Hành trình Ama Hrin

Với cái chất Ê Đê đậm đà cổ xưa mà hiện đại, cuộc hành trình hơn nửa thế kỉ của già làng Ama Hrin đã giữ gìn, nối kết văn hóa, thắt chặt tình hữu nghị giữa các dân tộc anh em và bạn bè quốc tế. Đã hơn 10 năm già về với Giàng nhưng buôn Akô Dhông tiếp tục phát huy di sản quý giá mà già để lại: một buôn Ê Đê thấm nhuần văn hóa bản địa mà vẫn hiện đại, văn minh giữa guồng quay đô thị…

Từ miền đất hứa Akô Dhông

Tôi đến Akô Dhông (TP Buôn Ma Thuột) lần đầu vào một chiều thu năm 2011. Những ngôi nhà dài thấp thoáng, đẹp huyền ảo dưới ánh hoàng hôn thẫm màu cây lá. Người làng bảo chiều xế bóng, ghé buôn thể nào cũng gặp được già Ama Hrin - “kho báu sống” của núi rừng Tây Nguyên. Bởi ngày nào cũng vậy, khi mặt trời vừa ló trên đỉnh núi thì già đã vác cuốc, mang rựa lên nương. Cái tay làm không ngơi nên có phải vậy mà tròn 80 mùa rẫy, vị già làng nổi tiếng của đại ngàn nắng gió vẫn toát lên khí phách của chàng "Đam San" thuở nào: nước da nâu rắn rỏi và nụ cười hào sảng, âm vang như thác lũ đại ngàn. Chiều ấy, già Ama Hrin ngồi đó, trên bậc thang của ngôi nhà dài tre nứa duy nhất buôn, trầm mặc nhìn về những nếp nhà trù phú đang chìm dần vào màn đêm. Sâu thẳm đôi mắt ấy là khoảng kí ức mênh mông bập bùng ánh lửa. Đôi mắt kể về những tháng năm lập nên buôn làng đặc sắc, kỳ lạ nhất Tây Nguyên, bắt đầu cho một huyền thoại núi rừng…

Già làng Ama Hrin lúc sinh thời trong nhà dài của mình, ngôi nhà bằng tre nứa duy nhất buôn Akô Dhông

Đó là vào năm 1954. Vùng đất MĐrắc cằn cỗi sỏi đá, nhiều cỏ tranh và thú dữ. Cuộc sống của dân làng bữa đói bữa no, lay lắt như cỏ cây mùa hạn. “Phải tìm thần nước. Nơi nào có thác, có suối người Ê Đê mới sống được”. Cái bụng nghĩ sao, Y Diêm Niê (tên thật của già) làm vậy. Người thanh niên 23 tuổi gan dạ ấy vai mang cung, tay cầm giáo dẫn vợ con rời bỏ vùng quê nghèo, đi tìm miền đất hứa. Ròng rã ngày đêm vượt núi, băng rừng, cuối cùng Y Diêm cũng tìm được mạch nước sống. Đó là suối Ea Nuôl, ven TP Buôn Ma Thuột bây giờ. Vẻ đẹp của miền đất hoang sơ bên con suối mát lành mê hoặc Y Diêm. Y Diêm cắm ngọn giáo khai hoang, dựng lều tranh ven suối. Ngày ngày vợ chồng khai khẩn đất rừng, gieo bắp trồng đậu… Rồi những người cùng quê cũng theo Y Diêm về lập nghiệp trên miền đất mới.

Nhưng đời sống của dân làng cũng không thể khấm khá hơn. Thấy vậy, Y Diêm (giờ đã thành Ama Hrin, vì người Ê Đê theo chế độ mẫu hệ, khi có con thì tên cha mẹ gọi theo tên con gái lớn, già có con gái đầu tên là Hrin Nie nên dân làng gọi ông là Ama Hrin, tiếng Ê Đê nghĩa là “Cha của Hrin”) quyết phải học cho bằng được kỹ thuật trồng cà phê mà bấy giờ chỉ người Pháp và người Kinh “độc quyền”. Vốn sáng dạ, cộng thêm sự chỉ dẫn, giúp đỡ nhiệt tình của cha nuôi người Kinh, Hrin nhanh chóng nắm được cách trồng cà phê. Ông vào rừng, nhổ cà phê con mọc hoang về trồng rồi dạy cho bà con. Trời không phụ lòng người, vườn cà phê 500 cây thử nghiệm của Hrin cũng bói quả. Dân làng ai cũng mừng vì giờ đây nhờ hạt cà phê đời sống đồng bào sung túc hơn trước. Với những gì đã làm được cộng với sự hiền minh, quyết đoán, chàng trai trẻ Hrin sớm trở thành gốc cổ thụ vững chãi của buôn làng, được mọi người nể phục, tin yêu. Năm 1958, buôn Akô Dhông chính thức thành lập. Mọi người đồng tín nhiệm Hrin làm già làng dù lúc ấy ông chưa đầy… 30 tuổi.

