Hành trang cho chặng đường mới

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định mục tiêu: 'Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước CHXHCN Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao'. Đây là mục tiêu không dễ dàng, nhưng Việt Nam cũng đã tạo lập được những nền tảng quan trọng và chuẩn bị những hành trang cần thiết để hiện thực hóa mục tiêu này.

Mục tiêu không dễ dàng

Năm 1986 khi bắt đầu công cuộc Đổi mới, GDP Việt Nam đạt khoảng 8 tỷ USD, xếp thứ 9/10 trong khối ASEAN. Sau hơn 35 năm nỗ lực không mệt mỏi, đến năm 2022, quy mô GDP Việt Nam đã tăng gấp 50 lần, hiện xếp thứ 5 trong ASEAN (sau Indonesia, Thái Lan, Singapore và Malaysia).

Nguồn: ITN

Nguồn: ITN

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, ngay trong năm 2023, Việt Nam sẽ đứng thứ ba Đông Nam Á về quy mô kinh tế với GDP đạt khoảng 469 tỷ USD, vượt qua Malaysia và Singapore. Ở góc độ toàn cầu, Việt Nam sẽ là quốc gia có quy mô kinh tế lớn thứ 35 thế giới. IMF cũng dự báo rằng chỉ trong vòng 5 năm nữa, vào năm 2028, GDP bình quân đầu người của Việt Nam sẽ đạt 6.960 USD/năm và đứng thứ 4, xếp sau Malaysia, Thái Lan, Indonesia trong ASEAN.

Rõ ràng, Việt Nam đã đạt được bước tiến quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Song, để đạt được mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao vẫn là thách thức rất lớn. Chướng ngại vật đầu tiên phải vượt qua là bẫy thu nhập trung bình.

Với thu nhập bình quân đầu người khoảng 4.160 USD vào năm 2022, Việt Nam mấp mé tiến sát ngưỡng khởi đầu của nhóm các nước thu nhập trung bình cao. Nhưng điều này không có nghĩa rằng con đường đi tới vị thế quốc gia phát triển, thu nhập cao sẽ thênh thang rộng mở. Thực tế cho thấy, nhiều nước đã có thể vượt qua được hàng rào thu nhập thấp, nhưng mắc kẹt ở vị thế quốc gia có thu nhập trung bình và sau một thời gian rất dài vẫn chưa có khả năng để bước vào nhóm có thu nhập cao, trở thành quốc gia phát triển.

Trong số 101 quốc gia có mức thu nhập trung bình trong thập niên 1960, tới nay chỉ có 13/101 quốc gia trở thành nước có thu nhập cao. Thực tiễn này cho thấy, để biến ước vọng thành hiện thực, bên cạnh yêu cầu phải đạt được những tiến bộ mạnh mẽ hơn nữa về xã hội, môi trường, khoa học, công nghệ, văn hóa, giáo dục, Việt Nam cần duy trì bền vững tốc độ tăng trưởng kinh tế ở tốc độ tăng trưởng trung bình ở mức 6 - 7% mỗi năm liên tục từ nay cho tới năm 2045. Đây là một mục tiêu không dễ dàng và nhiều thách thức.

Việt Nam đang có gì?

Sau hơn 35 năm đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã tạo dựng được những tiền đề, cơ sở nền tảng cùng những điểm tựa quan trọng, đồng thời chuẩn bị được những hành trang quý báu cho chặng đường đi tiếp hướng tới mục tiêu này. Dưới đây là một vài trong số những hành trang đó.

Cơ chế thị trường ngày một hoàn thiện. Qua hơn 35 năm Đổi mới, Việt Nam đã dần chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với những đổi mới nền tảng về tư duy, cách nhìn nhận về kinh tế thị trường, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN qua từng kỳ Đại hội của Đảng. Vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước trong nền kinh tế và mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội được định hình ngày càng rõ nét hơn. Hệ thống pháp luật kinh tế liên tục được đổi mới phù hợp với quá trình hoàn thiện mô hình nền kinh tế thị trường ở Việt Nam và tiến trình hội nhập quốc tế. Các yếu tố nền tảng của nền kinh tế thị trường đã được dần hình thành. Sở hữu tư nhân, kinh tế tư nhân được thừa nhận và ngày càng khẳng định trong nền kinh tế.

Tính đến nay, Việt Nam đã được 71 quốc gia và vùng lãnh thổ công nhận là một nền kinh tế thị trường thông qua nhiều hình thức khác nhau. Mới đây nhất, Trong khuôn khổ Vương quốc Anh gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Vương quốc Anh sẽ công nhận các ngành sản xuất của Việt Nam hoạt động theo các điều kiện kinh tế thị trường. Hình thành và vận hành tốt nền kinh tế thị trường định hướng XHCN tạo tiền đề cho việc thu hút, phân bổ nguồn lực hiệu quả cho quá trình phát triển, đồng thời phát huy được các yếu tố về xã hội, môi trường, con người, từ đó nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam, tạo thuận lợi cho con đường trở thành quốc gia phát triển của Việt Nam.

