Hiệu quả từ những mô hình trồng hoa tết
Tết Nguyên đán Giáp Thìn đã cận kề, thời điểm này các nhà vườn trên toàn tỉnh đang tất bật chuẩn bị nhiều chủng loại hoa phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của người dân, nhiều nông dân trên địa bàn xã Trừ Văn Thố (huyện Bàu Bàng) đã đầu tư phát triển mô hình trồng hoa để cung cấp cho thị trường.
Tăng thu nhập
Gắn bó với vùng đất Bàu Bàng đã 23 năm, ông Huỳnh Văn Thơ, ấp 4, xã Trừ Văn Thố, cho biết gia đình ông mới bắt đầu trồng hoa kiểng phục vụ thị trường tết được 3 năm nay. Trước đó, gia đình ông chủ yếu trồng cây ăn trái có múi như chôm chôm, sầu riêng... Vốn có nghề trồng hoa kiểng từ ngày còn ở miền Tây, năm 2020 gia đình ông quyết định phát triển mô hình trồng hoa tại vùng đất mới vừa để thỏa niềm đam mê, giữ nghề truyền thống của gia đình, vừa để cung ứng thị trường.
Vụ hoa tết năm nay, gia đình ông Thơ xuống giống khoảng hơn 6.000 chậu các loại, như cúc vạn thọ, mào gà, hoa giấy, cây bắp và hơn 2.000 chậu hoa kiểng như hoa mai, linh sam, tắc. Ông Thơ chia sẻ: “Gia đình tôi có nghề trồng hoa từ lâu đời, bỏ đi thấy tiếc, trồng hoa tết ngắn ngày đỡ công chăm sóc lại nhanh cho thu nhập. Vụ hoa tết năm 2023 gia đình tôi thu lợi nhuận gần 200 triệu đồng. Năm nay, tình hình kinh tế khó khăn nên giảm giá một chút so với mọi năm, còn số lượng cung cấp thị trường không thay đổi”.
Gia đình anh Đinh Hoàng Dũng và chị Võ Thị Thu Hà, ấp 4 xã Trừ Văn Thố cũng sinh sống chủ yếu dựa vào nghề trồng hoa và cây kiểng. Bên cạnh trồng những loại hoa, cây kiểng chuyên phục vụ thị trường tết, như mào gà, vạn thọ, hướng dương, gia đình anh đặc biệt có thế mạnh về trồng mai.
Giới thiệu cho chúng tôi về những chậu mai với các kích cỡ lớn nhỏ khác nhau, chị Hà vui vẻ cho biết: “Năm nay, gia đình xuống giống khoảng hơn 3.000 loại hoa, cây kiểng khác nhau phục vụ thị trường. Trung bình vụ tết hoa ngắn ngày gia đình thu lời gần 100 triệu đồng. Đối với cây mai bán quanh năm, tiêu thụ mạnh nhất dịp tết, giá từ vài chục triệu đến 100-200 triệu/chậu tùy loại”.
Ông Nguyễn Minh Trung, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Trừ Văn Thố, cho biết nhờ chuẩn bị chu đáo quá trình xuống giống và chăm sóc nên diện tích hoa của gia đình ông Thơ, anh Dũng phát triển tốt, chất lượng bảo đảm. Hiện xã có khoảng 7 hộ chuyên trồng mai và 4 hộ trồng hoa tổng hợp. Ngoài thường xuyên mở các lớp tập huấn về nông nghiệp, xã còn hỗ trợ hội viên nông dân nguồn vốn vay để đầu tư chậu kiểng, phân bón, phát triển kinh tế gia đình.
Nhân lên niềm vui
Có mặt tại vườn của những người nông dân với bạt ngàn những loại hoa rực rỡ sắc màu trong những ngày này mới cảm nhận được sự nhộn nhịp, khẩn trương. Vụ hoa tết được người nông dân mong chờ, đặt kỳ vọng nhất trong một năm.
Để có những chậu hoa ưng ý, đẹp mắt, người trồng phải biết cách chọn cây giống tốt và tính toán thời gian xuống giống phù hợp. Là những người có kinh nghiệm lâu năm nên việc chăm hoa của gia đình ông Thơ, anh Dũng không gặp nhiều khó khăn. Ông Thơ tâm sự: “Với những cây hoa ngắn ngày như mào gà, cúc vạn thọ gia đình xuống giống từ tháng 10, hay như cây tắc thì trồng từ tháng 6. Biết chăm sóc, điều chỉnh thời gian phù hợp thời tiết sẽ giúp hoa trổ đẹp, đúng thời điểm tết”.
Vừa tưới cho khoảng 1.000 chậu vạn thọ, anh Dũng nói: “Năm nay thời tiết nóng nên một số cây trổ bông sớm, nhưng đa phần sẽ nở vào những ngày tết. Thường phải đến ngày 22- 23 tháng chạp trở đi người dân mới bắt đầu mua hoa nhiều. Gần tết gia đình tôi thường đặt gian hàng tại chợ Chơn Thành (Bình Phước) để trưng bày và bán cho khách hàng đến tham quan hội chợ xuân. Do thị trường năm nay khó khăn nên gia đình giảm bớt số lượng một số loại hoa ngắn ngày”.
Dự báo năm nay thị trường hoa tết sẽ khó khăn hơn nhưng các nhà vườn không vì thế mà ngừng tất bật với công việc của mình. Bên cạnh việc tăng thu nhập, họ luôn mong muốn đem đến cho mỗi gia đình những chậu hoa xuân đón tết. Trồng hoa tết là để ươm niềm vui, chuẩn bị đón một năm mới hứng khởi, may mắn hơn.
Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/hieu-qua-tu-nhung-mo-hinh-trong-hoa-tet-a315379.html