Hậu phương miền Bắc - vững vàng niềm tin!

Khi đế quốc Mỹ nhảy vào xâm lược nước nhà, toàn dân ta một lòng theo Đảng lên đường ra trận. Có hàng vạn, hàng triệu những người con dũng cảm hy sinh cái quý giá nhất là thân thể mình để đất nước Việt 'hóa vàng nhân phẩm lương tâm' của đạo lý nhân loại, để dân tộc Việt 'làm sen thơm ngát giữa đầm' của văn hóa thế giới.

Những cô gái ba đảm đang ở Vũ Thư, Thái Bình quạt thóc vàng gửi ra tiền tuyến. Ảnh: TL

Những cô gái ba đảm đang ở Vũ Thư, Thái Bình quạt thóc vàng gửi ra tiền tuyến. Ảnh: TL

Chỉ 2 tháng đầu năm 1975, miền Bắc huy động 57.000 cán bộ, chiến sĩ và 260.000 tấn vật chất (vũ khí, đạn dược, gạo, xăng dầu…) chi viện cho miền Nam. Vì sao trong điều kiện kinh tế nghèo nàn, lại trực tiếp đương đầu với cuộc chiến tranh phá hoại (đường không, đường biển) của kẻ thù, lại có thể huy động một khối lượng vật chất khổng lồ như vậy? Chỉ có thể lý giải: Sức mạnh chính trị, tinh thần được kết tinh ở mức cao nhất tạo động lực để con người làm những việc phi thường.

Không khí miền Bắc những ngày ấy thật sự là ngày hội: “Những buổi vui sao, cả nước lên đường/ Xao xuyến bờ tre, từng hồi trống giục”. Nhân vật trung tâm của ngày hội là thanh niên: “Xóm dưới làng trên, con trai con gái/ Xôi nắm cơm đùm, ríu rít theo nhau” (Chính Hữu - Đường ra mặt trận). Câu thơ: “Đường ra trận mùa này đẹp lắm” (Phạm Tiến Duật) là rất thơ, cũng rất thật. Đi đuổi giặc để đòi lại độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân, chẳng phải là hành vi văn hóa đẹp nhất sao?

Đằng sau đội ngũ trùng trùng “Lớp cha trước, lớp con sau” ra tiền tuyến, là hàng triệu người mẹ, người vợ, người chị ở hậu phương sản xuất nuôi quân, bằng cả sự hy sinh vô cùng lớn lao. Có nhiều bà mẹ “ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ”… Ai cũng thấm thía, trong chiến tranh, người đau khổ nhất, hy sinh lớn nhất là người Mẹ. Với người mẹ, có gì quý hơn đứa con mình đâu. Thế mà Mẹ sẵn lòng đưa cái quý giá nhất vào nơi mất còn…

“Cỏ non Thành cổ” của nhạc sĩ Tân Huyền là một trong những ca khúc hay nhất nói về Chiến dịch Thành cổ năm 1972. Lời bài hát đi nhịp chậm, day dứt, thành kính, thiêng liêng, nói về lòng biết ơn những người đã ngã xuống: “Cỏ non Thành cổ một màu xanh non tơ/ Bình minh Thành cổ, cỏ mềm theo gió đung đưa/ Cỏ non Thành cổ một màu xanh non tơ/ Nào có ai ngờ nơi đây một thời máu đổ/ Người vợ nào người mẹ nào ngậm ngùi nuốt lệ khi chồng con không trở về…”. Hình tượng cỏ non, cỏ xanh được điệp đi điệp lại, được đảo ngữ diễn tả một cách tạo hình thật đặc sắc những ngọn cỏ xanh “theo gió đung đưa”. Những hình ảnh không gian thấy được ấy làm điểm tựa cảm xúc để lời hát sâu nặng, da diết hướng về một hình tượng được ẩn đi, không nhìn thấy: “Người nằm dưới cỏ”. Nỗi đau như nhân lên nhiều lần: Người đã lẫn với cỏ. Các anh hùng liệt sĩ đã hòa thân mình vào đất đai Thành cổ. Cỏ thì vẫn vô tư xanh. Nhưng con người thì nhức nhối…

Nơi miền đất lửa Quảng Bình có Mẹ Suốt (bài thơ cùng tên của Tố Hữu), mà con đò của Mẹ đã neo vào lịch sử để tạo hình âm thanh sóng vỗ, mãi mãi là tiếng ru về lòng yêu nước, về ý chí, niềm tin và nghị lực Việt Nam. Tuổi đã cao, dưới mưa bom của quân xâm lược, Mẹ vẫn chèo đò đưa quân vượt sông vào Nam: “Một tay, lái chiếc đò ngang/ Bến sông Nhật Lệ, quân sang đêm ngày”. Nhờ những người Mẹ như thế, những con đò như thế, đất nước mình mới nở hoa Độc lập: “Chẳng bằng con gái, con trai/ Sáu mươi còn một chút tài đò đưa/ Tàu bay hắn bắn sớm trưa/ Thì tui cứ việc nắng mưa đưa đò…”.

Vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam. Ảnh: TL

Vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam. Ảnh: TL

Hình ảnh nữ anh hùng Ngô Thị Tuyển có mặt trên nhiều tờ báo lớn thế giới suốt tháng 4/1965 và mãi sau, kèm theo lời “chú”: “Vừa xong nhiệm vụ truy lùng giặc lái Mỹ nhảy dù (khu vực cầu Hàm Rồng - Thanh Hóa), gặp một chiếc tàu hải quân yêu cầu dân quân tiếp tế đạn, Ngô Thị Tuyển vác 2 hòm đạn nặng 98kg, vượt qua đê xuống tàu”. Đó là biểu tượng cho ý chí Việt Nam!

