Hỗ trợ để san sẻ khó khăn với người lao động

Thực hiện Quyết định số 6696/2023 của Ðoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành hướng dẫn về việc hỗ trợ công đoàn viên, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng. Thành phố Hồ Chí Minh cũng là địa phương có nhiều lao động bị mất việc, giảm việc do tác động từ suy giảm kinh tế toàn cầu…

Cuộc sống của nhiều công nhân bị ảnh hưởng do doanh nghiệp thiếu đơn hàng. Trong ảnh: Sản xuất giày xuất khẩu tại một công ty ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Cuộc sống của nhiều công nhân bị ảnh hưởng do doanh nghiệp thiếu đơn hàng. Trong ảnh: Sản xuất giày xuất khẩu tại một công ty ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Quyết định 6696, diện hỗ trợ là công đoàn viên, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động tại doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn trước ngày 30/9/2022. Cụ thể, đoàn viên, người lao động bị giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng được hỗ trợ từ 700.000 đồng đến ba triệu đồng/người.

Có ba đối tượng được xem xét hỗ trợ: Thứ nhất, hỗ trợ công đoàn viên, người lao động nếu đáp ứng đủ các điều kiện: bị giảm thời gian làm việc hằng ngày hoặc giảm số ngày làm việc trong tuần hoặc trong tháng (trừ trường hợp giảm thời gian làm thêm giờ) hoặc bị ngừng việc từ 14 ngày trở lên trong khoảng thời gian từ ngày 1/10/2022 đến hết 31/3/2023; có thu nhập của một tháng bất kỳ bằng hoặc thấp hơn mức lương tối thiểu vùng hiện hành. Về mức hỗ trợ: người lao động là công đoàn viên; người lao động không là đoàn viên nhưng là nữ từ đủ 35 tuổi trở lên, là nữ đang mang thai, người lao động đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ sáu tuổi (chỉ hỗ trợ cho một người là mẹ hoặc cha hoặc người chăm sóc thay thế trẻ em) nhận mức một triệu đồng/người. Người lao động không là đoàn viên nhận mức 700.000 đồng/người.

Thứ hai, hỗ trợ công đoàn viên, người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động từ 30 ngày liên tục trở lên do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng (trừ trường hợp công đoàn viên, người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương vì lý do cá nhân) trong khoảng thời gian từ ngày 1/10/2022 đến hết 31/3/2023. Về mức hỗ trợ: công đoàn viên, người lao động không là đoàn viên nhưng là nữ từ đủ 35 tuổi trở lên, là nữ đang mang thai, người lao động đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ sáu tuổi (chỉ hỗ trợ cho một người là mẹ hoặc cha hoặc người chăm sóc thay thế trẻ em) nhận mức hai triệu đồng/người. Người lao động không là đoàn viên nhận mức 1,4 triệu đồng/người.

Thứ ba, hỗ trợ công đoàn viên, người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động trong khoảng thời gian từ ngày 1/10/2022 đến hết 31/3/2023 (trừ trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật; bị xử lý kỷ luật sa thải; thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động mà thử việc không đạt yêu cầu hoặc một bên hủy bỏ thỏa thuận thử việc; hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng) nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Về mức hỗ trợ: công đoàn viên, người lao động không là đoàn viên nhưng là nữ từ đủ 35 tuổi trở lên, là nữ đang mang thai, người lao động đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ sáu tuổi (chỉ hỗ trợ cho một người là mẹ hoặc cha hoặc người chăm sóc thay thế trẻ em) nhận mức ba triệu đồng/người. Người lao động không là đoàn viên nhận mức 2,1 triệu đồng/người.

Nắm bắt chủ trương hỗ trợ người lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng, bộ phận Công đoàn Công ty Cổ phần Cơ khí thương mại Tân Thanh (Thành phố Thủ Ðức) bắt đầu rà soát số người lao động tại đơn vị thuộc diện giảm thời gian làm việc, ngừng việc do không có đơn hàng dịp cuối năm 2022 để đề xuất Công đoàn cấp trên cơ sở xem xét. Ðại diện Ban Chấp hành Công đoàn công ty cho biết, do thiếu trầm trọng đơn hàng cho nên tháng 11/2022, công ty đã thỏa thuận với gần 200 người lao động (diện khoán việc, có hợp đồng lao động) nhận mức hỗ trợ của công ty là 3,5 triệu đồng trong thời gian ba tháng gồm tháng 11, 12/2022 và tháng 1/2023, trong thời gian chờ việc. Hầu hết người lao động đồng ý phương án công ty đưa ra. Nếu chiếu theo Quyết định 6696, số người lao động này có thể đủ điều kiện và được xét duyệt hỗ trợ cho nên Công đoàn Công ty Tân Thanh sẽ đề xuất lên Liên đoàn Lao động Thành phố Thủ Ðức xem xét, trên cơ sở hướng dẫn thực hiện từ Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Liên đoàn Lao động thành phố, thời gian tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31/3; thời hạn hoàn thành thủ tục hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động chậm nhất đến hết ngày 30/5. Tiền hỗ trợ người lao động sẽ được chi trực tiếp, một lần, bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Bình Tân, Nguyễn Văn Hải cho biết, trên cơ sở hướng dẫn của Liên đoàn Lao động thành phố thực hiện Quyết định 6696 của Ðoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Lao động quận sẽ gửi thông báo hướng dẫn và quy trình xét duyệt đến các công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Cũng theo khảo sát của Liên đoàn Lao động quận Bình Tân, sau Tết Nguyên đán 2023 có 11 doanh nghiệp gặp khó vì ít đơn hàng cho nên khả năng người lao động bị mất việc, giảm giờ làm sẽ tăng, nhất là vào cuối quý I/2023. Do vậy, cần nới rộng thời gian giải quyết hồ sơ hỗ trợ để người lao động được hưởng chính sách này.

Luật gia Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật-Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc ra đời Nghị quyết 06 và Quyết định 6696 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là kịp thời, thiết thực. Khoản hỗ trợ không chỉ giúp người lao động trang trải một phần khó khăn mà còn tạo động lực để họ quay lại thị trường lao động, tham gia sản xuất. Do đó, các cấp, các ngành thành phố cần phối hợp một cách tích cực và trách nhiệm để giải quyết chính sách hỗ trợ cho người lao động đúng đối tượng. Thủ tục cần nhanh chóng, đơn giản, làm sao bảo đảm nhận hồ sơ giải quyết hỗ trợ đến ngày 31/3 như quy định…

Theo Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến cuối tháng 12/2022, thành phố có hơn 110.000 lao động trên địa bàn bị thiếu việc làm, mất việc làm do doanh nghiệp giảm đơn hàng, trong đó số lao động bị giảm là khoảng 6.300 người.

Bài và ảnh: VÕ LÊ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ho-tro-de-san-se-kho-khan-voi-nguoi-lao-dong-post739116.html