HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế thông qua 23 Nghị quyết
Ngày 25/9, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế khóa VIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026 tổ chức Kỳ họp chuyên đề lần thứ 19 và thông qua 23 Nghị quyết quan trọng với sự nhất trí cao của các đại biểu tham dự.
Phát biểu khai mạc Kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu nhấn mạnh, kỳ họp được tổ chức trên tinh thần đồng hành, chia sẻ trách nhiệm và chủ động phối hợp giữa Thường trực HĐND tỉnh với lãnh đạo UBND tỉnh trong việc thực hiện các quy định của pháp luật và nhiệm vụ chính trị ở địa phương; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc điều hành của UBND tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024.
Trong nhiều nội dung HĐND tỉnh xem xét, đáng chú ý, HĐND tỉnh đã cho ý kiến về dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 – 2030.
Theo đó, UBND tỉnh xây dựng dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 trình HĐND tỉnh xem xét, cho ý kiến với tổng số tiền là 36.359,375 tỷ đồng để thực hiện 248 dự án (DA) và các chương trình, nhiệm vụ khác theo quy định.
Cụ thể, nguồn vốn Trung ương dự kiến là 20.581,688 tỷ đồng để thực hiện 46 DA; nguồn vốn ngân sách địa phương dự kiến 15.777,707 tỷ đồng. Danh mục công trình, DA được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên như nguồn vốn thanh toán khối lượng hoàn thành, hoàn ứng ngân sách, DA đã hoàn thành đưa vào sử dụng, vốn thực hiện nhiệm vụ quy hoạch, vốn chuẩn bị đầu tư, vốn khởi công mới...
Liên quan đến việc bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024, Ban Kinh tế - Ngân sách cho rằng, việc UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, cho ý kiến bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 số tiền 19,6 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương để thực hiện Dự án Đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương là phù hợp với thực tiễn. Bởi, đây là dự án trọng điểm của tỉnh, tiến độ thi công đảm bảo kế hoạch đề ra. HĐND tỉnh cũng thông qua phương án sử dụng nguồn vượt thu xổ số kiến thiết và nguồn thu phí tham quan di tích năm 2023 với tổng số tiền 107,2 tỷ đồng.
Trên cơ sở rà soát tiến độ của các DA, tại kỳ họp, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh giao kế hoạch vốn năm 2024 số tiền 92,4 tỷ đồng để thực hiện 3 DA: Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lăng vua Tự Đức (phần còn lại) số tiền 7,4 tỷ đồng; bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống kinh thành Huế - hợp phần tu bổ, tôn tạo di tích số tiền 22,3 tỷ đồng; tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Điện Cần Chánh số tiền 62,7 tỷ đồng.
Qua thẩm tra, Ban Kinh tế - Ngân sách nhận thấy, 3 dự án trên đã được bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, đảm bảo đầy đủ các điều kiện giao kế hoạch vốn năm 2024 để thực hiện.
Ngoài ra, HĐND cũng tỉnh xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư DA Tu bổ, phục hồi thích nghi Điện Thoại Thánh thuộc Quần thể di tích lăng Vua Gia Long; điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Trường THPT Đặng Trần Côn (giai đoạn 1); điều chỉnh chủ trương đầu tư DA Cải thiện dịch vụ y tế tại tỉnh Thừa Thiên Huế; điều chỉnh chủ trương đầu tư DA Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích Kinh thành Huế; cho ý kiến điều chỉnh chủ trương đầu tư DA "Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh)" - tiểu dự án Thừa Thiên Huế.
Tại kỳ họp, HĐND tỉnh cũng đã xem xét, thông qua các nghị quyết khác về bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 nguồn vốn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2023; quy định nội dung và mức chi hỗ trợ khuyến khích người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tham gia học xóa mù chữ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2030; thông qua điều chỉnh Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030…
Phát biểu bế mạc Kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu cho biết, kỳ họp đã thông qua 23 nghị quyết quan trọng với sự nhất trí cao của các đại biểu tham dự.
Để thực hiện thành công các nghị quyết được HĐND tỉnh thông qua, ông Lê Trường Lưu đề nghị UBND tỉnh khẩn trương ban hành kế hoạch triển khai thực hiện, đảm bảo nghị quyết đi vào cuộc sống; chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các cơ chế, quy định được ban hành.