Hỗ trợ người dân tiếp cận công nghệ

Với quan điểm 'không để ai bị bỏ lại phía sau trong kỷ nguyên số và trí tuệ nhân tạo', tỉnh Quảng Trị luôn đề cao vai trò của công tác chuyển đổi số, xem đây là vấn đề cốt lõi, mang tính đột phá trong tiến trình chuyển đổi số toàn cầu.

Người dân tộc thiểu số huyện Hướng Hóa sử dụng thiết bị điện thoại thông minh có kết nối internet để trao đổi thông tin - Ảnh: H.T

Người dân tộc thiểu số huyện Hướng Hóa sử dụng thiết bị điện thoại thông minh có kết nối internet để trao đổi thông tin - Ảnh: H.T

Mới đây, tại buổi làm việc với Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam để bàn việc phối hợp tổ chức các khóa bồi dưỡng theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về “Bình dân học vụ số” trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng khẳng định, tỉnh Quảng Trị sẵn sàng tâm thế, xây dựng các kế hoạch, ưu tiên nguồn lực để phổ cập tri thức cơ bản về chuyển đổi số đến mọi tầng lớp nhân dân.

Tỉnh sẽ trang bị kiến thức, kỹ năng sử dụng, ứng dụng và điều khiển AI cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý - những người tiên phong, gương mẫu trong tiến trình chuyển đổi số, vừa là hạt nhân, vừa là nền tảng để lan tỏa tri thức về công nghệ số đến toàn dân.

Nhằm cụ thể hóa nội dung Nghị quyết số 57- NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (NQ số 57) sát với tình hình thực tiễn của tỉnh, ngày 24/2/2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 144-CTHĐ/TU thực hiện NQ số 57; UBND tỉnh ban hành kế hoạch số 47/KH-UBND ngày 4/3/2025 về triển khai thực hiện Nghị quyết số 03/NQ-CP và Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện NQ số 57, đồng thời phát động phong trào “Bình dân học vụ số” trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Phong trào này được triển khai từ ngày 11-12/4, cho đối tượng là công chức, viên chức, đoàn thanh niên, học sinh sinh viên, đại diện các doanh nghiệp và Nhân dân quan tâm đến ứng dụng AI và ChatGPT trên địa bàn tỉnh. Mục đích của việc phát động phong trào nhằm phổ cập tri thức cơ bản về chuyển đổi số cho toàn dân, góp phần đạt được mục tiêu phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Từ đó tạo khí thế thi đua sôi nổi, cổ vũ, động viên tinh thần, đưa phong trào “Bình dân học vụ số” trở thành phong trào thường xuyên, liên tục và phát triển sâu rộng, đều khắp trên địa bàn toàn tỉnh. Các lớp “Bình dân học vụ số” sẽ được triển khai trong cộng đồng dân cư tùy điều kiện thực tế và nhu cầu dưới cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Đối với hình thức trực tiếp, lớp sẽ tổ chức tại nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, trường học... với giáo viên hướng dẫn. Trong khi đó, các lớp “Bình dân học vụ số” trực tuyến được thực hiện thông qua nền tảng số nhằm bao phủ khắp các địa bàn và kết nối với đông đảo các tầng lớp nhân dân có nhu cầu.

Ngoài ra, các đội hình tình nguyện, các tổ công nghệ số cộng đồng sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, từng bước hỗ trợ phổ cập kiến thức, kỹ năng cơ bản về công nghệ thông tin; hướng dẫn người dân sử dụng máy tính, thiết bị thông minh, mạng xã hội; sử dụng dịch vụ công trực tuyến và tương tác với chính quyền qua nền tảng số; đồng thời hướng dẫn bảo mật thông tin, tránh bị lừa đảo trực tuyến, nhận diện và phòng ngừa thông tin xấu, độc trên không gian số...

Được biết, tính đến cuối năm 2024, 92,7% hộ gia đình trên địa bàn tỉnh có người có điện thoại thông minh, tỉ lệ người sử dụng internet (cố định và di động) đạt 107,3%, tỉ lệ hộ gia đình kết nối internet đạt 72,9%, 156 cơ quan hành chính nhà nước các cấp có kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng (đạt 100%).

Toàn tỉnh đã thành lập 115 tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã và 715 tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn với tổng số 4.327 thành viên; cung cấp 1.197 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) toàn trình và 562 DVCTT một phần trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh, đồng thời cung cấp 777 DVCTT toàn trình và 207 DVCTT một phần trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Kho cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung tỉnh đã được triển khai tại địa chỉ https:// datamine. quangtri.gov.vn. Một số nền tảng số được triển khai, duy trì trên địa bàn tỉnh bao gồm: tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh, giám sát điều hành thông minh, trợ lý ảo với tổng đài AI 1900868674, giám sát an toàn thông tin mạng, giám sát báo chí - truyền thông và mạng xã hội, định danh điện tử...

Mặt khác, theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 829 doanh nghiệp công nghệ số, 100% doanh nghiệp triển khai nền tảng hóa đơn điện tử. 100% cơ sở khám, chữa bệnh và 100% trường học, cơ sở giáo dục đã đảm bảo các điều kiện và chấp nhận thanh toán học phí, phí, lệ phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Từ phong trào “Bình dân học vụ” để xóa mù chữ trước đây, việc phát động phong trào “Bình dân học vụ số” là để nuôi dưỡng tinh thần dân tộc, tạo động lực và truyền cảm hứng bước vào kỷ nguyên mới với khát vọng lớn.

Thời gian tới, để lan tỏa mạnh mẽ phong trào “Bình dân học vụ số”, bên cạnh các quyết sách, sự hỗ trợ từ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, người dân cần chủ động học hỏi, sẵn sàng chia sẻ, ứng dụng tri thức số, cùng xây dựng một xã hội tiến bộ trong kỷ nguyên mới.

Thiện Long

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/ho-tro-nguoi-dan-tiep-can-cong-nghe-193048.htm