Hạt gạo làng ta đi xa muôn nẻo

Trong niềm vui xuân mới, hẳn 'người nông dân được mùa' càng chộn rộn hơn. Năm 2023, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và xuất gạo đã vượt muôn vàn khó khăn để thu được thành tựu hết sức ý nghĩa, với nhiều cái nhất, nhiều kỷ lục ấn tượng, làm nức lòng người Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Niềm vui thành quả từ lúa gạo. Ảnh: SONG ANH

1. Hòa niềm vui “được mùa, được giá” của người nông dân, trong tôi lại như ngân vang bài hát “Hạt gạo làng ta”, từ bài thơ cùng tên của thần đồng thơ Trần Đăng Khoa, do nhạc sĩ Trần Viết Bình phổ nhạc. Tôi điện thoại, bày tỏ cảm xúc ấy với thi sĩ Trần Đăng Khoa. Nhà thơ cũng thật đồng cảm và khích lệ: “Chú vẫn nội tâm và hoài niệm nhỉ? Nhưng hoài niệm này thời sự đấy!”.

Ngày còn là trò nhỏ lớp 3, mỗi khi loa truyền thanh trên cây bàng đầu xóm rộn ràng bài hát “Hạt gạo làng ta”, tôi lại cùng bạn bè vểnh tai lên mà nghe và thích thú lắm. Giai đoạn ấy, bố tôi cứ biền biệt ở mặt trận Trị Thiên. Ở nhà mẹ tôi cáng đáng mọi việc, vất vả sớm khuya. Lớn thêm một chút, khi đã biết ra đồng cùng mẹ chăm lúa, tôi càng thấy bài hát “Hạt gạo làng ta” như hay hơn, như hát về đồng lúa, hạt gạo làng tôi, về mẹ mình và cả mình nữa. Nhớ hôm đưa nước cho mẹ cấy ở đồng xa dưới nắng chiều tháng sáu như đổ lửa. Nhìn mặt mẹ sạm đen vì nắng, lưng áo ướt sũng mồ hôi, tôi thương mẹ vô cùng. Thế rồi “Hạt gạo làng ta” tôi cứ tự nhiên mà hát, hát chỉ cho mình mẹ nghe, hát trong nắng đồng bỏng rát, hát trong nỗi xúc động không thể kìm lòng… Nghe tôi hát, mẹ ngưng tay ra mạ, nhìn tôi âu yếm. Mẹ vui mà nước mắt rưng rưng. Nước mắt mẹ hòa mồ hôi, hòa nước đồng tháng sáu.

Quả là bài hát “Hạt gạo làng ta” đâu chỉ của thiếu nhi. Cũng như mẹ tôi, bao phụ nữ Việt Nam thời đó khi đi cấy, đi làm đồng nghe “Hạt gạo làng ta” cũng dạt dào cảm xúc, nhân lên niềm vui, niềm động viên tinh thần mà vơi đi nỗi vất vả, nhọc nhằn, không quản ngại nắng nóng, mưa rét mà chăm chút cho cây lúa tốt tươi, cho đồng làng thêm trĩu hạt, để có nhiều “Hạt gạo làng ta/Gửi ra tiền tuyến”. Có “Hạt gạo làng ta/Gửi ra tiền tuyến” bộ đội ta được tiếp thêm sức mạnh về thể chất và tinh thần, “ăn no đánh thắng”.

Đất nước hòa bình, thống nhất, những cứ tưởng “Em vui em hát” về “Hạt gạo làng ta” sẽ tưng bừng, tươi vui hơn? Nhưng không, “Hạt gạo làng ta” lại sa vào “cung trầm”. Do thiên tai, mất mùa triền miên; do duy trì quá lâu cơ chế quản lý hành chính, bao cấp đã bó chặt, bó lâu “gốc lúa”...

Cả nước nháo nhác vì thiếu đói, toàn dân phải ăn độn khoai, sắn, bo bo… Mà ăn độn thì “một gạo cõng ba khoai”. Bo bo thì thật ái ngại về loại ngũ cốc nhập ngoại này, vì “vào sao ra vậy”.

