Hòa cùng nhịp đập với 'trái tim' Điện Biên

Thực hiện kế hoạch của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh BĐBP hướng tới chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), thời gian qua, các cơ quan, đơn vị BĐBP trên cả nước đã và đang ra sức thi đua lập thành tích, tích cực phối hợp với các ban, ngành, tổ chức chính trị-xã hội trên địa bàn khu vực biên giới, biển đảo, tổ chức nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa, giáo dục truyền thống, an sinh xã hội. Qua đó, bồi đắp thêm cho cán bộ, chiến sĩ lòng tự hào về truyền thống yêu nước, phát huy tinh thần xung kích, sáng tạo, khát vọng cống hiến, quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Cán bộ BĐBP Thừa Thiên Huế tuyên truyền, giới thiệu cho các em học sinh trên địa bàn về ý nghĩa lịch sử và tầm quan trọng của Chiến thắng Điện Biên Phủ thông qua các ấn phẩm sách, báo. Ảnh: Võ Tiến

Trên mảnh đất Điện Biên những ngày đầu tháng 5, những cánh đồng lúa, ruộng ngô đang độ xanh tốt, bạt ngàn sắc xanh, bao bọc xung quanh là những triền núi trập trùng, hùng vĩ, cao ngút tầm mắt. Đối với mỗi du khách khi đến Điện Biên, nơi đây được xem như một di tích "sống”, gắn với những chiến công hiển hách của tháng 5/1954 lịch sử. Vùng đất này đã trở thành điểm đến, là một “bảo tàng lịch sử” vô giá để du khách có cơ hội được tìm hiểu, khám phá và trải nghiệm những giá trị lịch sử đầy hào hùng của dân tộc.

Cùng với các hoạt động tham quan, tìm hiểu các “địa chỉ đỏ” tại Điện Biên, những ngày này, các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, tri ân người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc nơi biên giới cũng được BĐBP Điện Biên triển khai rộng khắp. Bên cạnh đó, hoạt động tuyên truyền được triển khai sâu rộng đến tất cả quần chúng nhân dân, từ đó, giúp người dân hiểu rõ hơn những giá trị lịch sử dân tộc, bồi đắp thêm lòng tự hào về truyền thống anh hùng của vùng đất lửa Điện Biên, của QĐND Việt Nam và toàn dân tộc; tạo sức mạnh tổng hợp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Không chỉ riêng tại BĐBP Điện Biên, các đơn vị BĐBP trên cả nước cũng quán triệt sâu rộng, đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong đó, trọng tâm là tuyên truyền về bối cảnh lịch sử, ý nghĩa, bài học kinh nghiệm của Chiến thắng Điện Biên Phủ; khẳng định tinh thần anh dũng, mưu trí, sáng tạo của quân và dân ta, nhất là đường lối chính trị, quân sự và ngoại giao đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; tình đoàn kết, chiến đấu thủy chung, son sắt của quân và dân ba nước Đông Dương; sự giúp đỡ quý báu của bạn bè quốc tế đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Để thực hiện tốt nội dung này, các đơn vị đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức tuyên truyền, như: Sinh hoạt chi đoàn, câu lạc bộ lý luận trẻ; sinh hoạt chính trị chuyên đề, tọa đàm, diễn đàn, trao đổi, kể chuyện, nói chuyện; giao lưu, gặp mặt nhân chứng lịch sử; vẽ tranh cổ động, làm báo tường, sưu tầm, giới thiệu, trưng bày tư liệu, hiện vật lịch sử, triển lãm ảnh, trưng bày sách; giao lưu nghệ thuật, tuyên truyền ca khúc cách mạng...

Ðại úy Ðỗ Xuân Ðiềm, Chính trị viên phó Ðồn Biên phòng Na Cô Sa, BĐBP Điện Biên cho biết: "Trong đợt phát động thi đua cao điểm chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, công tác tuyên truyền được đơn vị chú trọng, qua đó, đã giúp đông đảo nhân dân trên địa bàn xã Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ hiểu được ý nghĩa và tầm vóc lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ. Đồng thời, giúp cho người dân tự giác tham gia phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, gắn với phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc và đăng ký cam kết tham gia giữ gìn, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội dịp trước và trong đợt kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ".

