Hỗ trợ người khuyết tật: Không chỉ cho 'con cá' mà cần 'chiếc cần câu'
Việc cộng đồng hỗ trợ người khuyết tật bằng tiền bạc, vật chất, cho họ 'con cá' là cần thiết nhưng chưa đủ, mà họ cần có 'chiếc cần câu' - một việc làm phù hợp để họ tự nuôi sống bản thân.
Năm 2023, Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam có kế hoạch đặt hàng, hỗ trợ đào tạo cho khoảng 20.000 người và xây dựng, triển khai mô hình sinh kế, khởi nghiệp cho người khuyết tật.
Đây là khẳng định của ông Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tại Hội nghị tổng kết năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ năm 2023 của Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật.
Nhà nước quan tâm hỗ trợ
Việt Nam hiện tại có hơn 7 triệu người khuyết tật, chiếm hơn 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng chiếm khoảng 28,9%. Cả nước có 342.329 gia đình, cá nhân nhận đang chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng và được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng.
Con số thống kê cho thấy người khuyết tật ở Việt Nam chủ yếu thuộc hộ nghèo, chưa bao giờ đi học hoặc không có bằng cấp, nằm trong độ tuổi lao động, sống ở nông thôn. Công việc chính của họ là phụ giúp gia đình làm nông, lâm, ngư nghiệp; công việc không ổn định và thu nhập thấp.
Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn dành cho người khuyết tật sự quan tâm, chăm lo sâu sắc. Nhiều chính sách về người khuyết tật ban hành mới và điều chỉnh phù hợp với thực tế, ưu tiên bố trí nguồn lực cho việc thực hiện các chính sách, chương trình, đề án trợ giúp người khuyết tật.
Công tác bảo đảm an sinh xã hội cho người khuyết tật đã được triển khai toàn diện, đồng bộ, chủ động. Quyền của người khuyết tật ngày càng được bảo đảm tốt hơn.
Đến nay, hơn 1,1 triệu người khuyết tật được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng và được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Các bệnh viện đa khoa trung ương, tỉnh và huyện đều có khoa phục hồi chức năng, 20 tỉnh, thành phố đã thành lập trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập và 107 cơ sở giáo dục chuyên biệt cho trẻ em khuyết tật không đến được trường lớp bình thường, đã thống nhất được ngôn ngữ ký hiệu và chữ nổi Brail trong toàn quốc. Việt Nam cũng phát triển được mạng lưới giáo viên dạy trẻ khuyết tật ở 63 tỉnh, thành phố.
Điều 4 Luật Người khuyết tật 2010 quy định quyền và nghĩa vụ của người khuyết tật như sau: người khuyết tật được bảo đảm tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội; sống độc lập, hòa nhập cộng đồng; được miễn hoặc giảm một số khoản đóng góp cho các hoạt động xã hội; được chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, học văn hóa, học nghề, việc làm, trợ giúp pháp lý, tiếp cận công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin, dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và dịch vụ khác phù hợp với dạng tật và mức độ khuyết tật; các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Trợ giúp pháp lý là một trong những chính sách nổi trội về trợ giúp trong lĩnh vực tư pháp dành cho người khuyết tật. Người khuyết tật có khó khăn về tài chính được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí bằng các hình thức: tư vấn, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng với tất cả lĩnh vực pháp luật, trừ lĩnh vực kinh doanh, thương mại.
Về vấn đề chăm sóc sức khỏe cho người khuyết tật, Luật Người khuyết tật quy định tại nơi cư trú, trạm y tế cấp xã là cơ quan có trách nhiệm đối với việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người khuyết tật.
Bảo hiểm y tế, chế độ bảo hiểm y tế dành cho người khuyết tật cũng được xác định dựa trên mức độ khuyết tật của họ. Người khuyết tật thuộc diện được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng sẽ do ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế và sẽ được hưởng bảo hiểm với mức hưởng là 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh.
Bà Phạm Thị Hải Hà, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), cho biết năm 2022, ngân sách nhà nước đã bố trí 28.731 tỷ đồng thực hiện Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ về trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và khoảng 480 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục đối với người khuyết tật.