Thể chế và môi trường kinh doanh liên tục được cải thiện. Các đạo luật điều chỉnh những quan hệ kinh tế, dân sự cơ bản nhất của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đã được ban hành. Trong số đó, phải kể tới các đạo luật quy định về bảo vệ quyền sở hữu, quyền tài sản của người dân, doanh nghiệp; các đạo luật điều chỉnh quan hệ hợp đồng, bảo đảm quyền tự do hợp đồng của người dân, doanh nghiệp; các đạo luật quy định điều chỉnh hoạt động đầu tư, kinh doanh trong nền kinh tế; các đạo luật về một số loại thị trường quan trọng như thị trường lao động, thị trường đất đai, thị trường bất động sản, thị trường hàng hóa, dịch vụ, thị trường vốn, thị trường tín dụng…

Các nỗ lực cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh bất hợp lý đã cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh. Hàng nghìn rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh đã được dỡ bỏ. Nhiều yếu tố, vấn đề về xã hội, quản lý, quản trị liên quan tới chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia được chú trọng chỉ đạo giải quyết. Thứ hạng của Việt Nam trong tất cả các bảng xếp hạng quan trọng của quốc tế đều được cải thiện.

Mặc dù là nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình thấp, song vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng uy tín toàn cầu được nâng lên. Chẳng hạn, Việt Nam xếp vị trí 67/141 trong báo cáo Năng lực cạnh tranh 4.0 của Diễn đàn kinh tế thế giới - WEF (năm 2019); vị trí 44/132 trong bảng xếp hạng Đổi mới sáng tạo của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới - WIPO (2021) hay vị trí 51/165 trong bảng xếp hạng Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (2021). Chất lượng quản trị công liên tục được cải thiện và nhờ đó Việt Nam có một nền kinh tế vĩ mô ổn định trong suốt nhiều năm liền, củng cố vững chắc lòng tin của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân không ngừng lớn mạnh. Hiện, cả nước có gần 1 triệu doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, gần 30 nghìn hợp tác xã. Các doanh nghiệp nhà nước tiếp tục được sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động, là công cụ bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Các doanh nghiệp tư nhân ngày càng đông đảo, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Cho tới nay đã xuất hiện nhiều doanh nhân thành đạt tầm quốc tế và các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, đủ sức cạnh tranh với nước ngoài. Cùng với đó, có gần 30 nghìn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại Việt Nam.

Cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân đông đảo đã đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Việt Nam. Doanh nghiệp, doanh nhân đã là nhân tố chính để đưa nền kinh tế Việt Nam đến vị thế như ngày hôm nay và chắc chắn sẽ tiếp tục là lực lượng chủ lực để Việt Nam vượt bẫy quốc gia có thu nhập trung bình và trở thành nước phát triển, thu nhập cao như mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Nguồn nhân lực trong giai đoạn dân số vàng. Hiện nay, lực lượng lao động nước ta đạt khoảng 51,6 triệu người. Trung bình hằng năm có thêm khoảng 1 triệu người tham gia thị trường lao động. Đây là một nguồn lực vô cùng quan trọng cho quá trình phát triển của đất nước. Báo cáo Chỉ số Phát triển Con người của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) xếp hạng Việt Nam thuộc Nhóm Phát triển con người cao từ năm 2019. Năm 2021, chỉ số HDI của Việt Nam là 0,703 và được xếp hạng ở vị trí 115/191 quốc gia. UNDP đã ghi nhận rằng các tiến bộ về tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam đã luôn đi kèm với sự cải thiện về chất lượng cuộc sống của người dân, giảm nghèo bền vững, chất lượng y tế, giáo dục, đào tạo kỹ năng và phát triển nhân lực, phát triển con người.

Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng từ năm 2007. Cơ cấu “dân số vàng” thường kéo dài từ 30 - 35 năm, thậm chí là 40 - 50 năm. Như vậy, thời kỳ cơ cấu dân số vàng tại Việt Nam còn có thể kéo dài tới tận 2040 hoặc 2045. Đây thực là một cơ hội hiếm có cho Việt Nam và cũng rất đúng thời điểm khi nền kinh tế đặt mục tiêu trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045. Thời kỳ có cơ cấu dân số vàng đồng nghĩa với chừng ấy thời gian Việt Nam có được lực lượng lao động trẻ hùng hậu, đủ sức làm xoay chuyển nền kinh tế đất nước nếu chúng ta biết khai thác tối đa nguồn tài nguyên quý giá này. Nhiều quốc gia châu Á như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc đã thành công trong việc biến cơ hội “dân số vàng” để tạo nên những kỳ tích trong phát triển kinh tế, thoát bẫy thu nhập trung bình và trở thành nền kinh tế có thu nhập cao.

Lao động và nguồn nhân lực dồi dào nằm trong đúng thời kỳ dân số vàng thực sự là nguồn lực quý giá mà chúng ta cần tận dụng triệt để để hiện thực hóa tầm nhìn về một đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, phát triển với một nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045.

