Họ đã viết ra cuốn sách mang tên Hy vọng

Hầu hết con người trên thế gian này đều lặng lẽ viết cuốn sách của đời mình. Cuốn sách của tình yêu thương, lòng vị tha, sự chia sẻ, ý chí đấu tranh cho lẽ phải và cái đẹp, sự dâng hiến cho con người và cho mảnh đất họ đang sống.

Năm 2021, Hội Nhà văn Việt Nam lần đầu tiên tiến hành trao một giải thưởng có tác động lớn vào đời sống. Giải thưởng đó mang tên “Nhà văn nữ Ấn tượng”. Giải thưởng trao cho những nhà văn nữ đã để lại những ấn tượng mạnh mẽ với độc giả qua những đóng góp cho xã hội và qua những sáng tác của họ.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều (giữa) chia vui với nhà thơ Huệ Triệu (trái) và nhà thơ Trần Mai Hường. (Nguồn: Báo Thanh niên)

Hai phụ nữ đầu tiên được nhận giải thưởng này là nhà thơ Huệ Triệu và nhà thơ Trần Mai Hường. Cả hai nhà thơ này sống ở Thành phố Hồ Chí Minh. Đó là thời gian đại dịch Covid-19 đang tàn phá thành phố này. Lúc đó, nơi đây tựa một thành phố bỏ hoang. Hầu hết mọi ngôi nhà đều đóng cửa. Các đường phố trống rỗng. Cái chết như bao trùm cả thành phố. Đêm đêm, chúng ta phải chứng kiến những chiếc xe chở những người đã mất vì Covid-19 từ thành phố ra ngoại thành. Cuộc sống của người dân thành phố vô cùng khó khăn đặc biệt là những người dân lao động thấp. Chính lúc nỗi đe dọa của thần chết mang tên Covid-19 đang gõ cửa từng ngôi nhà thì Ban Nhà văn nữ Hội Nhà văn đã kêu gọi các nhà văn nữ ở các tỉnh thành đang bị Covid-19 tấn công tìm cách chia sẻ và giúp đỡ những gia đình khó khăn.

Nhà thơ Huệ Triệu và nhà thơ Trần Mai Hường, hai hội viên của Hội Nhà văn đã bước ra khỏi ngôi nhà - nơi trú ẩn an toàn nhất của họ. Họ đi qua những đe dọa của thần chết. Họ mang từng cân gạo, từng mớ rau, từng viên thuốc và những lời chia sẻ và động viên tới hàng trăm gia đinh đang bị Covid-19 bao vây, đang phải chịu nỗi đau mất người thân bởi đại dịch và đến với các y, bác sĩ, những người đang ở tuyến đầu chống Covid-19. Nhà thơ Huệ Triệu đã nhiễm Covid-19 và chị đã lây sang người chồng. Và người chồng thân yêu của chị, một cán bộ công an vừa về hưu, đã không qua khỏi. Nhưng tất cả những mất mát, những đau đớn và những đe dọa đã không cản được bước chân của hai chị. Hình ảnh hai nhà thơ trên xe máy chồng chất đồ dùng, lương thực, thuốc men đi trên những con phố trống rỗng vào tới tận những ngõ sâu của thành phố là hình ảnh đẹp đẽ và xúc động khôn cùng.

Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa (trái) và nhà văn, dịch giả Nguyễn Bích Lan nhận giải Nhà văn nữ Ấn tượng năm 2022.

Năm 2022, giải thưởng “Nhà văn nữ Ấn tượng” lần thứ hai được trao cho nhà văn, dịch giả Nguyễn Bích Lan và nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa. Cả hai nữ nhà văn này sinh ra đã phải chịu sự thiệt thòi quá lớn của số phận. Họ bị tật nguyền từ nhỏ. Nhà văn, dịch giả Nguyễn Bích Lan suốt đời ngồi trên xe lăn. Lúc nào chị cũng đi giữa gianh giới mong manh của sự sống và cái chết. Nhưng khát vọng sống và ý chí sống phi thường đã làm cho một con người tật nguyền đầy tuyệt vọng trở thành một biểu tượng sống. Nguyễn Thị Bích Lan đã tự học và từng bước vươn lên. Chị đã dịch và xuất bản 52 tác phẩm, viết 4 tác phẩm cho thiếu nhi. Chị đã nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, giải thưởng Sách Quốc gia. Chị xây dựng được 5 tủ sách cho các vùng khó khăn tại Đắc Nông, tổ chức chương trình “đọc sách cho con” cho 30 gia đình, giới thiệu 45 đầu sách cho thanh niên. Khi nhìn chị ngồi trên xe lăn mỏng manh như một tàu lá héo, không ai nghĩ rằng, trong sự tàn tạ của một thân xác như thế lại chứa đựng một sức mạnh phi thường và một giấc mơ đẹp đẽ về cuộc đời không bao giờ tắt.

