'Hô biến' đất trồng rừng thành đất sản xuất tại Phú Yên - Kỳ 1: Biến tướng dự án trồng rừng

Dù được giao đất để trồng rừng kinh tế, Công ty TNHH MTV Bảo Châu Phú Yên vẫn sử dụng hơn 18 ha đất rừng sản xuất để trồng sắn và mía trái quy định. Sai phạm kéo dài dù đã nhiều lần bị kiểm tra, nhắc nhở, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ 'hô biến' đất rừng vì lợi ích ngắn hạn.

Hơn 18 ha đất rừng bị sử dụng trái phép, doanh nghiệp chậm trễ khắc phục

Dù được giao hơn 242 ha đất để thực hiện dự án trồng rừng kinh tế, Công ty TNHH MTV Bảo Châu Phú Yên (Công ty Bảo Châu) lại sử dụng hơn 18 ha đất rừng sản xuất để trồng sắn và mía, vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật. Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên, Công ty này đã nhiều lần được yêu cầu trồng lại rừng trong năm 2024, nhưng tiến độ vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Theo báo cáo của UBND xã Sơn Xuân, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên và biên bản kiểm tra ngày 28/6/2024 do Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Hòa chủ trì, doanh nghiệp đã tự ý chuyển đổi 18,25 ha đất rừng sản xuất thành vùng trồng cây nông nghiệp, trong đó 16,7 ha trồng sắn và 1,55 ha trồng mía.

 Cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên xác định Công ty TNHH MTV Bảo Châu Phú Yên sử dụng sai mục đích đối với hơn 18ha đất được giao.

Cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên xác định Công ty TNHH MTV Bảo Châu Phú Yên sử dụng sai mục đích đối với hơn 18ha đất được giao.

Ông Tạ Ngọc Khánh - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Hòa, cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần nhắc nhở và yêu cầu công ty khẩn trương thu hoạch diện tích cây trồng sai mục đích và trồng lại rừng trong năm 2024, nhưng đến nay tiến độ vẫn rất chậm. Việc chuyển đổi sang trồng cây nông nghiệp là không được phép, vì đây là vùng đất đã quy hoạch là rừng sản xuất”.

Việc trồng sắn, trồng mía trong khu vực được giao trồng rừng không chỉ trái quy hoạch, mà còn đi ngược lại tinh thần Nghị quyết 303/NQ-UBND ngày 11/10/2023 của UBND tỉnh Phú Yên – văn bản chỉ cho phép chuyển đổi rừng trồng sang cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, theo lộ trình kiểm soát.

Nếu không xử lý nghiêm, sẽ tạo tiền lệ xấu

Kết quả kiểm tra hiện trạng ngày 2/4/2025 của Chi cục Kiểm lâm Phú Yên cho thấy, phần lớn diện tích trồng keo chỉ mới đạt mật độ khoảng 2.000 cây/ha, thấp hơn thiết kế 2.500 cây/ha. Một số khu vực cây sắn vẫn chưa thu hoạch, chỉ mới bị chặt ngang thân. Cây mía tại lô 1,55 ha cũng cao từ 1 đến 2 mét, chưa được xử lý dứt điểm.

Theo ông Lê Văn Bé - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Phú Yên: “Chi cục Kiểm lâm đã có văn bản yêu cầu trồng lại rừng trong năm 2024 trên toàn bộ diện tích 18,25 ha bị sử dụng sai mục đích. Nếu doanh nghiệp không chấp hành, sẽ bị xử lý theo Nghị định 07/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Ông Bé nhấn mạnh, việc trồng lại rừng không chỉ là nghĩa vụ pháp lý, mà còn liên quan đến chỉ tiêu phủ xanh, mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển lâm nghiệp bền vững của tỉnh.

Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân địa phương, sai phạm này đã tồn tại trong thời gian dài mà không bị xử lý quyết liệt. Một người dân sống gần khu vực dự án cho biết, chỗ này trước kia quy hoạch rừng, nhưng cả năm nay chỉ thấy người ta trồng sắn, trồng mía thôi, giờ trồng ít diện tích cây keo lèo tèo. Người dân ai nhìn vô cũng biết là trồng không đúng dự án rồi.

Một cán bộ kiểm lâm xin được giấu tên thẳng thắn: “Nếu địa phương không kịp thời báo cáo, phối hợp với kiểm lâm thì rất khó phát hiện vi phạm. Đất rừng mà để thành ruộng mía cả năm trời, người dân ai cũng thấy, chỉ có giấy tờ là không cập nhật được thực tế”.

Trong hơn 18ha đất Công ty TNHH MTV Bảo Châu Phú Yên sử dụng sai mục đích có 16,7ha được sử dụng để trồng sắn.

Trong hơn 18ha đất Công ty TNHH MTV Bảo Châu Phú Yên sử dụng sai mục đích có 16,7ha được sử dụng để trồng sắn.

Việc doanh nghiệp “lách luật” để trồng cây nông nghiệp thay vì đầu tư trồng rừng cho thấy thực trạng đáng báo động trong công tác quản lý đất lâm nghiệp. Dự án từng được kỳ vọng sẽ phủ xanh đất trống, tạo sinh kế cho người dân, nhưng sau hơn 10 năm, nhiều diện tích rừng vẫn chỉ tồn tại… trên giấy.

Sự chậm trễ trong xử lý và thiếu chế tài rõ ràng khiến dư luận đặt dấu hỏi về trách nhiệm của chính quyền địa phương và đơn vị quản lý rừng. Nếu các sai phạm không bị xử lý dứt điểm, sẽ tạo ra tiền lệ nguy hiểm cho các doanh nghiệp khác “noi theo”.

Vụ việc tại xã Sơn Xuân cần là hồi chuông cảnh tỉnh. Rừng không chỉ là “lá phổi” của địa phương, mà còn là nền tảng cho phát triển sinh kế, chống biến đổi khí hậu. Để bảo vệ tài nguyên quý giá này, các cơ quan chức năng cần kiên quyết hơn trong thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.

Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.

Xuân Nha - Quốc Hùng

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/phap-luat-ban-doc/dieu-tra-theo-don-thu/ho-bien-dat-trong-rung-thanh-dat-san-xuat-tai-phu-yen-ky-1-bien-tuong-du-an-trong-rung-176238.html