Bên cạnh nguồn lực từ ngân sách nhà nước, các tổ chức của người khuyết tật đã tích cực huy động nguồn lực xã hội để cải thiện đời sống và điều kiện sinh hoạt của người khuyết tật: Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam vận động được 559 tỷ đồng; Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và các Hội thành viên vận động tài trợ được gần 555 tỷ đồng; Hội Người mù Việt Nam vận động hơn 118 tỷ đồng và nhiều phần quà có giá trị.
Điều kiện để tự lập mới là thiết yếu
Chỉ có thể xây dựng cuộc sống ổn định, thoát khỏi cảnh nghèo khi người khuyết tật có tay nghề, việc làm ổn định.
Theo Luật Người khuyết tật 2010, các chính sách hỗ trợ học nghề, việc làm được thực hiện theo hướng phổ quát, bảo đảm để tất cả người khuyết tật đều được hỗ trợ.
Việt Nam đã thông qua Công ước về quyền của người khuyết tật và Công ước số 159 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm cho người khuyết tật. Luật Dạy nghề năm 2006 đã dành toàn bộ Chương VII quy định dạy nghề cho người khuyết tật, với mục tiêu giúp đối tượng có năng lực thực hành nghề phù hợp với khả năng lao động của mình để tự tạo việc làm hoặc tìm được việc làm, ổn định đời sống.
Đồng thời, Nhà nước cũng khẳng định về sự hỗ trợ về tài chính và các chính sách ưu đãi khác đối với các cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật nhằm khuyến khích công tác dạy nghề cho người khuyết tật.
Người khuyết tật tự tạo việc làm hoặc hộ gia đình tạo việc làm cho người khuyết tật được vay vốn với lãi suất ưu đãi để sản xuất kinh doanh, được hướng dẫn về sản xuất, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm theo quy định của Chính phủ.
Nhiều chương trình cho vay vốn giải quyết việc làm, hỗ trợ người khuyết tật nghèo được quan tâm, tạo điều kiện để vươn lên ổn định cuộc sống. Người khuyết tật vay vốn thông qua Quỹ quốc gia về việc làm theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 9/7/2015, Thông tư số 45/2015/TT-BLĐTBXH ngày 11/11/2015 và Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày 23/9/2019 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.
Trong điều kiện Việt Nam đang thực hiện cuộc cách mạng 4.0 thì việc hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận và sử dụng thành thạo công nghệ thông tin vừa là yêu cầu khách quan, vừa là con đường rất hiệu quả góp phần để họ vươn lên thoát nghèo.
Ông Nghiêm Xuân Tuệ, Giám đốc Văn phòng Điều phối các hoạt động hỗ trợ người tàn tật Việt Nam, nhấn mạnh: “Cộng đồng hỗ trợ người tàn tật bằng tiền bạc, vật chất hay nói cách khác là cho họ 'con cá' là cần thiết, đáng quý nhưng chưa đủ. Đủ ở đây là người tàn tật phải có một 'chiếc cần câu' - một việc làm phù hợp để tự nuôi sống bản thân. Nhiều lần được cung cấp, hỗ trợ 'cá,' người tàn tật sẽ sinh ra tâm lý ỷ lại, không còn ý chí, nghị lực vươn lên..."
Hằng năm, tại nước ta có khoảng 19.000 người khuyết tật được dạy nghề tạo việc làm; khoảng hơn 20.000 lượt người khuyết tật được giới thiệu việc làm với tỷ lệ thành công đạt trên 50%, khoảng gần 40.000 người khuyết tật được vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm với lãi suất ưu đãi…
Hiểu đúng về người khuyết tật
Để có việc làm ổn định thì sự nỗ lực của người khuyết tật là chưa đủ mà còn cần ý thức về trách nhiệm xã hội từ phía các doanh nghiệp.
Pháp lệnh Người tàn tật quy định doanh nghiệp phải nhận từ 2-3% tổng số lao động là người tàn tật vào làm việc. Nếu chưa hoặc không nhận đủ tỷ lệ này thì hằng tháng phải nộp vào Quỹ việc làm dành cho người tàn tật một số tiền tương ứng với mức lương tối thiểu theo quy định của Nhà nước với số người tàn tật mà doanh nghiệp còn thiếu...