Cùng với nhà văn, dịch giả Nguyễn Thị Bích Lan là nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa. Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa sống ở một vùng đất xa xôi với một tấm thân tật nguyền. Nhưng trên gương mặt chị, không ai tìm thấy sự mệt mỏi và yếu đuối mà ở đấy luôn nở một nụ cười rạng rỡ, tràn ngập cảm hứng sống và sáng tạo. Chị đã viết và xuất bản 14 cuốn sách và nhận nhiều giải thưởng văn học danh giá. Năm 2015, chị đã nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2021, chị được tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn là 1 trong 20 phụ nữ Việt Nam truyền cảm hứng sống cho cộng đồng.

“Điểm chung của điều tôi viết ra là hy vọng. Tôi tin sức mạnh của hy vọng, như luôn tin vào ánh sáng của thiện lương. Trong đa số sáng tác, tôi gởi gắm hy vọng của chính tôi: Hy vọng vượt thoát khó khăn và hy vọng về con người”. (Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa)

Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng cho các chị, nhưng chính xác là các chị đã trao niềm hy vọng cho những người đang sống và đang phải đối mặt với bao khó khăn, thách thức. Bởi cuộc đời các chị đã viết lên một cuốn sách lớn có tên Hy vọng. Các chị đã sinh ra trên thế gian này và phải gánh chịu quá nhiều thiệt thòi. Nếu không có khát vọng sống và ý chí phi thường, các chị sẽ bỏ mặc cho cuộc đời mình cuốn trôi theo dòng nước tuyệt vọng. Nhưng các chị đã sống, đã lao động hết mình và dâng hiến cho xã hội những điều tốt đẹp. Cuộc sống cá nhân của các chị đã mang đến cho con người niềm tin, niềm hy vọng vào cuộc sống này.

Đối với mỗi nhà văn luôn có hai cuốn sách họ phải viết. Đó là những cuốn sách trên giấy của sự sáng tạo. Và một cuốn sách khác vô cùng quan trọng là cuốn sách mà mỗi nhà văn viết bằng chính cuộc đời của họ. Đi trên đường, tôi thường nghĩ mỗi người ta gặp dù quen hay không quen đều chứa đựng một cuốn sách. Hầu hết con người trên thế gian này đều lặng lẽ viết cuốn sách của đời mình. Cuốn sách của tình yêu thương, lòng vị tha, sự chia sẻ, ý chí đấu tranh cho lẽ phải và cái đẹp, sự dâng hiến cho con người và cho mảnh đất họ đang sống.

Chúng ta đang sống trong một thời đại mà con người phải đương đầu với quá nhiều thách thức và đe dọa đối với nhân tính. Mối quan hệ người với người có không ít những thay đổi. Sự vô cảm và bỏ mặc đang có nguy cơ lan rộng. Con người đang giá lạnh với con người. Con người đang đánh mất vẻ đẹp và ý nghĩa của đời sống hơn bao giờ hết. Con người đang sống đầy “cảnh giác” với con người. Thậm chí, có những tác phẩm văn học tràn ngập sự cay nghiệt và khinh bỉ con người. Chính vậy mà tình yêu thương con người và khát vọng vươn tới những điều đẹp đẽ và tử tế hệ trọng đến nhường nào.

Giải Oscar năm 2023 được trao cho bộ phim “Everything Everywhere All at Once”. Ban giám khảo Oscar đã trao 11 giải cho bộ phim đó với nhiều lý do nhưng lý do quan trọng nhất là bộ phim đã đi tới một thông điệp vô cùng hệ trọng với sự tồn tại của con người và ý nghĩa lớn lao của đời sống, đó là sự tử tế.

Chính điều đó mà giải Nhà văn nữ Ấn tượng đã được dư luận đón nhận và chia sẻ. Bởi nó gửi đi thông điệp của tình yêu thương con người, của giấc mơ làm người và ý chí hành động cho giấc mơ đó. Chính thế mà trong lễ trao giải, tôi không nói chúc mừng các nữ nhà văn nhận giải mà tôi nói cảm ơn họ đã mang tới cho con người niềm tin để sống. Họ mới là những người trao cho chúng ta niềm hy vọng để sống, để hành động và dâng hiến. Với tôi, họ đã viết ra một cuốn sách mang tên Hy vọng cho con người.

Nguyễn Gia Thiều

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ho-da-viet-ra-cuon-sach-mang-ten-hy-vong-228429.html