'Hò kéo pháo' - Giai điệu góp phần cho niềm tin chiến thắng

TS. Lê Y Linh (trích từ 'Nhạc sĩ Hoàng Vân – Cho muôn đời sau'). Nhạc sĩ Hoàng Vân tham gia Chiến dịch Điện Biên không phải với tư cách một nhạc sĩ, mà là một chiến sĩ trực tiếp đi vào từng chiến hào, kề vai sát cánh với bộ đội. Hò kéo pháo cũng được ông cho ra đời từ đó.

Xúc cảm kéo pháo trên trận địa

Đến cuối năm 1953, sư đoàn của nhạc sĩ Hoàng Vân được điều tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi đến Điện Biên, ông được phân công đi đón một số anh em văn nghệ sĩ do binh trạm đưa về, trong đó có nhạc sĩ Đỗ Nhuận, nhà văn Tô Hoài... Ông là người trực tiếp lo nơi ăn, chốn ở cho đoàn trong điều kiện hết sức gian khổ và vất vả. Khi đó đi lại toàn dưới giao thông hào, kể cả cán bộ văn nghệ như ông nhưng lúc nào cũng phải đeo súng, đeo xẻng bên người để khi di chuyển, lúc cần thiết thì đào luôn cho mình một hố trú ẩn, tránh bom đạn.

Nhạc sĩ Hoàng Vân (1930 - 2018)

Đại đoàn 312 nơi ông công tác chính là đại đoàn được phân công kéo pháo. Là cán bộ của đoàn văn công, ông không tham gia trực tiếp kéo pháo nhưng đã được quan sát và sống cùng anh em trong đơn vị sau những lần đưa pháo vào mặt trận rồi lại có lệnh kéo pháo ra. Hồi đó, các anh bộ đội thường gọi những khẩu pháo lớn là con voi. Chúng được kéo bằng xe tải từ dưới xuôi lên tiếp cận gần vào núi bao quanh thung lũng Mường Thanh, gọi là lòng chảo Điện Biên Phủ, rồi người sẽ tiếp sức. Quân đội của những đất nước tiên tiến và phát triển có lẽ chả bao giờ hình dung ra được cảnh tượng đó, nhưng điều “bất ngờ” đó cũng đã góp phần làm nên chiến thắng có một không hai trong lịch sử chiến trận thế giới thời hiện đại.

Đại đoàn 312 nơi nhạc sĩ Hoàng Vân công tác là đại đoàn được phân công kéo pháo. Ảnh tư liệu

Các chiến sĩ của chúng ta phải làm công tác chuẩn bị chiến trường, leo đèo, lên xuống dốc, vượt suối để đưa pháo vào trận địa và đặt pháo ở vị trí phù hợp. Cần phải cực kỳ giữ bí mật, thầm lặng xuyên qua những đèo dốc để vào. Những tời, xà beng, búa chim, dây thừng, dây chão từng bó là dụng cụ để kéo pháo vào mặt trận. Hình ảnh những đoàn quân lên dốc, xuống dốc rất nguy hiểm. Mấy chục người trên một cái dây kéo, trên cao có cái tời và có một cái trục để chốt lại.

Dù lúc đó mới đang chuẩn bị chiến trường, súng chưa nổ, nhưng thỉnh thoảng nửa chừng đối phương vẫn bắn những phát đại bác vu vơ để thăm dò. Nhiều khi có một đoàn chiến sĩ đang kéo pháo leo lên dốc thì một mảnh đại bác phạt vào dây chão đứt phựt một cái, có thể kéo theo cả một tiểu đội lăn xuống vực. Nhiều khi máy bay địch sà tới ném đại bom, rừng cháy, cả đội nằm im tại chỗ coi như là nấp nhưng dây tời vẫn xiết chặt trên vai…

Trước cảnh tượng thiên nhiên hùng vĩ bao la, lòng quyết tâm của những người chiến sĩ dầm sương giá rét, những câu chuyện về gương anh dũng hi sinh của liệt sĩ Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo quyết không cho lao xuống vực, những hi sinh mất mát do đạn bom địch oanh tạc hàng ngày khiến cho người thanh niên Hà Nội vô cùng xúc cảm. Những âm hưởng, ý tứ của ca từ, của giai điệu đã nung nấu trong tâm tưởng ông trong suốt nhiều ngày.