Ama Hrin còn làm cho bà con và bạn bè bốn phương thán phục bởi cách tổ chức buôn và giữ gìn bản sắc văn hóa Ê Đê của mình. “Đầu những năm 2000, khi bà con phá nhà dài làm nhà xây, già không chịu. Mình họp dân rồi nói “Mất nhà dài là coi như mất cồng chiêng, mất sử thi, mất ghế Kpan, mất cả Giàng, cả hồn cốt người Ê Đê. Nhờ hiểu cái bụng của mình mà bà con mới nghe theo, thống nhất làm nhà xây sau lưng nhà dài truyền thống”, già kể.

Ghé thăm Akô Dhông, du khách phải trầm trồ kinh ngạc trước một buôn dân tộc vừa hiện đại vừa cổ xưa, khác xa các buôn khác. Đường làng sạch sẽ, gia súc có chỗ nuôi nhốt riêng. Dọc đường cây xanh, khóm hoa được cắt tỉa đẹp mắt, thoáng đãng. Hệ thống nước sạch đến từng nhà. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk, Akô Dhông là buôn lưu giữ nhiều nhà dài truyền thống nhất ở Đắk Lắk. Bao nhiêu hộ gia đình Ê Đê thì còn bấy nhiêu ngôi nhà dài. Nghề thủ công, các vật dụng thiêng liêng như cồng, chiêng, ghế Kpan, ché… cùng các nghi lễ, lễ hội của người Ê Đê vẫn được lưu giữ nguyên vẹn.

Ngôi nhà dài tre nứa được vợ con già Ama Hrin phục dựng để tưởng nhớ đến già và phục vụ du khách

...Đến bên kia bờ Thái Bình Dương

Già Ama Hrin không chỉ là cây cổ thụ vững chãi của buôn làng mà còn là người bạn già đáng kính của kiều bào, người nước ngoài yêu Việt Nam, yêu những con người chất phác trên cao nguyên hoang sơ. Đôi chân ông từng tung hoành trên miền đất đỏ thuở hồng hoang, từng đặt lên những nẻo đường của đất nước. Và bên kia nửa vòng trái đất, ông cũng từng ghé thăm. Đó là Mỹ, Canada, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Ấn Độ… Ông đi để hiểu biết văn hóa, lối sống nước bạn; học tập những cái hay, cái tốt để phục vụ cho buôn làng. Bản thân Ama Hrin đã trở thành đại sứ văn hóa, hữu nghị của người Ê Đê tự bao giờ. Thông thạo tiếng Pháp, ông tự tin giới thiệu cho bạn bè quốc tế về quê hương, con người trên cao nguyên đất đỏ nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung.

Ama Hrin bảo đi xa, nhớ rừng nhớ núi lắm. Thế nên những câu chuyện về núi rừng, về buôn làng bên con suối Ea Nuôl hiền hòa luôn được ông kể say sưa cho bạn bè bốn phương. Trên đất bạn, người ta thấy ông mộc mạc trong chiếc áo thổ cẩm, đầu đội mũ cát, miệng ngậm tẩu thuốc rê đặc trưng của núi rừng. Cái chất Ê Đê thô mộc, tinh tế thấm nhuần trong người con sinh ra từ đại ngàn ấy làm bạn bè quốc tế thêm yêu hơn những người dân hiền hòa trên miền đất đỏ. Có lẽ vì vậy mà hằng năm, lượng khách nước ngoài đến thăm buôn Akô Dhông càng tăng. Cái tên Ama Hrin còn được các nhà khoa học nước ngoài trân trọng nhắc đến trong các công trình nghiên cứu văn hóa dân tộc.

