Hiểu đúng về đột quỵ & đột tử

Đột quỵ do não và đột tử do tim là hai thuật ngữ dùng để mô tả các tình trạng cấp cứu của não và tim, với đặc điểm biểu hiện chung là diễn tiến đột ngột, dễ dẫn đến tử vong tức thời nếu không được nhận diện và xử trí kịp thời. Tuy nhiên, phân biệt đột quỵ và đột tử rất quan trọng, vì cách xử trí ban đầu và phác đồ điều trị bệnh nhân hoàn toàn khác nhau.

 Thể dục đều đặn giúp giảm nguy cơ đột quỵ. Ảnh: Bảo Phước

Thể dục đều đặn giúp giảm nguy cơ đột quỵ. Ảnh: Bảo Phước

Đột quỵ hay được gọi là tai biến mạch máu não, thường biểu hiện đột ngột liệt 1/2 người, có thể kèm hôn mê, nhưng tim thường hoạt động bình thường vì thế bệnh nhân khó tử vong nhanh, cần một thời gian tùy theo thể đột quỵ (xuất huyết não hay nhồi máu não). Trong khi, đột tử là biến cố tim ngừng đập đột ngột, tỉ lệ tử vong nhanh, thời gian ngắn, trừ khi được cấp cứu đưa vào bệnh viện kịp thời.

Mặc dù đột quỵ và đột tử do tim là hai tình huống cấp cứu hoàn toàn khác nhau về triệu chứng, nhưng lại có chung nhiều yếu tố nguy cơ: Hút thuốc lá, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường, ít vận động thể lực, béo phì, tiền căn gia đình bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch, rung nhĩ…

Ở đột quỵ não, dấu hiệu cảnh báo là méo mặt, méo miệng thường ở một bên. Rõ nhất khi người bệnh há lớn miệng hoặc cố gắng mỉm cười; yếu tay thường ở một bên; nói không rõ chữ, nói lắp, nói khó, không diễn đạt được điều muốn nói, thậm chí không thể nói được; nhiều người hợp mất ý thức, hôn mê sâu và dẫn đến tử vong nhanh chóng. Ở đột quỵ tim, những dấu hiệu cảnh báo bao gồm: Đau hoặc tức ngực; choáng váng, buồn nôn hoặc nôn ói; đau hàm, cổ hoặc lưng; khó chịu hoặc đau ở cánh tay hoặc vai; khó thở… Khi có các triệu chứng: khó thở, chóng mặt, đau hoặc tức ngực, ho ra máu hoặc đau bụng dữ dội, đau thắt lưng dữ dội, tụt huyết áp, sốc... cần nhanh chóng đưa người bệnh đi cấp cứu ngay tại cơ sở y tế càng sớm, càng tốt, để được thăm khám và xử trí kịp thời.

Hiệp hội Tim mạch học Hoa Kỳ đánh giá 7 yếu tố sức khỏe và hành vi chính làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và đo lường những chỉ số này để theo dõi tiến trình cải thiện sức khỏe tim mạch.

Nguyên tắc cơ bản phòng ngừa đột quỵ và đột tử do tim nhìn chung giống nhau. Đó là thay đổi lối sống tích cực giúp giảm cả nguy cơ đột tử do nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Dù ở bất cứ độ tuổi nào, chúng ta cũng nên duy trì vận động thể lực thể thao đều đặn (ít nhất 30 phút/ngày, hầu hết các ngày trong tuần). Duy trì cân nặng lý tưởng bằng khẩu phần ăn hợp lý. Ngưng hút thuốc lá và giảm lượng cồn trong thức uống. Khám sức khỏe định kỳ, phát hiện và chẩn đoán sớm các yếu tố nguy cơ tim mạch gây xơ vữa động mạch, như: tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, rung nhĩ, đái tháo đường… Tùy theo giai đoạn bệnh lý, một hay nhiều bệnh lý đi kèm, tùy theo đặc điểm lối sống từng bệnh nhân, các bác sĩ chuyên khoa sẽ tư vấn chế độ điều trị và theo dõi hợp lý.

TS.BS. Nguyễn Đức Hoàng

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/y-te-suc-khoe/hieu-dung-ve-dot-quy-dot-tu-150699.html