Hậu bầu cử Mỹ 2020: Ông Biden quyết khôi phục vị thế lãnh đạo của Mỹ; Nhận đề cử những vị trí trọng yếu, các trợ thủ đắc lực nói gì?

Ngày 24/11, ông Joe Biden - người được truyền thông đưa tin giành chiến thắng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2020 - đã chia sẻ tầm nhìn về chính sách đối ngoại dựa trên việc Mỹ giữ vai trò lãnh đạo toàn cầu và tăng cường các liên minh của Washington ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

'Phó tướng' Kamala Harris (áo đỏ) và những nhân vật chủ chốt trong Nội các tương lai của ông Biden. (Nguồn: NBC News)

Quan điểm trên được đưa ra khi cựu Phó Tổng thống Mỹ giới thiệu những nhân vật mà ông lựa chọn cho vị trí Ngoại trưởng (Antony Blinken), Cố vấn An ninh Quốc gia (Jake Sullivan), Giám đốc tình báo Quốc gia (Avril Haines) và những vị trí chủ chốt khác trong Nội các tương lai.

Ông Biden cho rằng, quyết định đề cử nhà ngoại giao kỳ cựu Antony Blinken làm Ngoại trưởng sẽ xây dựng lại nhuệ khí và lòng tin tại Bộ Ngoại giao Mỹ - cơ quan chịu trách nhiệm về các mối quan hệ ngoại giao của Washington.

Ngoài ra, ông Biden cũng khẳng định, Ủy ban An ninh Quốc gia (NSC) gồm những nhân vật lão luyện mà ông lựa chọn - trong đó có ông Blinken, bà Linda Thomas-Greenfield (được bổ nhiệm làm Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc), ông Sullivan, cựu Ngoại trưởng John Kerry (được bổ nhiệm làm cố vấn phụ trách vấn đề khí hậu), ông Alejandro Mayorkas (được bổ nhiệm làm Bộ trưởng An ninh Nội địa) và bà Haines - đã sẵn sàng khôi phục vị thế lãnh đạo của Mỹ đối với thế giới sau khi Tổng thống Donald Trump rời khỏi Nhà Trắng.

Cựu Phó Tổng thống Mỹ khẳng định, đây sẽ là "đội ngũ bảo vệ sự an toàn cho đất nước và người dân Mỹ", đồng thời đội ngũ này cũng phản ánh thực tế rằng nước Mỹ đã trở lại, sẵn sàng dẫn đầu thế giới, thay vì rút lui.

Phát biểu tại sự kiện, ông Blinken cam kết sẽ theo đuổi sự hợp tác trên thế giới, đồng thời khẳng định, Mỹ không thể một mình giải quyết tất cả các vấn đề của thế giới.

Theo ông Blinken, Mỹ sẽ phải tiến hành với các biện pháp cân bằng của sự khiêm tốn và tự tin. Mỹ cần phải làm việc cùng các nước khác cũng như cần sự hợp tác và cộng tác với các nước.

Trong khi đó, bà Linda Thomas-Greenfield khẳng định, nước Mỹ sẽ trở lại với chủ nghĩa đa phương truyền thống, đảo ngược chính sách "Nước Mỹ trước tiên" của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Theo bà Thomas-Greenfield, những thách thức mà nước Mỹ đang phải đối mặt như đại dịch toàn cầu, một nền kinh tế toàn cầu, một cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu, di cư ồ ạt và nghèo đói, công bằng xã hội là liên tục và liên kết với nhau. Tuy nhiên, nếu như nước Mỹ thể hiện vai trò đi đầu, những thách thức trên sẽ có thể được giải quyết.

Tại sự kiện, cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry kêu gọi tổ chức một hội nghị của Liên hợp quốc ở Glasgow vào năm tới nhằm nâng cao các tham vọng về khí hậu, đồng thời nhấn mạnh rằng Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu mà ông đã giúp đàm phán là không đủ.

(theo AFP, TTXVN)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hau-bau-cu-my-2020-ong-biden-quyet-khoi-phuc-vi-the-lanh-dao-cua-my-nhan-de-cu-nhung-vi-tri-trong-yeu-cac-tro-thu-dac-luc-noi-gi-129931.html