Ngoài nỗi trăn trở bảo tồn các giá trị truyền thống, điều Ama Hrin mong mỏi nhất là các dân tộc anh em, bạn bè quốc tế cùng hiểu biết về văn hóa của nhau. Đó là chất xúc tác làm tình đoàn kết, hữu nghị thêm khăng khít, gắn bó. Bản thân Ama Hrin đã không ít lần chạm mặt bọn phản động, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, hòa bình thế giới ngay trên buôn làng và ở nước ngoài. Chuyến đi Mỹ năm 2007, sau khi Ama Hrin bắt tay chào hỏi, ba kiều bào người Ê Đê cười khẩy:

- Người Kinh chiếm hết đất của chúng mày rồi phải không, Hrin?

Biết đây là bọn phản động Fulro lưu vong, bất mãn, chống đối Nhà nước Việt Nam, gây thù hằn dân tộc, Ama Hrin bình thản đáp trả:

- Thế tụi mày đã đến buôn Akô Dhông chưa? Tụi mày đã xem bà con ở đấy làm ăn sinh sống thế nào chưa?

Chúng lúng túng nhìn nhau:

- Tụi tao… tụi tao… chưa đến. Nhưng tụi tao nghe người ta nói thế. Bọn người Kinh ác lắm, mày không nên chơi. Có ngày bọn nó cướp hết đất của buôn làng mày, Hrin à.

Ông đáp, giọng đanh sắt:

- Bọn mày chỉ nghe đồn rồi tin theo mà không biết thực hư ra sao. Nếu người Kinh chiếm đất của tụi tao thì giờ buôn làng tao sao vẫn làm ăn sung túc, vẫn khai khẩn trồng trọt, lại được chính sách đãi ngộ của Nhà nước?

Thông minh, cương quyết cộng với sự mộc mạc, chân thành, Ama Hrin đã cảm hóa không ít người có cái nhìn thiếu thiện chí với Việt Nam cũng như các phần tử phản động, sống lưu vong ở nước ngoài. Nhấp ngụm trà, Ama Hrin bảo: “Sau giải phóng, bọn tàn quân Fulro liên tục dùng thủ đoạn kích động, lôi kéo bà con trong buôn. Già đi từng nhà vận động, khuyên răn dân làng đừng nghe theo lời dụ dỗ ngon ngọt của chúng mà hại buôn, hại mình. Cái bụng bọn nó xấu, chúng chỉ hòng gây chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết của dân tộc anh em mình mà thôi. Mình không tin, không theo được! Nhiều người không may lầm lỗi, cũng nghe lời già mà về với buôn làng, làm lại cuộc đời”.

Con cháu, thanh niên trong buôn luôn được ông răn dạy: không được làm hại ai, con người với nhau phải yêu thương, giúp đỡ nhau dù khác màu da, giọng nói. Vậy nên không những bà con trong buôn sống hòa hợp, yêu thương nhau mà đối với những vị khách phương xa đều được họ tiếp đón cởi mở, chân tình như anh em một nhà. Yêu mến, kính trọng Ama Hrin, nhiều người đã nhận ông làm cha nuôi. Trong số đó có 30 người Campuchia từng được ông chở che, nuôi giấu trong những năm trốn chạy nạn diệt chủng Pol Pot - Khmer Đỏ.

Ngày ấy, dẫn tôi đi quanh buôn xem bà con làm ăn sản xuất, nhìn bầy trẻ thơ đang vẫy tay tiễn đoàn khách nước ngoài ra về, già cười rung chiếc mũ cát: "Già có tuổi rồi mà hễ khách Tây đến, bà con lại kêu mình làm hướng dẫn viên thôi. Già chỉ mong mai này về với Giàng, bọn trẻ gắng sức học tập cho giỏi, tiếp nối mình mà giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc, xây dựng buôn làng thân thiện, giàu đẹp"…

Thấm thoắt đã 10 năm già về với Giàng, buôn Akô Dhông vẫn thế, bình yên nếp nhà dài bên những tán lá xanh ngát. Mới đây, vợ con già đã phục hồi lại căn nhà dài tre nứa duy nhất buôn từng in dấu vị già làng đáng kính bởi căn nhà cũ đã xuống cấp, mục ruỗng. Mọi thứ gắn bó với già thuở sinh thời được lưu giữ vẹn nguyên để du khách thập phương tìm hiểu, ngưỡng vọng. Ghé thăm buôn, ngồi lại bậc thang xưa, tôi cứ tưởng như vị già làng huyền thoại vẫn ở đâu đây, hào sảng kể cho con cháu nghe hành trình đầy kiêu hãnh bên bếp lửa vừa nhen…

Mai Quỳnh Nga

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/so-tay/hanh-trinh-ama-hrin-i697842/