Không thể để dân thiếu đói thêm nữa, từ Trung ương đến cơ sở, từ lãnh đạo cao nhất đến lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các nhà khoa học cùng canh cánh “bên luống cày” với người nông dân. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V (tháng 3/1982) xác định “Trước mắt phải đưa nông nghiệp lên mặt trận hàng đầu”. Chỉ thị 100 của Ban Bí thư, Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị ra đời (thường gọi “khoán 100” và “khoán 10”) đã nhanh chóng đi vào cuộc sống nông dân, nông nghiệp, như những dưỡng chất đặc hiệu cho cây lúa Việt Nam.

“Khoán 100” và “khoán 10”, cùng với đường lối đổi mới mạnh mẽ của Đảng đã “cởi trói” cho ngành nông nghiệp, xóa “bó gốc” để cây lúa thỏa sức sinh sôi, tạo động lực bứt phá cho nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa gạo nói riêng. Thành quả thu được thật kỳ diệu, từ thiếu ăn triền miên, năm 1987, Việt Nam đã bảo đảm được 100% lương thực cho toàn dân. Không chỉ đủ ăn, khởi đầu từ mùa xuân 1989, hạt gạo Việt Nam, những tấn gạo đầu tiên của nước ta được xuất khẩu ra thế giới. Từ đó lượng gạo xuất khẩu tăng đều hằng năm, mà “bội thu” là năm 2023 vừa qua, với nhiều tín hiệu vui, cán nhiều đích mới, đạt nhiều con số kỷ lục.

2. Nếu tính cả những lô hàng xuống tàu biển vào cuối tháng 12/2023, thì cả năm Việt Nam xuất khẩu được hơn 8,3 triệu tấn gạo, trị giá hơn 4,8 tỷ USD, con số lịch sử của 34 năm hạt gạo Việt Nam ra với thế giới. Nước ta tiếp tục vững vàng ở tốp đầu 3 nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới. Tính trung bình, năm 2023 gạo Việt Nam cũng được giá nhất trên thương trường quốc tế. Cũng năm 2023, nhiều thương hiệu gạo của Việt Nam đã xuất hiện trên những kệ hàng của những siêu thị đẳng cấp trên thế giới; gạo ST25 của Việt Nam tiếp tục soán ngôi ngon nhất toàn cầu, tại cuộc thi gạo thế giới tại Philippines tháng 11/2023. Quả thực là hạt gạo Việt Nam đã đi đều, đi đẹp, đi xa muôn nẻo, tới 152 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Cũng từ ý thơ và sự quan tâm đến ngành lúa gạo mà tôi thêm thấu hiểu và trân trọng “chuỗi vất vả” để hạt gạo Việt Nam đi xa muôn nẻo. Để có kết quả, niềm vui viên mãn đó, không chỉ có vất vả, mồ hôi của người nông dân, mà còn là bao công sức, sự đôn đáo, năng động của các nhà chức trách, chuyên viên, tham tán thương mại… của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao, Tổng cục Hải quan, các nhà khoa học, các nhà doanh nghiệp. Mồ hôi của họ không đổ xuống đồng, mà đổ “vào trong”, đổ trên bàn đàm phán, trong các thương vụ. Thời khốn khó, ngoại giao “con thoi” để xin viện trợ, để vay được nhiều lúa mì, bo bo về cứu đói cho dân! Nay thì ngược lại, ngoại giao “con thoi” để xuất khẩu được nhiều gạo cho nông dân, cho đất nước! Đó là ngoại giao, là vất vả trong hạnh phúc.