Thị trường trong nước đầy tiềm năng. Dân số của Việt Nam đã đạt mốc 100 triệu người vào tháng 4.2023. Đây là một cột mốc quan trọng từ góc độ tăng trưởng kinh tế. Việt Nam nay đã chính thức trở thành một nền kinh tế có số lượng người tiêu dùng đứng thứ 15 thế giới và thứ ba trong ASEAN.

100 triệu người tiêu dùng với mức thu nhập bình quân đầu người khoảng 4.160 USD/năm là một thị trường tiêu thụ rất lớn cho rất nhiều sản phẩm hàng hóa và dịch vụ. Đáng chú ý là mức thu nhập bình quân này sẽ tiếp tục tăng nhanh cùng với sự tăng trưởng kinh tế, và từ đó tạo điều kiện để mở rộng thị trường, mở rộng thu nhập khả dụng và nâng cao sức mua của người dân trong nước. Đây chính là động lực rất lớn để phát triển kinh tế, kích thích đầu tư trong nước cũng như thu hút đầu tư nước ngoài.

Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết trong nhiều năm qua, bên cạnh các kết quả về xóa đói, giảm nghèo thì tốc độ tăng trưởng tầng lớp trung lưu ở Việt Nam thuộc hàng cao nhất châu Á. Mỗi năm Việt Nam có thêm khoảng 1,4 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu. Dự báo trong 25 năm tới, một nửa dân số - nghĩa là hơn 50 triệu người Việt Nam sẽ được phân loại là người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu. Tầng lớp trung lưu đông đảo cũng là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế, là cơ hội để chuyển mình cho nhiều ngành kinh tế quan trọng, đưa Việt Nam sớm trở thành một quốc gia thịnh vượng, có nhu nhập cao vào năm 2045. Tiềm lực của thị trường trong nước do vậy là nền tảng để củng cố trụ cột tiêu dùng trong nước, tiêu dùng tư nhân, đầu tư tư nhân và là cơ sở để bảo đảm vững chắc cho việc hoạch định chiến lược và chính sách phát triển kinh tế một cách độc lập, tự chủ, tự cường.

Cơ sở hạ tầngngày một hiệu quả. Đầu tư từ khu vực công và tư vào cơ sở hạ tầng ở Việt Nam đạt 5,7% GDP trong những năm gần đây, cao nhất ở khu vực Đông Nam Á và cao thứ hai ở châu Á, chỉ sau Trung Quốc. Với quyết tâm thay đổi diện mạo về cơ sở hạ tầng, Chính phủ đã quyết tâm phấn đấu đến năm 2030 có 5.000km đường bộ cao tốc. Bên cạnh đó, hàng loạt sân bay, hải cảng cũng được khởi công xây dựng hoặc nâng cấp. Nhiều công trình hạ tầng năng lượng, viễn thông, thủy lợi cũng đang được đẩy mạnh đầu tư. Gần đây, việc triển khai dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đang được đẩy nhanh. Các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cũng bắt đầu tăng tốc với sự hỗ trợ của các cơ chế đặc thù, vượt trội dành cho hai thành phố.

Theo Báo cáo Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu năm 2019 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Việt Nam xếp thứ 77/141 về chất lượng cơ sở hạ tầng tổng thể, thứ 66 về cơ sở hạ tầng giao thông và thứ 87 về cơ sở hạ tầng tiện ích.

Với những nỗ lực và quyết tâm như hiện nay, chỉ 5 - 10 năm nữa, cơ sở hạ tầng của Việt Nam sẽ có một diện mạo hoàn toàn mới. Chắc chắn thứ hạng của Việt Nam về chất lượng cơ sở hạ tầng tổng thể, hạ tầng giao thông hay hạ tầng tiện ích trong Báo cáo Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu năm 2019 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới sẽ có sự cải thiện đáng kể. Cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng sẽ góp phần tháo gỡ một điểm nghẽn tồn tại khá lâu của nền kinh tế Việt Nam. Cùng với việc cải cách và nâng cao chất lượng thể chế và nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng được cải thiện sẽ là hành trang quan trọng cho Việt Nam trên con đường vươn tới vị thế một nền kinh tế phát triển, thu nhập cao.

Vị thế, hình ảnh và lòng tin của các nhà đầu tư - nguồn vốn vô cùng quý báu trong chặng đường tới đây của nền kinh tế Việt Nam. Những nỗ lực nhằm nâng cao chất lượng thể chế, môi trường kinh doanh, cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực đã nâng cao vị thế và hình ảnh của Việt Nam là điểm đến tin cậy của các dòng vốn đầu tư. Lòng tin của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài vào triển vọng kinh tế của đất nước luôn được nuôi dưỡng và củng cố. Đây là điểm tựa quan trọng để Việt Nam cùng với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư sẽ vượt qua mọi thách thức để nền kinh tế chuyển dịch thành công lên vị thế mới - vị thế của một nền kinh tế phát triển, thu nhập cao vào thời điểm 100 năm lập quốc.

TS. Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Vietnam

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/hanh-trang-cho-chang-duong-moi-i341745/