Hiệp ước quốc tế về ứng phó với các đại dịch: Vẫn chỉ là mong muốn

Một 'hiệp ước đại dịch' mới dựa trên những nguyên tắc đoàn kết, minh bạch, trách nhiệm giải trình và công bằng, giúp các nước kiểm soát tốt sự bùng phát đại dịch trong tương lai, là mong muốn của các nhà lãnh đạo Tổ chức Y tế Thế giới. Tuy nhiên, từ mong muốn đến hiện thực lại là hành trình khá dài.

Hạn chót có thể bị bỏ lỡ…

Ngày 22/1 vừa qua, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus bày tỏ quan ngại nhiều nước trên thế giới có thể bỏ lỡ thời hạn chót vào tháng 5/2024 để nhất trí về một “hiệp ước đại dịch” mang tính ràng buộc pháp lý, nhằm đảm bảo ứng phó hiệu quả hơn đối với các cuộc chiến chống đại dịch trong tương lai. Cụ thể, theo người đứng đầu WHO, hiện tại nhiều nước có thể sẽ không thực hiện được cam kết trong việc chống lại đại dịch, trong khi vẫn còn một số vấn đề đáng quan ngại cần được giải quyết.

Cách đây hơn một năm, trong thông điệp cuối năm 2023, Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus đã kêu gọi các quốc gia ký kết một hiệp định đại dịch “to lớn”, nhằm khắc phục những lỗ hổng về sự chuẩn bị sẵn sàng đã được bộc lộ trong đại dịch. WHO hiện đã có các quy định mang tính ràng buộc gọi là Các quy định y tế quốc tế (năm 2005), trong đó đề ra trách nhiệm của các nước thành viên khi một dịch bệnh có thể lây lan sang các nước khác; khuyến nghị WHO ban bố tình trạng khẩn cấp về y tế, cũng như các biện pháp về thương mại và đi lại.

Tuy nhiên, WHO cho rằng các quy định này vẫn chưa đủ để ứng phó với đại dịch quy mô toàn cầu. Do vậy, một hiệp ước mới ứng phó với các đại dịch trên quy mô toàn cầu trong tương lai là rất cần thiết. “Hiệp định đại dịch đang được thiết kế để thu hẹp khoảng cách trong cộng tác, hợp tác và công bằng toàn cầu” - ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh. Điều đáng nói thêm nữa là Hiệp ước mới này là ưu tiên hàng đầu của Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus trong nhiệm kỳ 5 năm lần thứ 2 của ông.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Ghebreyesus. Ảnh: New York Post

Thực ra, câu chuyện về cái gọi là một hiệp ước toàn cầu về đại dịch đã được bàn đến từ lâu. Ý tưởng xây dựng một hiệp ước quốc tế về các đại dịch đã được Chủ tịch Hội đồng châu Âu - Charles Michel đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) hồi tháng 11/2020.

Theo ông Michel, hiệp ước này sẽ giúp bảo đảm quyền tiếp cận công bằng vaccine, thuốc điều trị và phương pháp chẩn đoán khi đại dịch xảy ra. Tiếp đến, trong bài viết chung được xuất bản ngày 29/3/2021, các nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có Thủ tướng Anh, Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức, cảnh báo sự xuất hiện của đại dịch toàn cầu là điều không thể tránh khỏi trong tương lai và rằng, đã đến lúc các quốc gia từ bỏ chủ nghĩa biệt lập và chủ nghĩa dân tộc, cùng nhau mở ra kỷ nguyên mới dựa trên nguyên tắc đoàn kết và hợp tác. Cụ thể, cần có một hiệp ước tương tự hiệp ước được ký kết sau năm 1945 nhằm thiết lập quan hệ hợp tác xuyên biên giới trước khi xuất hiện cuộc khủng hoảng y tế quốc tế tiếp theo.

Theo các nhà lãnh đạo, một hiệp ước ứng phó đại dịch sẽ giúp các quốc gia hành động có trách nhiệm, chia sẻ trách nhiệm, minh bạch và hợp tác trong khuôn khổ hệ thống quốc tế và tuân thủ các nguyên tắc, quy chuẩn trong hệ thống này. “Sẽ có những đại dịch khác và những trường hợp khẩn cấp về sức khỏe lớn khác. Không một Chính phủ hoặc tổ chức đa phương nào có thể giải quyết mối đe dọa này một mình. Với tư cách là lãnh đạo của các quốc gia và tổ chức quốc tế, chúng tôi tin rằng trách nhiệm của mình là bảo đảm thế giới rút ra được bài học từ đại dịch COVID-19”, các nhà lãnh đạo nêu rõ trong thông cáo chung được đăng trên các phương tiện truyền thông.

