Hỗ trợ thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, bệnh viện

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục, bệnh viện, cơ sở y tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Hà Nam xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nhằm nâng cao nhận thức của tập thể, cá nhân trong toàn ngành về vai trò, lợi ích của hoạt động chuyển đổi số. Qua đó, triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo Kế hoạch số 1233 của UBND tỉnh về hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế và kế hoạch của ngành ngân hàng về chuyển đổi số.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục, bệnh viện, cơ sở y tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Hà Nam xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nhằm nâng cao nhận thức của tập thể, cá nhân trong toàn ngành về vai trò, lợi ích của hoạt động chuyển đổi số. Qua đó, triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo Kế hoạch số 1233 của UBND tỉnh về hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế và kế hoạch của ngành ngân hàng về chuyển đổi số.

Hỗ trợ tối đa các trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh trong sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán học phí, viện phí và các giao dịch khác, NHNN tăng cường theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt của các ngân hàng thương mại trên địa bàn trong các trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế để có chỉ đạo kịp thời nhằm hoàn thành các mục tiêu đã đề ra. Mặt khác NHNN tỉnh tăng cường công tác quản lý, giám sát, kiểm tra để phát hiện, xử lý theo thẩm quyền các vi phạm pháp luật trong hoạt động ngân hàng điện tử và công tác bảo đảm an ninh, an toàn tài sản, bảo mật thông tin khách hàng.

Cùng với đó, các ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã tích cực, chủ động liên hệ với các trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới, an toàn, tiện ích, phù hợp và thỏa thuận, ký kết hợp đồng hỗ trợ các trường học, bệnh viện trong sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán học phí, viện phí và các giao dịch khác. Bên cạnh đó, các ngân hàng chú trọng tăng cường công tác kiểm soát nội bộ về an ninh, an toàn thông tin; thường xuyên rà soát đánh giá rủi ro để có phương án phòng bị và giải pháp ứng phó kịp thời bảo đảm an toàn trong quá trình cung ứng sản phẩm, dịch vụ phục vụ khách hàng.

Hoạt động tại Phòng khách hàng cá nhân Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Chi nhánh Hà Nam.

Hoạt động tại Phòng khách hàng cá nhân Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Chi nhánh Hà Nam.

Phối hợp thực hiện thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục, ngành giáo dục tỉnh đã tăng cường hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; sử dụng các công nghệ và nền tảng số hóa nhằm nâng cao chất lượng việc dạy và học, thay đổi toàn diện công tác quản lý và điều hành; trong đó có đẩy mạnh thanh toán học phí, các khoản thu bằng hình thức trực tuyến không dùng tiền mặt; kết nối phần mềm quản lý tài chính của cơ sở giáo dục với các nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt. Đơn vị cũng đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý, các cơ sở giáo dục, doanh nghiệp, cộng đồng về vai trò và lợi ích của chuyển đổi số ngành giáo dục; coi trọng và thu hút sự tham gia của phụ huynh, tổ chức, công dân, doanh nghiệp trong góp ý, giám sát và sử dụng các dịch vụ, tiện ích do chuyển đổi số mang lại.

Ông Trịnh Xuân Thắng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Phủ Lý cho biết: Thúc đẩy và thực hiện hiệu quả chuyển đổi số, ngành giáo dục toàn tỉnh nói chung và thành phố Phủ Lý nói riêng quan tâm từng bước triển khai, hoàn thiện các ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành; tăng cường sử dụng văn bản điện tử, hạn chế việc sử dụng giấy; tăng cường ứng dụng thực hiện các khoản thu không dùng tiền mặt; đồng thời tiếp tục hoàn thành triển khai các dịch vụ công mức độ 4 (công tác tuyển sinh, chuyển trường).

Theo Kế hoạch số 87/KH-HNA của NHNN Chi nhánh Hà Nam về hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế, ngành ngân hàng phấn đấu đến 31/12/2022 có từ 50% trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt của các ngân hàng để thanh toán học phí, viện phí và các giao dịch khác. Song do nhận thấy rõ ích lợi của việc thanh toán không dùng tiền mặt, chỉ sau một thời gian ngắn thực hiện (chưa hết năm 2022) đã có 100% cơ sở giáo dục trong tỉnh áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt đối với các khoản thu học phí và thu dịch vụ khác trong ngành.

Ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Thực hiện Kế hoạch số 1233/KH-UBND ngày 13/5/2022 của UBND tỉnh về triển khai, hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục, 100% cơ sở giáo dục đã áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt đối với các khoản thu học phí và thu dịch vụ khác trong ngành. Tỷ lệ giao dịch không dùng tiền mặt đạt trên 90% trong tổng số các giao dịch. Nhiều cơ sở giáo dục có 100% phụ huynh áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt với các khoản đóng góp.

Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, ngành giáo dục đặt ra mục tiêu đến năm 2025, thực hiện chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện tạo môi trường làm việc điện tử trong phạm vi toàn ngành nhằm thúc đẩy cải cách bộ máy tổ chức, tiến tới hình thành nền hành chính, giáo dục điện tử, bảo đảm đúng tiến độ xây dựng, phát triển xã hội số của tỉnh, phấn đấu nằm trong nhóm 10 sở giáo dục và đào tạo có chỉ số cao về Chính phủ số của cả nước và đến năm 2030 nằm trong nhóm 05 sở giáo dục và đào tạo có chỉ số cao về Chính phủ số của cả nước. Quá trình thực hiện ngành giáo dục triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp gắn với việc tăng cường công tác bảo đảm an ninh, an toàn, giảm thiểu tối đa các rủi ro phát sinh trong quá trình cung ứng, thực hiện các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.

Chị Nguyễn Thị Châu (Phường Minh Khai, thành phố Phủ Lý) cho biết: Trước đây khi đóng tiền học phí phải cho vào phong bì cẩn thận, viết tên con rồi còn phải điện thoại cho cô giáo vì sợ con mải chơi quên không nộp cho cô hay làm rơi mất. Năm học này thực hiện đóng tiền học phí online rất thuận tiện, an toàn, kịp thời vì khi nhận được thông báo là chúng tôi nộp luôn qua tài khoản ngân hàng không kể thời gian sớm, tối.

Đối với các bệnh viện, cơ sở y tế, các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước cũng đã tiến hành họp bàn chủ trương phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam đầu tư thiết bị và cử nhân lực hướng dẫn quy trình thanh toán qua thẻ ATM, quét mã QR Code giúp người dân thanh toán tiền viện phí qua ngân hàng thuận lợi.

Hỗ trợ các trường học và bệnh viện trên địa bàn sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán học phí, viện phí và các giao dịch khác thuận tiện, an toàn, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh tích hợp, kết nối sản phẩm, dịch vụ, nền tảng với các ngành, lĩnh vực khác để cung ứng sản phẩm, dịch vụ liền mạch, xuyên suốt cho khách hàng; trong đó chú trọng đến các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, hành chính công… Đồng thời các ngân hàng tăng cường công tác truyền thông về những sản phẩm, dịch vụ mới, an toàn, tiện ích; chủ động áp dụng các hình thức khuyến nghị, cảnh báo kịp thời tới khách hàng về phương thức, thủ đoạn gian lận, lừa đảo liên quan đến lĩnh vực ngân hàng.

Tiến Đoàn

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/chuyen-doi-so/ho-tro-thanh-toan-khong-dung-tien-mat-trong-cac-truong-hoc-benh-vien-95799.html