Hiệu quả mô hình phòng cháy, chữa cháy ở cơ sở
Thời gian qua, mô hình 'Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy' và 'Tiếng kẻng an toàn phòng cháy chữa cháy' được triển khai tại nhiều tổ dân phố, thôn bản trên địa bàn tỉnh bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực. Mô hình phòng cháy chữa cháy (PCCC) ở cơ sở đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong đảm bảo an toàn phòng cháy và cứu nạn cứu hộ.
Ðến nay, toàn tỉnh đã thành lập và đưa vào hoạt động gần 160 mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”; gần 100 điểm chữa cháy công cộng và hơn 880 tổ dân phố, thôn, bản xây dựng mô hình “Tiếng kẻng an toàn PCCC”. Ðể mô hình hoạt động hiệu quả, ngay từ khi thành lập, lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH Công an các huyện, thị xã thành phố phối hợp với Công an cấp xã tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, tổ chức thực tập phương án cho người dân, hộ gia đình trong tổ dân phố, thôn bản, nhất là thành viên các tổ liên gia an toàn PCCC trên địa bàn.
Tổ liên gia an toàn PCCC tại tổ 11, phường Him Lam (TP. Ðiện Biên Phủ) được thành lập từ tháng 5/2023, có 5 thành viên là những hộ sản xuất, kinh doanh liền kề nhau. Tham gia mô hình, mỗi gia đình đã trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy xách tay và 1 dụng cụ phá dỡ; lắp đặt chuông báo cháy kết nối liên thông giữa các hộ gia đình để khi có sự cố tại một nhà, tất cả các nhà khác đều biết để hỗ trợ cứu người, tài sản và tổ chức chữa cháy.
Ông Lê Ðình Bách, công an viên tổ dân phố 11, phường Him Lam cho biết: Từ khi thành lập tổ liên gia PCCC, các thành viên trong tổ thường xuyên liên lạc, trao đổi thông tin với nhau. Khi phát hiện nghi ngờ, người dân sẽ ấn chuông báo động để các hộ gia đình khác được biết và có biện pháp ứng phó kịp thời. Thông qua mô hình tổ liên gia, công tác an toàn PCCC ở khu dân cư đã được thực hiện chủ động và hiệu quả hơn. Trước đây, các hộ dân đều coi đây là nhiệm vụ của cơ quan chức năng song sau khi triển khai mô hình điểm tổ liên gia an toàn PCCC, người dân đã thay đổi nhận thức, coi công tác đảm bảo an toàn PCCC là trách nhiệm của toàn dân. Ðến nay, mỗi hộ gia đình đều cơ bản trang bị bình chữa cháy xách tay.
Bên cạnh mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC, mô hình “Tiếng kẻng an toàn PCCC” cũng được triển khai tại nhiều thôn bản. Tại xã Thanh Luông (huyện Ðiện Biên), mô hình “Tiếng kẻng an toàn PCCC” đã triển khai thực hiện tại 18/18 thôn, bản bằng nguồn kinh phí do người dân tự nguyện đóng góp. Những chiếc kẻng do người dân tự chế bằng vỏ bom, bình cứu hỏa, bình ga đã qua sử dụng được lắp đặt tại khu vực trung tâm, nhà văn hóa của các thôn, bản. Kẻng báo động truyền tải những thông điệp khác nhau như: Nhắc nhở người dân kiểm tra việc sử dụng nguồn nhiệt, nguồn điện, nguồn dễ phát sinh cháy, nổ của gia đình; kẻng báo hiệu cháy nổ, báo cứu nạn cứu hộ và các vụ việc liên quan đến an ninh trật tự khi xuất hiện tình huống cháy, nổ...
Anh Vũ Văn Ngọc, chủ một cửa hàng tạp hóa ở trung tâm xã Thanh Luông cho biết: Gia đình kinh doanh tạp hóa tại khu vực chợ Thanh Luông, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn PCCC. Vì vậy, khi mô hình “Tiếng kẻng an toàn PCCC” ra đời đã tác động tích cực đến ý thức của nhiều hộ dân tại khu vực chợ. Hiện nay, nhiều gia đình, hộ kinh doanh đã tự trang bị bình chữa cháy; thực hiện công tác an toàn PCCC trong nấu ăn, thờ cúng, sinh hoạt gia đình.
Mặc dù chỉ mới thành lập và hoạt động một thời gian ngắn song các mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Tiếng kẻng an toàn PCCC” đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong công tác PCCC, xây dựng và củng cố lực lượng PCCC tại chỗ. Các mô hình an toàn PCCC như những cánh tay nối dài của các lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH thực hiện nhiệm vụ báo động kịp thời, nhanh chóng huy động người dân và phương tiện tham gia chữa cháy và cứu nạn cứu hộ ban đầu khi có cháy nổ xảy ra tại khu dân cư, nhà ở. Hiện nay, chính quyền, lực lượng công an các cấp đang tiếp tục phổ biến, tuyên truyền để nhân rộng mô hình trong toàn tỉnh, nhằm huy động và lan tỏa mạnh mẽ phong trào toàn dân tham gia PCCC.