Đến cuối năm 2022, các nước thành viên Tổ chức Y tế thế giới được cho là đang tiến hành đàm phán xây dựng một hiệp ước quốc tế mới liên quan tới cách thức ứng phó với các đại dịch trong tương lai, với mục tiêu là đến tháng 5/2024, thỏa thuận mang tính pháp lý này sẽ được 194 nước thành viên WHO thông qua. Mục tiêu chính của hiệp ước này là tăng cường khả năng ứng phó của thế giới với các đại dịch trong tương lai thông qua hệ thống cảnh báo tốt hơn; chia sẻ dữ liệu, hoạt động nghiên cứu, sản xuất và phân phối vaccine, thuốc điều trị, phương pháp chẩn đoán và trang thiết bị bảo hộ cá nhân.

Tuy nhiên, cần thiết, được ủng hộ là vậy nhưng như lời nhận định của Tổng Giám đốc Tedros Adhanom, thế giới đang có khả năng lại lỡ hẹn với hiệp ước này khi cột mốc tháng 5/2024 đang tới rất gần.

Cảnh báo sự bùng phát của “bệnh X” có thể nguy hiểm gấp 20 lần so với COVID-19

Cùng với việc cảnh báo về sự lỡ hẹn của hiệp ước, WHO cũng cảnh báo về sự bùng phát của Bệnh X - thuật ngữ được WHO đưa ra vào năm 2018, đại diện cho căn bệnh chưa biết tiếp theo về tiềm năng dịch bệnh. Theo đó, bệnh X không phải là một bệnh cụ thể mà là tên của một loại virus tiềm ẩn tương tự như COVID-19. Nó có thể là một tác nhân mới, loại virus, vi khuẩn hoặc nấm, nói chung là một mầm bệnh chưa xác định có thể gây ra dịch bệnh nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu.

Theo GS-TS Lam Sai Kit, một trong những nhà khoa học phát hiện virus Nipah, nhiều khả năng bệnh xảy ra do nạn phá rừng và buôn bán động vật hoang dã. Do đó, các cơ quan chức năng nên tăng cường giám sát căn bệnh này. Hiện WHO đã lập danh sách các loại virus có khả năng trở thành tác nhân gây bệnh X có khả năng gây tử vong cao hơn Covid-19.

Làn sóng Covid-19 mới đang tăng nhanh trên toàn cầu.

Cùng với cảnh báo về bệnh X, mới đây, WHO cũng vừa tiếp tục lên tiếng cảnh báo về dịch Covid-19. Theo báo cáo cập nhật mới nhất của WHO, thế giới ghi nhận hơn 1,1 triệu ca mắc Covid-19 mới trong tháng qua, tăng 4% so với tháng kế trước. Số liệu từ trang Worldometer cho thấy tính đến ngày 23/1, đã có tổng cộng 702,1 triệu ca mắc Covid-19 và 6,97 triệu ca tử vong. WHO cảnh báo rằng con số được báo cáo không phản ánh tỷ lệ lây nhiễm thực tế, do việc xét nghiệm và báo cáo trên toàn cầu giảm xuống.

Hiện COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, song virus vẫn đang lây lan, biến đổi và gây ra nhiều ca tử vong. Tổng Giám đốc WHO đánh giá: “Chắc chắn cũng có chiều hướng gia tăng ở những nước khác mà không được báo cáo. Giống như các Chính phủ và cá nhân thực hiện những biện pháp phòng ngừa các dịch bệnh khác, tất cả chúng ta đều phải tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa chống dịch COVID-19”.

“Mặc dù 10.000 ca tử vong mỗi tháng là con số thấp hơn nhiều so với đỉnh điểm của đại dịch, nhưng mức tử vong này là không thể chấp nhận được” - Tổng Giám đốc WHO cảnh báo. Theo AP, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, cho biết, các cuộc tụ tập trong dịp nghỉ lễ và một biến thể lây lan nhanh chóng là nguyên nhân đằng sau sự gia tăng số ca nhập viện và tử vong do Covid-19 trên toàn thế giới.

Hà Trang

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/hiep-uoc-quoc-te-ve-ung-pho-voi-cac-dai-dich-van-chi-la-mong-muon-post282301.html