Sống lại không khí hào hùng

Vào một đêm mùa đông lạnh giá sau Tết năm 1954, lúc đó quân ta đã đào giao thông hào xung quanh lòng chảo Điện Biên, đang nằm trong một căn hầm nhỏ, đột nhiên có một con gà rừng từ đâu lao xuống gần chỗ ông (nhạc sĩ Hoàng Vân) nằm rồi lại vỗ cánh phành phạch bay vút lên, lúc sau cất tiếng gáy vang, ông đoán khoảng gần về sáng. Vì trời rất tối, với ông, tiếng gáy đó lóe lên như một tia chớp và từ bấy giờ ông không sao chợp mắt. Toàn bộ dây chuỗi hình ảnh về những hoạt động của các chiến sĩ, ý thơ, nét nhạc với những ca từ nung nấu từ mấy tháng nay theo nhịp dần dần hình thành trong tâm trí, ông cầm mẩu bút chì gọt đi gọt lại đã ngắn ngủn viết trên cuốn sổ của mình: “... Gà rừng gáy trên nương rồi... Kéo pháo ta đi lên đèo... Trước khi trời hửng sáng... Dô ta..."

Pháo nặng lắm. Những người kéo thuyền, kéo gỗ ngày xưa cũng họa nhịp dô ta để tập trung sức kéo nhịp nhàng cho công việc đỡ nặng. Nay ta kéo pháo vào cũng thế. Dô ta! Ông say sưa viết rồi lại sửa, rồi lại mang đàn ra hát. Hò kéo pháo ra đời.

Bài hát của Hoàng Vân làm sống lại toàn bộ không khí hào hùng của Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bài hát sáng tác xong đêm đó được dán trên tờ bích báo trong hầm của đội tuyên truyền văn nghệ. Một lần tình cờ chính trị viên qua đơn vị thấy bản nhạc vừa sáng tác đề nghị ông dạy hát, và đã cử ông đi hát khắp các chiến hào và dạy cho anh em hát từng đoạn một để phổ biến rộng rãi. Những câu hát này đã góp phần khích lệ tinh thần, tạo niềm phấn chấn cho bộ đội ta trong hoàn cảnh gian khổ, khi kéo pháo nặng nề, bao nhiêu mệt nhọc chờ đợi dường như tan biến hết... Và khi ấy, người nhạc sĩ trẻ tin tưởng rằng giai điệu này cũng góp được phần nào đó cho niềm tin chiến thắng của mình và của đồng đội.

“... Tới đích rồi, đồng chí pháo binh ơi!” - Những câu chữ ở đoạn cuối hết sức cảm động vì nó như một niềm vui được òa ra sau những bước đường gian khổ và thấy thắng lợi đã gần kề. Giai điệu này đã theo chân các chiến sĩ từ Việt Bắc về Tây Bắc, từ sông Đà tới sông Lô làm nguồn vui trong hoàn cảnh chiến đấu cực kì gian khổ.

Nhà nghiên cứu Trần Thị Trâm đánh giá: “Bằng việc sử dụng điệu hò được chiết xuất từ âm nhạc dân gian và hình ảnh những người lính Cụ Hồ quả cảm kéo pháo ra trận, bài hát của Hoàng Vân đã cho thấy sức mạnh diệu kì, sự độc đáo của cuộc chiến tranh Nhân dân, qua đó làm sống lại toàn bộ không khí hào hùng của Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu: “Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua đèo. Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua núi. Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi. Vực sâu thăm thẳm, vực nào sâu bằng chí căm thù”... (Hò kéo pháo). Với lịch sử âm nhạc, Hò kéo pháo còn là sự sáng tạo mới mẻ và với nhạc sĩ thì đây cũng là một bước đột biến trong sự nghiệp sáng tác của ông”.

Nhạc sĩ Nguyễn Cường viết: “Một nghìn năm nữa người ta vẫn kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ thì Hò kéo pháo vẫn còn được nhớ tới”…

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/ho-keo-phao-giai-dieu-gop-phan-cho-niem-tin-chien-thang-i368950/