Trên thực tế, số doanh nghiệp thực hiện quy định này vẫn còn ít. Nhiều lao động khuyết tật sau khi được học nghề, thậm chí đã qua đào tạo tại các trường cao đẳng, đại học bị các doanh nghiệp từ chối tiếp nhận với đủ loại lý do. Việc doanh nghiệp không mặn mà với việc tiếp nhận người tàn tật vào làm việc ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các trung tâm dạy nghề nhân đạo.
Ông Trần Duyên Hải, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề nhân đạo và tạo việc làm miễn phí cho trẻ em tàn tật Đống Đa, cho biết: "Xưởng may của trung tâm có thể tiếp nhận từ 40 đến 50 học viên là người tàn tật cho mỗi khóa học nhưng do đầu ra khi các em tốt nghiệp gặp nhiều khó khăn nên Trung tâm thường chỉ dám nhận khoảng 20-30 em vào học."
Theo nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), ở góc nhìn vĩ mô, việc xem nhẹ khả năng làm việc của người khuyết tật đã làm mất khoảng 3% GDP của Việt Nam hằng năm.
Chế tài xử phạt đối với hành vi phân biệt đối xử người khuyết tật trong tuyển dụng, quản lý lao động chưa đủ sức răn đe khiến cuộc sống của người khuyết tật đã khó khăn còn khó khăn hơn.
Không có người khuyết tật mà có những người lao động với năng lực khác nhau. Đó là một cách nói để chỉ ra rằng rất nhiều người bị khiếm khuyết về cơ thể nhưng không khiếm khuyết về năng lực lao động, sáng tạo.
Những nghiên cứu gần đây đã khẳng định rằng người khuyết tật khi được đào tạo đúng nghề, sẽ làm việc không thua kém nhiều so với người bình thường. Hơn nữa, được doanh nghiệp nhận vào làm việc, người khuyết tật chắc chắn sẽ rất gắn bó với cơ sở, không có tâm lý đứng núi này trông núi nọ. Người tàn tật thường có đức tính kiên trì, nhẫn nại và bền bỉ với công việc. Họ có rất ít cơ hội tìm việc làm nhưng nếu được nhận thì sẽ làm việc chăm chỉ để bù lại những khiếm khuyết của mình.
Mỗi dạng khuyết tật phù hợp với một công việc riêng. Người khiếm thị vẫn có thể làm tốt công việc chăm sóc khách hàng qua điện thoại; người khiếm thính thường thì có đôi bàn tay cực khéo và cảm quan mỹ thuật rất tốt; người khuyết tật ở chân không ngăn họ trở thành một nhân viên IT xuất sắc…
Hiểu đúng về người khuyết tật sẽ giúp lãnh đạo doanh nghiệp vượt qua định kiến và sẵn sàng đón nhận họ.
Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) Tô Đức cho biết trong năm 2023, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến người khuyết tật sẽ được rà soát, chú trọng đến những chính sách đột phá để tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm, tạo sinh kế ổn định, tự chủ cho người khuyết tật.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương xây dựng hồ sơ trình dự án sửa đổi bổ sung Luật Người khuyết tật, Luật Việc làm và Luật Bảo hiểm xã hội; trong đó, việc lồng ghép, bổ sung các chính sách phù hợp đối với người khuyết tật được quan tâm.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng sẽ tập trung chỉ đạo các địa phương bố trí kinh phí từ nguồn kinh phí giáo dục-đào tạo và dạy nghề hằng năm để thực hiện chính sách đào tạo nghề cho người khuyết tật theo quy định tại Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Đặc biệt, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2023, các địa phương cần ưu tiên triển khai dự án đa dạng hóa sinh kế đối với người khuyết tật không có sinh kế ổn định, thông qua các mô hình sinh kế hiệu quả, như mô hình khởi nghiệp; mô hình đào tạo nghề gắn với việc làm tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; mô hình đào tạo nghề gắn với sinh kế cho người khuyết tật; mô hình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng./.