Tại biên giới biển phía Nam của Tổ quốc, hòa cùng nhịp đập với "trái tim" Điện Biên, những cựu chiến binh từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa lại thêm bồi hồi, xúc động bởi sự quan tâm, tri ân của các cán bộ, chiến sĩ BĐBP. Dù tuổi đã cao, không có cơ hội về chiến trường năm xưa ôn lại những năm tháng hào hùng của dân tộc, không giấu được sự xúc động, ông Nguyễn Văn Quát (trú tại xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) là cựu thanh niên xung phong trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, cho biết: "Những ký ức đầy hào hùng của 70 năm trước tôi không bao giờ quên, dư âm của chiến thắng vĩ đại ấy vẫn còn đến tận hôm nay và mãi mãi về sau. Chúng tôi mong con cháu hôm nay và mai sau sẽ tiếp tục noi gương các thế hệ cha ông, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường phát triển của đất nước, luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ khi Tổ quốc cần".

Chi đoàn Đồn Biên phòng Thu Lũm, BĐBP Lai Châu phối hợp với Huyện đoàn Mường Tè, tỉnh Lai Châu và Đoàn Thanh niên xã Thu Lũm, huyện Mường Tè trao cờ Tổ quốc cho nhân dân bản Gò Khà và bản Thu Lũm, xã Thu Lũm. Ảnh: Minh Trí

Đặc biệt, nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về tầm vóc to lớn và ý nghĩa sâu sắc của Chiến thắng Điện Biên Phủ đối với dân tộc và thời đại, cuối năm 2023, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã phối hợp với Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam tổ chức Cuộc thi tìm hiểu về 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và 70 năm Ngày ký Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự tại Việt Nam. Cuộc thi đã thu hút sự tham gia của đông đảo mọi tầng lớp nhân dân; được tổ chức dưới hai hình thức thi viết và thi trắc nghiệm trực tuyến trên mạng xã hội. Kết thúc cuộc thi, đã có 600 tác phẩm, bài viết của các tác giả từ khắp mọi miền đất nước gửi về hưởng ứng cuộc thi, gần 2,2 triệu lượt đoàn viên, thanh niên và nhân dân tham gia phần thi tương tác trực tuyến trên mạng xã hội.

Tham gia cuộc thi, Trung úy Phạm Nguyễn Duy Nhân, Trợ lý tuyên huấn, Phòng Chính trị, BĐBP Bình Định đã vinh dự đoạt giải C với nội dung bài viết “Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Tác phẩm được đầu tư công phu, chứa đựng tâm huyết và tình cảm của một cán bộ trẻ hướng về cội nguồn, lịch sử dân tộc. Trong nội dung bài viết đã có cái nhìn toàn diện, giúp cho người đọc hiểu rõ giai đoạn gian khổ nhất nhưng cũng hào hùng nhất của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, khi cả nước bước vào những trận đánh quyết định cuối cùng.

Trung úy Phạm Nguyễn Duy Nhân chia sẻ: Thông qua cuộc thi, tôi mong muốn người đọc có thể cảm nhận một cách chân thực nhất toàn cảnh bức tranh đầy hào hùng của Chiến dịch Điện Biên Phủ, thấy rõ từng bước chân chiến sĩ, từng góc chiến hào trong từng trận đánh. Đồng thời, qua đây, tôi mong muốn thế hệ trẻ hôm nay sẽ mãi ghi nhớ công lao của những người anh hùng, chiến sĩ với tinh thần yêu nước bất diệt đã tạo nên một “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".

Cùng với các hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Bộ Tư lệnh BĐBP đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị tiếp tục quan tâm triển khai thực hiện tốt công tác quân sự, quốc phòng, biên phòng; chuẩn bị và tổ chức tốt luyện tập chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu; duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, kịp thời tham mưu, xử lý có hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn khu vực biên giới, biển, đảo trong ngày hội lớn của đất nước.

Ngọc Lâm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/hoa-cung-nhip-dap-voi-quottrai-timquot-dien-bien-post475491.html