Hầu hết trai tráng ra trận, ở hậu phương là những người mẹ, người vợ, vừa sản xuất, vừa là điểm tựa cho chồng con yên tâm ra trận. Vì thế, trong bức thư của người vợ, dù đã có tuổi (vợ chính ủy Kinh) gửi cho chồng cũng có thể tìm thấy ở bất kỳ lá thư nào của những người vợ trẻ: “...Ở nhà mọi người đều bình yên và đang tích cực sản xuất để góp phần cùng tiền tuyến chống Mỹ cứu nước” (Dấu chân người lính). Những người vợ ấy đã xác định không chỉ gửi thư cho chồng mà còn cho cả đồng chí của chồng. Những người chồng cũng tương tự, lá thư không chỉ của riêng mình, còn là của chung đồng đội. Tất cả, những người nơi hậu phương, nơi tiền tuyến, tiền tuyến - hậu phương đều coi nhau như trong một nhà, tất cả vì mục tiêu đuổi giặc. Sự hy sinh của người vợ lớn lao lắm, như trong thơ Hữu Thỉnh: “Chị đợi chờ quay mặt vào đêm/ Hai mươi năm mong trời chóng tối/ Hai mươi năm cơm phần để nguội/… Hai mươi năm chị tôi đi đò đầy/ Cứ sợ đắm vì mình còn nhan sắc/…Chị thiếu anh nên chị bị thừa ra/ Một mình một mâm cơm/ Ngồi bên nào cũng lệch/ Chị chôn tuổi xuân trong má lúm đồng tiền” (Đường tới thành phố). Chờ đợi đã là một hy sinh. Chờ đợi mà chồng mãi mãi không về, là một nỗi đau còn hơn trời hơn bể. Nhưng trời bể vẫn có giới hạn. Nỗi đau của Chị là vô hạn!

Ở miền Nam làm cuộc đấu tranh vũ trang giải phóng, ở miền Bắc tiến hành công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải “thắt lưng buộc bụng” để “gạo không thiếu một cân, quân không thiếu một người” cho tiền tuyến. Không khí ấy được phản ánh trung thực trong văn học với Cái sân gạch, Vụ lúa chiêm (Đào Vũ), Bão biển, Đất mặn (Chu Văn); Xung đột, Chủ tịch huyện (Nguyễn Khải); Miền Tây (Tô Hoài), Đất làng (Nguyễn Thị Ngọc Tú)… Đọc những tác phẩm ấy, bạn đọc thấy phơi phới một niềm tin yêu vào sự tất thắng của cái mới, cái tốt, tin vào chủ nghĩa xã hội. Thời đó, tất cả đều giản đơn, hầu như ai ai cũng trong sáng một ý nghĩ: Tất cả vì tiền tuyến; Tất cả vì chủ nghĩa xã hội!

Ở lĩnh vực thơ, chỉ một “Hạt gạo làng ta” (1968) của Trần Đăng Khoa cũng tái hiện sinh động không khí thời chiến chỉ có người mẹ, người vợ, trẻ em nơi hậu phương: “Hạt gạo làng ta/ Có bão tháng Bảy/ Có mưa tháng Ba/ Giọt mồ hôi sa/ Những trưa tháng Sáu/ Nước như ai nấu/ Chết cả cá cờ/ Cua ngoi lên bờ/ Mẹ em xuống cấy...”. Với các em bé, đem tuổi thơ góp phần đuổi giặc theo cách của mình: “Sớm nào chống hạn/ Vục mẻ miệng gàu/ Trưa nào bắt sâu/ Lúa cao rát mặt/ Chiều nào gánh phân/ Quang trành quét đất”.Khai thác triệt để các cảnh đối lập, bài thơ bật ra một tinh thần, ý chí Việt Nam: Toàn dân đánh giặc. Giặc xâm lược nhất định thua!

Ngày 21/9/1965, trong bối cảnh máy bay Mỹ oanh tạc dữ dội miền Bắc, nghệ sỹ nhiếp ảnh Phan Thoan chụp được bức ảnh để đời: Hình ảnh nữ dân quân vóc dáng nhỏ bé cầm súng áp giải viên phi công Mỹ to lớn. Bức ảnh về sau nổi tiếng cả thế giới. Cảm hứng trước ý nghĩa lớn lao của biểu tượng chiến thắng, nhà thơ Tố Hữu viết bài thơ đi vào lịch sử: “O du kích nhỏ giương cao súng/ Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu/ Ra thế! To gan hơn béo bụng/ Anh hùng đâu cứ phải mày râu!”.

Thời ấy là thời của lý tưởng, của niềm tin, “người với người sống để yêu nhau”, tình yêu nam nữ lại càng thế. Niềm tin là cơ sở của tình yêu, tiếp thêm sức mạnh cho tình yêu vượt qua mọi thách thức, mà chiến tranh là thách thức lớn nhất: “Bao năm rồi đánh Mỹ/ Lòng tin vẫn y nguyên/ Đạn bom không xóa được/ Nét mùa xuân hồn nhiên” (Tiếng mùa xuân - Lâm Thị Mỹ Dạ). Một trong những lý giải có sức thuyết phục về nguyên nhân thắng Mỹ là người Việt Nam rất giàu niềm tin. Có niềm tin là có tất cả: “Em tươi tắn như mùa xuân thứ nhất/ Nhưng thủy chung như một sắc mai già/ Đôi mắt mở to, dịu dàng thấm mát/ Sau rất nhiều gian khổ đi qua” (Tình yêu và báo động - Bằng Việt).

Tình yêu đã kiến tạo niềm tin – Niềm tin Việt Nam!./.

THANH TÚ

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/hau-phuong-mien-bac-vung-vang-niem-tin-39890.html