3. Trong câu chuyện “được mùa được giá”, nhà thơ Trần Đăng Khoa còn đôi điều muốn nói về hạt gạo Việt Nam, nhưng đó là hiện tại, chứ không phải dự cảm. Theo nhà thơ, gạo Việt Nam đã xuất được nhiều, được giá, nhưng lợi nhuận từ trồng lúa của người nông dân còn thấp lắm, phổ biến vẫn là “lấy công làm lãi”. Xuất khẩu gạo chính là xuất khẩu mồ hôi, công sức của người nông dân, mong sao nó được hồi lại xứng đáng. Ở nhiều vùng rừng núi, người dân vẫn thiếu gạo ăn, vì thiếu đất, thiếu nước trồng lúa, vì đất đai cằn cỗi… Họ không phải lâm tặc nhưng buộc phải vào rừng để chặt cây lấy củi bán đong gạo từng bữa, vừa xót, vừa thương lắm!

Nghe nhà thơ bày tỏ, tôi nhớ ngay đến điều lúc sinh thời ông Cư Hòa Vần (khi đó làm Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) phát biểu rất thống thiết tại hội nghị của Mặt trận vào cuối năm 2004: “Rằng, chúng ta đang ra sức giữ rừng, đã rất tốn kém cho việc này, nhưng rừng vẫn bị phá tan hoang, đau xót! Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là người dân ở khu vực rừng núi không có gạo ăn, buộc phải vào rừng chặt cây lấy củi bán mới có tiền mua gạo. Rằng, tôi có ước tính và đề nghị Chính phủ dành mỗi năm khoảng 300 nghìn tấn gạo để điều tiết, hỗ trợ người dân thiếu đói ở gần các khu rừng, thì chắc chắn sẽ hạn chế đi rất nhiều nạn phá rừng, mất rừng. Chắc chắn là “cấp gạo giữ rừng” sẽ rẻ hơn, hữu hiệu hơn việc chi cho giữ rừng hiện nay…”.

Phát triển bền vững là yêu cầu thời đại, là đòi hỏi tất yếu với mọi lĩnh vực của mỗi quốc gia và toàn cầu. Về vấn đề này trong nông nghiệp nói chung, trong trồng lúa gạo nói riêng, Việt Nam đã có nhiều tiến bộ, nhưng cần chú trọng nhiều hơn, đồng bộ và đồng đều hơn ở mọi vùng miền. Các nhà kinh tế nông nghiệp nhìn nhận việc xuất khẩu gạo của Việt Nam thành công và “bội thu” trong năm 2023 có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, gặp “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Điều đó thật đúng, nhưng cần khẳng định nguyên nhân chủ quan, yếu tố “nhân hòa” mới thật sự là căn nguyên của thành quả đó, là nhân tố số một của phát triển bền vững, thành quả vững bền.

Là một đất nước văn hiến, quốc gia trọng nghĩa tình, Việt Nam tuyệt nhiên không chờ “đục nước béo cò”, không muốn ở một quốc gia, vùng lãnh thổ nào đó bị bão lụt, hạn hán; bị hậu quả nặng nề của El-Nino; không mong gì một nước nào đó tạm dừng xuất khẩu gạo; cả việc khủng hoảng thông thương biển Đỏ hiện nay… để Việt Nam xuất khẩu gạo được nhiều, được giá hơn.

Niềm vui trọn vẹn khi gạo xuất khẩu được nhiều, được giá phải do chính nội lực, nội chất của hạt gạo Việt Nam. Muốn vậy, chúng ta phải định vị tốt hơn cho thương hiệu gạo Việt, thực hiện một nền nông nghiệp hữu cơ, trách nhiệm với đất nước và thế giới. Năm 2024 nước ta bắt đầu triển khai trồng 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp, tin tưởng là chương trình sẽ thành công, để thực hiện trên quy mô toàn quốc. Để hạt gạo Việt Nam toàn dưỡng chất ngon - lành. Để người nông dân cả nước đỡ đi vất vả, nhân lên niềm vui. Để lĩnh vực xuất khẩu gạo của Việt Nam luôn bền vững, thành công. Để ca khúc “Hạt gạo làng ta” thêm tươi vui, giàu nhạc cảm.

(Theo nhandan.vn)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/dien-dan/202402/hat-gao-lang-ta-di-xa-muon-neo-1004073/