trái cam sành của chúng ta không đẹp, không hấp dẫn vì sần sùi và “xanh lè”. Trong khi đó, người tiêu dùng nước ngoài vốn “ăn bằng mắt”, khi nhìn vào màu như vậy họ lại cho rằng trái chưa chín, màu sắc trái cam như vậy là không đạt.

Thứ hai là trái cam của nước ngoài ít hạt hoặc không hạt, còn trái cam sành của Việt Nam lại có nhiều hạt. Và xét về công nghệ chế biến cam ở trong nước hiện nay vẫn còn khiếm khuyết. Do giá cam nguyên liệu thiếu ổn định (lúc thấp, lúc cao) nên rất khó để doanh nghiệp (DN) đầu tư nhà máy chế biến cam sành một cách đàng hoàng, thay vào đó họ nhập hương liệu từ nước ngoài để làm ra sản phẩm nước cam.

Vị tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhấn mạnh rằng, khó khăn về đầu ra của trái cam sành chính là vì người nông dân đang trồng cái mà người ta không cần, cho nên dù muốn XK nhưng không có người mua.

Cần nhắc thêm, diện tích trồng cam ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đông Nam Bộ có giai đoạn liên tục tăng khiến cho sản lượng cũng tăng theo dẫn đến cung vượt cầu. Như ở Đồng Nai có gần 1,5 ngàn ha cây cam (số liệu tính đến cuối năm 2023), trong đó hơn 1,2 ngàn ha đang cho thu hoạch, sản lượng thu hoạch đạt gần 12 ngàn tấn.

Trong khi đó, diện tích trồng cam sành ở Vĩnh Long đã liên tục tăng theo tốc độ rất nhanh trong vòng 5 năm trở lại đây, đến nay đã tăng gấp đôi so với quy hoạch đến năm 2020, hiện có hơn 18.000ha cam sành (tăng gần 3.000ha so năm 2020). Tương tự, Trà Vinh có diện tích trồng cam tăng dần từng năm, năm 2024 đã có trên 4.700ha diện tích trồng cam sành (tăng thêm 500ha cam được trồng mới), sản lượng đạt gần 180.000 tấn/năm.

Ngoài cung vượt cầu và mẫu mã xấu thì chất lượng nước của quả cam sành nội địa không cao (ăn không ngọt bằng một số loại cam khác), nên điều khó tránh là bị người tiêu dùng quay lưng ngay trên “sân nhà” và chuyển sang ưa chuộng các loại cam ngoại nhập.

Như dữ liệu từ Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Vitic) thuộc Bộ Công Thương, cho thấy hồi tháng 7/2024, trong các mặt hàng trái cây có múi nhập khẩu chính thì trái cam xếp vị trí thứ hai, đạt 3,8 triệu USD, tăng 77,2% so với tháng trước đó; tính lũy kế đạt 16,7 triệu USD, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 21,8% trong tổng kim ngạch nhập khẩu trái cây có múi.

Nên điều chỉnh thích hợp theo chuỗi giá trị

Có thể thấy bài học về giá cả và đầu ra của trái cam sành cũng là điều mà các mặt hàng trái cây có múi khác (chủ yếu là quýt, bưởi, chanh) cần lưu tâm để không phải rơi vào “vết xe đổ”.

Xét về diện tích trồng cây có múi ở Việt Nam trong năm 2024 đạt hơn 276.000 ha. Theo Vitic, sản lượng cây có múi tăng khá mạnh trong năm 2020, 2021, 2022 nhưng lại chững lại trong năm 2023 và năm 2024..

Về tình hình tiêu thụ, hai loại trái có múi là cam và quýt hiện chủ yếu được tiêu thụ dạng quả tươi tại thị trường nội địa là chính. Còn hai loại quả có những đóng góp nhất định cho XK là bưởi, chanh.

Như lưu ý của Vitic, hiện tại việc phát triển bền vững cho cây có múi của cả nước đang gặp nhiều khó khăn. Nhiều vùng trồng cây có múi trên khắp cả nước có biểu hiện suy thoái, tổng diện tích suy thoái qua tổng hợp tại 19 tỉnh chủ yếu là hơn 16.500 ha, nhất là diện tích cam giảm mạnh tại các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Nghệ An...

Do đó, các địa phương, DN trồng cây ăn quả có múi cần tập trung rà soát lại các vùng sản xuất theo định hướng phát triển tập trung. Tăng cường phát triển các giống cây có múi đặc sản địa phương có lợi thế cạnh tranh.

Mặt khác, giới chuyên gia khuyến nghị để nhóm mặt hàng trái cây có múi có thực lực mạnh mẽ để đi được đường dài đòi hỏi cần phát triển các giống cây có múi mới, có năng suất, chất lượng, không hạt hoặc có ít hạt, rải vụ thu hoạch, thích ứng biến đổi khí hậu, chống chịu sâu bệnh...để kịp thời bổ sung cho sản xuất. Và nhất là phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ và đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nhằm nâng cao giá trị gia tăng, mở rộng thị trường tiêu thụ, XK.

Chẳng hạn như với trái bưởi. Tiềm năng XK bưởi được cho là rất lớn khi cả nước có diện tích hơn 110.000 ha, sản lượng 1,15 triệu tấn. Giới chuyên gia cho rằng mặc dù trái bưởi Việt Nam được mở rộng và tiếp cận được một số thị trường khó tính, được XK chính ngạch tới 13 quốc gia và vùng lãnh thổ, thế nhưng kim ngạch vẫn chưa cao.

Chính vì vậy, nếu sớm mở được cửa cho trái bưởi vào thị trường Trung Quốc thì cơ hội tăng trưởng XK sẽ rất lớn. Như dự đoán, trong thời gian tới, sau khi Việt Nam đàm phán thành công XK chính ngạch quả bưởi sang thị trường Trung Quốc, XK quả bưởi sẽ tăng trưởng mạnh hơn nữa sang thị trường này.

Bên cạnh đó, thay vì XK quả bưởi tươi, Việt Nam cần chú trọng vào chế biến sâu như, nước đóng hộp, nước ép, cùi bưởi làm tinh dầu...Điều này vừa giúp gia tăng giá trị quả bưởi và vừa là những mặt hàng phù hợp với thị hiếu ở những thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản...

Nói chung, từ câu chuyện trái cam sành thường xuyên tái diễn tình cảnh đầu ra bấp bênh sẽ là bài học để các mặt hàng trái cây có múi có những điều chỉnh thích hợp theo chuỗi giá trị thì mới có thể đi được đường dài một cách bền vững và thoát cảnh bấp bênh.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/hoach-dinh-duong-dai-de-mat-hang-trai-cay-co-mui-thoat-rui-ro-bap-benh-1103296.html